Nữ “hoa tiêu” thầm lặng

Dù nghỉ hưu nhưng dường như bà bận rộn hơn với lịch trình công việc dày đặc…Không chỉ trong lĩnh vực dược, bà được biết tới ở nhiều ngành nghề khác nhau như công an, truyền thông, y tế trong vai trò một diễn giả, một báo cáo viên đầy đam mê…

Dù nghỉ hưu nhưng dường như bà bận rộn hơn với lịch trình công việc dày đặc…Không chỉ trong lĩnh vực dược, bà được biết tới ở nhiều ngành nghề khác nhau như công an, truyền thông, y tế trong vai trò một diễn giả, một báo cáo viên đầy đam mê…

Năm 2012, bà là một trong ba gương mặt “phái đẹp” được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo Nhân dân (NGND). Đó là GS.TS Hoàng Thị Kim Huyền, nguyên trưởng Bộ môn Dược lâm sàng- ĐH Dược Hà Nội…

Giáo sư Tiến sĩ   Hoàng Thị Kim Huyền
Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Huyền

Cưới vào ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ

Chúng tôi tới nhà GS ở con ngõ nhỏ phố Đội Cấn trong một ngày đầu đông chớm lạnh, khi bà vừa được nhận danh hiệu cao quý của người thầy- NGND. Với vóc dáng nhỏ bé, lịch lãm và giọng nói nhẹ nhàng, nếu không hỏi sẽ khó biết được GS là con gái xứ Nghệ.

Sinh năm 1948 ở Nghệ An, nhưng mẹ mất sớm nên 10 tuổi cô bé Huyền đã theo chị ra Hà Nội. Cô lớn lên cùng trang sách, thầy cô, bạn bè trong những năm tháng chiến tranh, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Năm 1971, tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, Huyền được giữ lại làm giảng viên bộ môn Dược lý của trường. Cũng như bao trí thức lúc đó, ký ức đầu đời của họ về tình yêu đều gắn liền với tình hình chiến sự- ai cũng phơi phới, xả thân vì đất nước và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Những năm tháng tuổi 20 sôi nổi đó, Huyền thường phải dẫn sinh viên đi tăng cường xuống các cơ sở như Thái Bình, Bắc Giang… để sơ tán. Cô nhớ như in một đêm ở ven biển Thái Bình, khi cống Cái Lân bị địch bắn phá vỡ đê, có tới  200 người bị thương mang về sân kho hợp tác. Cả đêm đó, cô cùng sinh viên của mình quần quật pha huyết thanh (vì không có máu) để truyền cho bà con trong ánh đèn dầu leo lét trước khi họ được mang lên tuyến trên cấp cứu.

Và nữa là buổi chiều cuối năm 1972, trước khi B52 trút xuống Khâm Thiên- Hà Nội, cô là một trong số những đoàn viên cuối cùng ở lại giữ trường khi chưa được lệnh rút quân ra khỏi thành phố. Hồi đó với vai trò là một dược lý, cô đang nghiên cứu chữa bệnh lỵ.

Thế nhưng, chiều hôm đó, có lệnh rút, cô phải thả hết những lồng thỏ và chuột mới mua về để thí nghiệm. Cùng với cảnh nháo nhác lúc đó là chuột và thỏ tràn ra trắng cả sân trường Dược. Khi ra tới bờ đê để đi cầu treo Khuyến Lương (cầu Long Biên lúc đó phải nhường cho xe tải chở đồ) ra ngoại thành, cả đoàn người cuối cùng ào ào nối đuôi nhau qua sông. Có người mẹ trẻ sang tới bờ bên kia rồi mới biết là đứa con bé bỏng ngồi ghế mây sau xe đạp đã rơi từ bao giờ. Người phụ nữ đó chết lặng, gào khóc gọi con  không thành lời…

