Nữ nghệ nhân ưu tú cả đời tâm huyết với văn hóa và chữ viết Raglai

(PLVN) - Nhận thấy những khó khăn khi không có chữ viết riêng của đồng bào dân tộc mình, bà Mẫu Thị Bích Phanh (dân tộc Raglai, SN 1948, ngụ thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) đã dành thời gian, tâm huyết nghiên cứu cách phát âm, cách viết, cách đọc từ vựng tiếng Raglai bằng cách Latinh hóa, rồi đưa vào giảng dạy cho cán bộ đang công tác ở vùng đồng bào Raglai. 
Bà Mẫu Thị Bích Phanh.
Bà Mẫu Thị Bích Phanh.

Việc làm của bà Phanh đã giúp bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa của người Raglai, góp phần tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Latinh hóa chữ viết cho đồng bào Raglai

Năm 1960, khi vừa tròn 12 tuổi, bà Phanh được tổ chức đưa ra Hà Nội học tập tại Trường Học sinh miền Nam. Sau khi tốt nghiệp THPT, bà thi đỗ vào Trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y Thái Nguyên) niên khóa 1970 - 1976. Sau khi tốt nghiệp ra trường, bà trở về quê hương làm bác sĩ điều trị rồi làm Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) kiêm Trưởng Phòng Y tế huyện. Bà được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII, nhiệm kỳ 1987 - 1992.

Đầu năm 1993, bà Phanh được Ban Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận mời làm cộng tác viên biên dịch bản tin tiếng Việt ra tiếng Raglai và đọc bản tin trên sóng phát thanh, gồm 4 chương trình/tháng, với thời lượng 10 - 15 phút/chương trình. Mặc dù công việc của một Phó chủ tịch huyện kiêm Trưởng Phòng Y tế huyện là rất bận rộn nhưng bà vẫn cố gắng dành thời gian chăm chút biên dịch, đọc chuẩn xác cho đồng bào Raglai hiểu. Năm 2004, bà chính thức nghỉ hưu.

Nói về duyên nợ với việc biên dịch tiếng Việt sang tiếng Raglai, bà Phanh cho biết, vào đầu năm 1969, khi đang học lớp 10 tại Trường Học sinh miền Nam từ Hà Nội sơ tán lên tỉnh Thái Nguyên, bà được các anh chị của Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ dịch bài viết có độ dài một trang giấy A4 nói về tình cảm học sinh dân tộc thiểu số miền Nam học tập tại miền Bắc được Đảng, Bác Hồ quan tâm chăm lo rèn luyện, giáo dục. Sau khi đất nước thống nhất, học sinh dân tộc thiểu số trở về xây dựng quê hương. 

Chữ cổ Raglai được bà Phanh latinh hóa để dễ học, dễ viết.
Chữ cổ Raglai được bà Phanh latinh hóa để dễ học, dễ viết. 

“Tôi dịch xong bài viết từ tiếng Việt sang tiếng Raglai và trực tiếp đọc ghi âm trong chiếc ô tô của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời, tạo cho tôi niềm đam mê công việc biên dịch bản tin tiếng Raglai, làm phát thanh viên và nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy cho cán bộ tỉnh Ninh Thuận công tác ở các xã miền núi, vùng cao”, bà Phanh cho biết.

Từ lâu, đồng bào Raglai đã không có chữ viết riêng nên gặp nhiều khó khăn trong việc đọc và viết. Là người con của đồng bào Raglai, bà Phanh luôn đau đáu làm thế nào để người Raglai có chữ viết riêng, cho con em mình được học chữ Raglai. Bởi bà nghĩ các dân tộc thiểu số đều có ngôn ngữ, tiếng nói riêng và có chữ viết của dân tộc mình, vậy làm sao để đồng bào dân tộc Raglai cũng có chữ viết.

“Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, văn hóa riêng. Với dân tộc Raglai, để giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa nếu chỉ bằng trí nhớ thì không ai có thể nhớ hết được. Từ đó, tôi suy nghĩ cần có một chữ viết riêng để lưu giữ những nét văn hóa. Tuy rằng mình không sáng tác ra chữ viết riêng cho dân tộc Raglai nhưng có thể Latinh hóa để có một ký hiệu cho ngôn ngữ, tiếng nói để việc bảo tồn văn hóa thuận lợi hơn”, bà Phanh chia sẻ.

Bằng phương pháp mẫu tự Latinh hóa, bà Phanh đã tạo nên những ký hiệu chung dùng làm chữ viết cho đồng bào Raglai học tập để giao lưu văn hóa với ngôn ngữ của cộng đồng mình.

