Nữ sinh nhảy cầu để lại thư trách cha mẹ “ép vào đại học”

Khám nghiệm tử thi nữ sinh, người ta phát hiện thấy một bức thư tuyệt mệnh để lại với lời lẽ trách móc gia đình bắt ép học quá nhiều, dẫn đến bế tắc phải tự tìm cái chết để giải thoát. Thông tin trên đã gây chấn động dư luận Kon Tum.

Khám nghiệm tử thi nữ sinh, người ta phát hiện thấy một bức thư tuyệt mệnh để lại với lời lẽ trách móc gia đình bắt ép học quá nhiều, dẫn đến bế tắc phải tự tìm cái chết để giải thoát. Thông tin trên đã gây chấn động dư luận Kon Tum.

Đêm 14/5/2013, khi nhiều người đang ngồi uống cà phê dọc bờ kè sông Đắk Bla, TP. Kon Tum, bỗng một tiếng hét thất thanh vang lên ở phía chân cầu. Tại hiện trường, mọi người bàng hoàng phát hiện một cô bé đang loay hoay níu kéo một người khác chới với dưới dòng nước.

Những người gần đó nhanh chóng lao xuống ứng cứu, kéo được nạn nhân lên, nhưng do bị ngạt nước quá lâu nên mọi nỗ lực hô hấp nhân tạo đều vô nghĩa. Nạn nhân được xác định là em Phú Thị Dung (SN 1997), học sinh một trường trung học ở huyện Đắk Hà.

Cha nạn nhân cho hay mình không ép uổng gì con.

“Chúng tôi có ép uổng gì đâu”

Gian nhà của gia đình nạn nhân đơn sơ trong thôn 10, xã Đăk Ring, chính giữa bày tủ gỗ đặt hương án cho người xấu số, khói nhang vẫn nghi ngút cháy. Kể từ buổi tối định mệnh ấy, bầu không khí tang thương bao trùm lấy cả gia đình.

Cha nạn nhân kể lại: “Chiều hôm đó tôi đi làm về, thấy cháu mang xe máy đi. Đến tối chưa thấy cháu về, sợ cháu làm sao nên vội chạy đi tìm. Gọi cô giáo hỏi, cô bảo cháu với một bạn cùng lớp chở nhau đi chụp hình, còn trấn an gia đình đừng lo lắng. Rồi đến khuya, bàng hoàng khi có người trong xóm gọi điện về, kêu lên thành phố nhận xác con”.

Người cha chết lặng đứng trước thi thể con gái. Khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng phát hiện một bức thư nạn nhân để lại. Lúc ấy tâm trí bối rối quay cuồng, người cha hoàn toàn không hay biết về bức thư đó.

Từ khi con gái mất, người cha chưa đêm nào trọn giấc. Anh luôn đau xót một câu hỏi trong lòng bởi không cắt nghĩa được lý do con gái mình tự tìm đến cái chết. Gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng, anh than thở: “Vợ chồng tôi hoàn toàn suy sụp, chẳng còn tâm trạng để làm gì nữa”. Công việc hàng ngày là chăm sóc rẫy cà phê suốt thời gian qua bị bỏ bẵng.

“Thà nó giận dỗi hay tỏ ra hờn trách gì bố mẹ thì còn biết để tâm sự nói chuyện, đằng này có không nói gì, sao mình biết”, mẹ nữ sinh nức nở.

Dung là chị cả của hai người em. Tuy gia đình không giàu có nhưng bố mẹ vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em trong công việc học tập. Ngoài học ở trường, về nhà Dung không phải làm việc gì nặng nhọc. Lịch học của em kín cả ngày: Sáng, chiều học trên trường, tối lại đi học thêm ở thị trấn. Thấy con đi học thêm ban đêm vất vả xa xôi, người cha cũng góp tiền mua cho con một chiếc xe máy để tiện đi lại.

Xoay quanh nội dung bức thư tuyệt mệnh, nạn nhân đổ lỗi cho gia đình không thấu hiểu các cảm xúc của mình, bắt ép mình học quá nhiều, gia đình tỏ vẻ vô cùng ngỡ ngàng.