Đêm đó, trong những căn hầm trú ẩn ở ngoại thành, Huyền cũng như bao người Hà Nội nhìn về thành phố thân thương đau đớn, xót xa khi những quầng pháo sáng rực trời, bom rơi, đạn nổ…

Đầu năm 1973, đám cưới của cô giáo Huyền với anh lính quân y Đào Đắc Dân tranh thủ về phép cũng là một kỉ niệm đáng nhớ. Tình yêu đầu của họ nảy nở từ lúc nào cũng không rõ vì anh là bạn của anh trai. Huyền và anh biết nhau từ thưở nhỏ, rồi người là sinh viên trường Dược, người là sinh viên ĐH Bách khoa nhưng cả hai lại đều có duyên với ngành y. Anh vào bộ đội từ năm 1969 khi đang công tác ở Bệnh viện quân y 108- khoa trang thiết bị.

Đám cưới ngày ấy giản dị lắm, anh vẫn mặc bộ quân phục từ Lào, cô dâu mặc áo trắng, quần đen với vài mâm cơm giản dị tại nhà hàng Nguyên Sinh trên phố Lý Quốc Sư. Giữa lúc mọi người đang chúc mừng cô dâu, chú rể thì loa phát thanh thông báo Hiệp định Giơnevo đình chiến được kí kết. Đó là ngày 28/1/1973, ai cũng lặng đi, vui mừng khôn xiết trong niềm vui chung của dân tộc.

Và vui mừng tột cùng là ngày chiến thắng 30/4, tất cả đều nhảy múa, ào ra đường, ai cũng muốn ôm hôn tất cả. Huyền đèo cậu con trai khi đó chưa đầy hai tuổi sau xe đạp trong niềm vui vỡ òa. Cô tin rằng chồng mình sẽ trở về, dù suốt hai năm kể từ ngày cưới cô không nhận được tin chồng…

Giáo sư Huyền và gia đình
Giáo sư Huyền và gia đình

“Hoa tiêu”- Dược lâm sàng

Gần 40 năm miệt mài trên bục giảng với 22 năm là giảng viên Dược lý, 15 năm là giảng viên Dược lâm sàng, GS.TS Hoàng Kim Huyền được biết tới là một trong những người đầu tiên đưa môn Dược lâm sàng vào Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỉ trước. Đây là môn học nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thuốc trong điều trị, nhằm giúp cho việc điều trị có kết quả tốt nhất và phòng ngừa các phản ứng phụ do thuốc gây ra. Thời đó, môn học này rất trẻ so với các môn truyền thống của Dược như: Bào chế, Hóa dược, Dược liệu…

Chính vì thế, năm 1993, TS Huyền được cử sang Pháp thực tập để học hỏi kinh nghiệm. Tại Pháp, hai vị GS đầu ngành đã tạo mọi điều kiện để TS. Huyền có thể tiếp cận đầy đủ các khâu về xây dựng chương trình, tổ chức giảng dạy cả về lý thuyết và thực hành ở bệnh viện. Thời gian thực tập tuy ngắn ngủi nhưng cũng giúp GS Huyền hình dung được những bướ đi đầu tiên đầy khó khăn, bởi chính phủ Pháp khi đó cũng chỉ mới đi một chặng đường khoảng 15 năm.

Một trong những thành công lớn của GS Huyền là đã cùng tập thể bộ môn xây dựng được chương trình của môn học trên cơ sở tham khảo chương trình các nước với nội dung và thời lượng phù hợp với Việt Nam. Đến nay, 4 đầu sách do bà chủ biên, được Bộ Y tế nghiệm thu và NXB y học ấn hành, đang được sử dụng tại trường Dược là: Dược lâm sàng, Dược lâm sàng và điều trị, Chăm sóc Dược, Dược động học. Ngoài ra, một số cuốn sách do bà làm chủ biên, hoặc đồng chủ biên liên quan tới dào tạo dược lâm sàng cũng sắp được xuất bản.