“Các từ ngữ trong tiếng Việt dịch sang tiếng Raglai rất khó. Nhiều câu tiếng Việt tôi phải đọc hiểu câu đó rồi mới có thể dịch ý, từ ý dịch sang chữ Raglai như: “đi” dịch là “nau”, “chúng tôi đi” dịch là “kamin nau”. Còn văn bản hành chính thì không thể dịch câu này sang câu khác được mà phải hiểu ý rồi dịch từ ý đó ra”,  bà Phanh nói.

Năm 2018, bà Phanh hoàn thành bộ tài liệu chữ viết Raglai đưa vào giảng dạy cho cán bộ đang công tác ở vùng đồng bào Raglai. Bà trực tiếp đứng lớp để dạy tiếng Raglai cho các cán bộ, công chức, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang, giáo viên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Nội dung tài liệu được thiết kế theo nhóm chủ đề Đảng và Bác Hồ, gia đình, dòng tộc, làng xã, thiên nhiên, môi trường, văn hóa dân tộc, đất nước, con người, lao động - sản xuất, khoa học và giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ Tổ quốc. 

Trong đó, bao gồm các phần luyện nghe, luyện nói, bài đọc, từ ngữ, ngữ pháp và chữ viết. Phần bài học có lồng ghép tìm hiểu thêm về phong tục tập quán, cách giao tiếp, ứng xử thông thường, về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Raglai. Hoàn thành khóa học với thời lượng 450 tiết, học viên có thể nghe hiểu và trao đổi với đồng bào Raglai một số vấn đề phổ thông trong cuộc sống.

Bà Phanh bảo, người Raglai phải biết vận dụng viết chữ Raglai. Đặc biệt, những người biết sử thi, điệu hát dân gian, sử dụng nhạc cụ cần viết thành sách lưu truyền cho con cháu sau này.

“Vì người Raglai không có chữ viết hoặc nói, đúng hơn là chưa có chữ viết riêng cho nên những di sản văn hóa vẫn tồn tại trong trí nhớ của các nghệ nhân là chính. Khi các nghệ nhân không còn thì tất cả di sản văn hóa của dân tộc đều trở thành cát bụi, không thể khôi phục được”, bà Phanh bộc bạch.

Tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Raglai

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên (Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Ninh Thuận), ngay từ thời chống Mỹ cứu nước đã có nhiều cán bộ người Kinh, người Raglai nghiên cứu chữ viết Raglai bằng cách Latinh hóa nhưng rồi đi vào quên lãng. 

“Hiện tại, bà Phanh là người có tâm huyết trong việc nghiên cứu chữ viết Raglai. Người Raglai tha thiết có chữ viết hoàn hảo, bởi vì một dân tộc không có chữ viết thì làm sao bộc lộ, giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình để các dân tộc khác biết. Đối với những người công tác trong ngành giáo dục, sống trong thời đại khoa học công nghệ 4.0 mà không có chữ viết sẽ khó bộc lộ, giới thiệu những khát vọng, ý tưởng của mình về văn hóa dân gian, tác phẩm văn học...”, ông Liên cho biết.

Ông Liên cho biết thêm, công trình nghiên cứu chữ viết Raglai của bà Phanh là một công trình văn hóa hết sức cần thiết cho sự phát triển của người Raglai cũng như các tộc người khác trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận. Công trình có lợi cho những nhà nghiên cứu văn hóa như ông có thêm nhiều sưu tầm hay về văn hóa người Raglai trong tương lai. 

Nói về những dự định tiếp theo, bà Phanh cho biết, trong thời gian tới, bà tiếp tục dành thời gian đến các buôn làng xa xôi để sưu tầm bổ sung từ vựng, lời hát ru, tục ngữ vào kho tàng tiếng nói Raglai ngày càng phong phú. Tiếng nào đồng bào Raglai có thì gìn giữ đưa vào giao tiếp trong cộng đồng, tiếng nào chưa có thì mượn tiếng Việt để sử dụng. Bà cũng sẽ dành thời gian nghiên cứu sử thi Raglai nhằm bảo tồn văn hóa, chữ viết và xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, dân tộc mình.

“Vì tình cảm thiết tha với tiếng mẹ đẻ, tôi mong muốn tiếng nói Raglai được bảo tồn và ngày càng phát triển tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, bà Phanh cho biết.

Với những đóng góp của mình, năm 2019, bà Mẫu Thị Bích Phanh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ trên lĩnh vực tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Raglai. 

Đọc thêm