Nữ điều dưỡng qua đời vì nhiễm COVID-19, hai con thơ vẫn nghĩ 'mẹ bận đi chống dịch'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm 13/8, có người gọi điện nói chị Hằng đang trên đường về nhà. Chị về thật có điều nằm trên xe cứu thương. Mọi người đưa chị vào nhà 5 phút để nhìn lại không gian thân thuộc lần cuối, rồi lên đến Trung tâm Y tế thì chị trút hơi thở cuối cùng.
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhân dân Gia Định chăm sóc, điều trị F0.
Nhân viên y tế Bệnh viện Nhân dân Gia Định chăm sóc, điều trị F0.

Cả nhà không ai biết nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (SN 1979, công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, quận Bình Thạnh, TP HCM) tham gia điều trị cho F0. Ngay cả khi chị bị nhiễm COVID-19, chị cũng cố tình không báo cho gia đình biết.

“Cả nhà không ai biết chị Hằng tham gia điều trị cho F0”

Chị Hằng mất, người thân của nữ điều dưỡng nay mỗi người một nơi: bố mẹ chồng nhiễm COVID-19 đang cách ly điều trị; chồng chị là anh Nguyễn Quốc Dũng (SN 1978) đang làm việc tại nhà máy “3 tại chỗ” tận Biên Hòa (Đồng Nai); hai con gái đã đưa sang nhà em chồng nhờ chăm sóc.

Anh Dũng kể, anh phải thực hiện “3 tại chỗ” từ 14/7 tại nhà máy thép ở Biên Hòa (Đồng Nai). “Mấy hôm sau, vợ gọi điện, báo là đi vào BV điều trị F0, không về nhà. Rồi sau đó tôi nghe tin BV báo là vợ tôi bị nhiễm COVID-19, đang điều trị ở BV Ung bướu (gần BV Nhân dân Gia Định). Từ hôm đó đến lúc hay tin vợ mất, tôi chỉ gọi điện được cho vợ 2 lần, nhiều lần khác gọi nhưng không bắt máy. Có lẽ lúc chưa nhiễm bệnh cô ấy đang bận chăm người bị nhiễm COVID-19, còn sau khi bị nhiễm bệnh thì không bắt máy được”, anh Dũng kể.

Chồng làm công nhân, vợ làm điều dưỡng, vẫn sống chung nhà với cha mẹ chồng. Sau khi anh Dũng thực hiện “3 tại chỗ”, vợ đi chống dịch, hai con nhờ cha mẹ chăm sóc. Nhưng được ít ngày cha mẹ anh nhiễm COVID-19, do chưa được chích ngừa. Anh nghĩ, có thể ông bà lây nhiễm khi tiếp xúc với người giao hàng thiết yếu.

Anh Dũng chia sẻ: "Vợ tôi đi chống dịch được khoảng hai tuần thì có người ở BV gọi điện báo vợ tôi nhiễm COVID-19, nay đã đủ điều kiện xuất viện, vẫn cần người chăm sóc, hỏi tôi đưa vợ về đâu. Tôi nói nhà giờ không còn ai, nhờ họ đưa về xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai để mẹ đẻ chăm sóc. Rồi sau đó tôi nghe tin vợ tôi qua đời”.

Theo Luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn Luật sư TP HCM): “Theo tôi, những nhân viên y tế qua đời vì mắc COVID-19 trong quá trình tham gia chống dịch, như điều dưỡng Hằng và bác sĩ Nhẫn, đủ điều kiện để công nhận là liệt sĩ. Khoản 3 Điều 59 Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và điểm k, khoản 1 Điều 14, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đều quy định những người tham gia công tác cứu người trong phòng chống dịch bệnh mà hy sinh sẽ được công nhận liệt sĩ”.