GS.TS Hoàng Kim Huyền đã tích cực đào tạo các giảng viên của bộ môn, các trường Dược hoặc các dược sỹ của các khoa dược của các bệnh viện trong cả nước… Trong 6 tiến sỹ do bà hướng đẫn, có hai người thuộc chuyên ngành Dược lâm sàng.

Bên cạnh đó, với khả năng nghiệp vụ của mình, GS cộng tác trong nghiên cứu của khá nhiều ngành nghề khác nhau và có sức ảnh hưởng rộng trong ngành y tế. Rồi nữa là vai trò của một diễn giả tại các hội thảo lớn trong nước và quốc tế, các trường ĐH, các bệnh viện một cách đầy lôi cuốn và đam mê, bởi bà luôn đưa lý thuyết luôn gắn liền với thực tế.

Và nữa là các bài giảng về Dược lâm sàng cho các dược sỹ chủ các nhà thuốc. Trong số các học viên, có cả các dược sỹ cao tuổi, họ hiểu hơn ai hết việc phải quan tâm tới người dân sử dụng thuốc “ liều” ra sao. Khi mà trong xã hội phần đa mọi người sử dụng thuốc không có chỉ dẫn, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Dược sỹ phải tuyên truyền cho người dân không lạm dụng thuốc và tránh tự chữa bệnh bằng thuốc thiếu khoa học.

Người vợ, người mẹ hiền thục

Năm 1980 bà nghiên cứu sinh ở Liên Xô, tốt nghiệp Tiến sỹ Dược học chuyên ngành Dược lý tại trường ĐH Setrenov- Matxcova. Không thể kể hết những năm tháng vất vả thời bao cấp với người phụ nữ chăm sóc gia đình, nuôi con nhỏ và làm khoa học. Bà nói, người phụ nữ thực sự phải làm gấp hai. Có những chuyến công tác trở về, bát đũa của hai cha con chất ngất nhưng bà vẫn vui vẻ xắn tay vào dọn dẹp, thu xếp nhà cửa.

Đối với bà, người phụ nữ dù có làm gì cũng cần phải biết vai trò của mình ở đâu. Bởi bà biết, khi người đàn ông quá đảm việc nhà thì bà sẽ không mong đợi có được một người chồng khoáng  đạt. Và ai đến nhà, trước mặt chồng, bà cũng ý tứ nhắc mọi người gọi mình là cô giáo chứ không gọi theo học hàm, học vị, bởi chồng bà chỉ là một kỹ sư.

Thế rồi, năm 1986, khi cậu con trai duy nhất vừa cứng cáp một chút thì chồng bà mắc phải bệnh nan y- ung thư. Một tay người phụ nữ nhỏ bé đó phải làm tất cả và chống chọi với nỗi đau dai dẳng, dữ dội của chồng. Suốt những năm tháng vất vả đó, may mắn đều là người trong ngành y nên sự sống của chồng bà giành giật được 13 năm - ông mất năm 1999.

Là một nữ trí thức xinh xắn, cởi mở và chân thành, không thiếu những bờ vai muốn được chia sẻ với bà sớm hôm từ nhiều năm trước, nhưng niềm vui của bà tất cả là công việc và gia đình nhỏ. Bây giờ, bà sống cùng gia đình con trai. Dù rất bận rộn nhưng bà vẫn không nề hà mọi việc trong nhà. Bà cho rằng, người phụ nữ hơn bao giờ hết phải biết hy sinh cái "tôi". Bởi chính sự hy sinh sẽ nhận lại được  nhiều hơn những yêu thương…

Có lẽ những quan điểm đó, lý giải vì sao bà nhận đưọc danh hiệu NGND khi đã nghỉ hưu từ 5 năm trước. Và tôi hiểu, có một điều giản dị,  hạnh phúc và thành công luôn dành cho những ai xứng với nó…

Uyên Na

Đọc thêm