“Khi nghe mọi người nói về nội dung bức thư ấy, tôi thấy bất ngờ. Vợ chồng tôi thương con nhưng cũng tin tưởng con lắm. Cháu nó vốn ngoan hiền, chăm học, nên bố mẹ cũng yên tâm, không hề có chuyện phải ép cháu học bao giờ. Có chăng chỉ là động viên cháu cố gắng học, có thế mạnh môn gì thì cứ đầu tư học môn đó, bố sẵn sàng cho tiền đi học thêm. Chứ chúng tôi có ép uổng gì đâu”, người cha phân trần.

Nạn nhân mắc bệnh trầm cảm?

Theo gia đình, trước lúc xảy ra sự việc đau lòng trên, Dung hoàn toàn không có biểu hiện gì khác lạ. Tuy nhiên, tại trường, nữ sinh vốn là người trầm tính, ít nói, thường sống khép kín, không bao giờ tâm sự với ai chuyện gì.

Nhân chứng quan trọng là người bạn đi cùng nạn nhân cho biết: "Hôm đó, Dung bảo buồn, rủ em lên thành phố chơi rồi ra bờ kè sông tâm sự. Tuy thế khi em hỏi, Dung cũng chẳng nói gì. Nó sống khép kín lắm, không tâm sự với ai. Em chỉ biết là nó rất buồn thôi”.

Theo nhân chứng này, đang ngồi chơi, Dung bỗng lội ùm ra sông. Hốt hoảng, người bạn vội lội ra theo mà không kịp. Nạn nhân đã rơi vào vùng nước trũng, chìm nhanh. Người bạn lao ra tóm được chân Dung, sức yếu không thể kéo lên, đành hét to kêu cứu, rồi nhiều người chạy đến giúp đỡ vẫn không kịp.

Một người hàng xóm của gia đình nạn nhân cho biết: “Bé Dung học giỏi, ngoan hiền. Bố mẹ cháu tuy nghiêm nhưng thương con lắm, khó có việc bắt ép con học quá sức đến mức lội sông tự sát đâu”.

Cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Phương Loan thì cho hay, Dung là một học sinh ngoan hiền, học giỏi, được bạn bè yêu quý. Tất cả các học sinh đều cho biết trước khi tự sát, nữ sinh biểu hiện hoàn toàn bình thường, không nói gì cả.

PV đã tiếp cận được với bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh, trong đó có đoạn nguyên văn như sau: “…Thực sự con thấy lúc này mình thoải mái, không bị cuộc sống bó buộc, không bị cái khuôn khổ mà bố mẹ tạo ra để ép con phải làm theo nữa.

Từ giờ con sẽ làm những gì con thích và muốn làm, một cách thoải mái. Bố mẹ không hiểu tâm trạng của con, thực sự là vậy… Cảm ơn bố mẹ đã tạo ra cuộc sống này cho con, dù con biết đối với con nó không hoàn hảo. Con đã từng đặt mục tiêu lên đại học. Nhưng tại sao bố mẹ không hiểu muốn vào đại học không phải là dễ. Và tại sao không chịu hiểu rằng con sẽ không thể học giỏi được tất cả các môn được.

Bố mẹ nói con học sa sút ư? Đúng là thế đấy, nhưng bố mẹ không hiểu rằng để học tất cả lý thuyết của 12 môn là khó lắm không? Con không thể chịu đựng nữa rồi. Vậy nên bố mẹ để con ra đi. Con xin lỗi! Con là một đứa con hư, vâng!!!”.

Và nếu sự thật như những gì lá thư này để lại, thì nguyên nhân quả là lãng xẹt. Những yếu đuối nhạy cảm quá mức của tuổi mới lớn đã thổi bùng thành tâm trạng bế tắc trầm cảm, rồi dại dột tự tìm đến cái chết.

Nữ sinh không chỉ cướp công nuôi nấng mười mấy năm trời, mà còn khiến nỗi đau trong lòng cha mẹ biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai. Câu chuyện là bài học cảnh tỉnh các bậc cha mẹ và các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

Thanh An

Đọc thêm