Theo lời em ruột chị Hằng, cả nhà không ai biết chị Hằng tham gia điều trị cho F0. Ngay cả khi chị bị nhiễm COVID-19 gia đình cũng không ai biết. "Hôm 13/8, có người gọi điện nói chị Hằng đang trên đường về nhà. Chị về tới nhà trên xe cứu thương. Người ta đưa chị vào nhà 5 phút thì đưa đi và lên đến Trung tâm Y tế huyện thì chị mất”, chị nghẹn giọng.

Thông tin từ Sở Y tế TP HCM, chị Hằng tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc F0 tại Khoa Hồi sức tích cực khi khoa này chuyển đổi công năng điều trị COVID-19. Quá trình chăm sóc người bệnh, chị Hằng đã mắc COVID-19 và ngày 1/8 được chuyển đến điều trị tại một BV khác.

Tại đây, chị Hằng được chăm sóc điều trị tận tình, kết quả xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện. Ngày 13/8 xe cấp cứu BV Gia Định đưa chị về quê mẹ ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cách ly theo nguyện vọng của chị và gia đình. Tuy nhiên, chị Hằng đột ngột khó thở, đưa đến Trung tâm y tế nhưng không qua khỏi.

Đàn con chưa biết tin mẹ mất

Anh Dũng kể, sau khi ra trường, chị Hằng công tác tại BV Nhân dân Gia Định tính đến nay đã 18 năm. Hai người gặp gỡ, yêu rồi cưới vào năm 2007, có hai con, con nhỏ năm nay vào lớp 7, con lớn vào lớp 9. Cuộc sống hạnh phúc, dù không giàu có nhưng công việc ổn định, sớm tối có nhau.

Sau hàng chục năm gom góp, vợ chồng mua trả góp được căn hộ ở Quận 9 (TP HCM) nhưng chưa kịp vào ở. Vợ chồng đi làm suốt ngày, giờ giấc không cố định, không đảm bảo chăm sóc hai con, rồi dịch bùng lên, họ vẫn ở nhờ nhà cha mẹ chồng. Căn hộ hàng chục năm chắt chiu mới có, chị Hằng chưa kịp ở một ngày.

“Tôi chưa dám cho hai con biết tin mẹ mất vì COVID-19 khi tham gia chống dịch. Sợ nghe hung tin, hai con không chịu đựng được mà sinh ra chuyện không hay. Cả nhà giờ phụ thuộc vào nguồn thu nhập của tôi nên tôi chưa thể về nhà để ở cạnh các con. Mỗi ngày, gọi cho tôi, các con hỏi “sao không thấy mẹ gọi điện hỏi thăm con”. Tôi đau lòng khi phải nói dối “mẹ bận tham gia chống dịch, giúp người nhiễm COVID-19”. Các con tưởng thật, nói chuyện với ai cũng “mẹ bận đi chống dịch”. Mong dịch sớm qua đi, tôi được về với các con”.

Anh Dũng chia sẻ: “Tôi không trách gì ai. Dẫu biết nguy hiểm, dẫu biết có thể hi sinh tính mạng, nhưng điều trị, chăm sóc F0 là trách nhiệm của nhân viên y tế. Bao nhiêu người nhiễm bệnh, bao nhiêu người chết, là nhân viên y tế mà từ chối thì ai chữa trị cho bệnh nhân? Tôi chỉ day dứt và đau đớn nhất trong đời là lúc vợ ngã bệnh và mất, tôi không được nhìn lần cuối, không được đưa vợ về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Ngày 5/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng và bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) đã qua đời khi tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, ngày 24/8, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ cho điều dưỡng Phương Hằng và bác sĩ Nhẫn. Bộ Y tế đã có phúc đáp, đề nghị Sở Y tế hoàn chỉnh hồ sơ để trình người có thẩm quyền xem xét.

“Nếu các cấp xem xét công nhận liệt sĩ thì gia đình tôi xin cảm ơn rất nhiều, đó cũng là một điều an ủi vong linh vợ tôi”, anh Dũng nói.

Đọc thêm