|
Ngày 10/4/2013, tại Phiên họp thứ 5 cuộc họp toàn thể các nước thành viên Hội nghị La Hay, Việt Nam đã được công nhận là thành viên chính thức của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Với tư cách thành viên, Việt Nam sẽ được tham gia quyết định chính sách, xây dựng các Công ước hợp tác về các vấn đề tư pháp quốc tế và phương hướng tương lai của Hội nghị La Hay; có quyền bỏ phiếu hàng năm trong Hội đồng Thường vụ và chính sách của Hội nghị La Hay; được mời tham dự mọi hoạt động, phiên họp ngoại giao, ủy ban đặc biệt và nhận thông tin cập nhật về tất cả các công việc đang diễn ra tại Hội nghị La Hay.
Có thể nói, sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức uy tín bậc nhất về tư pháp quốc tế này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập tư pháp quốc tế nói riêng của Việt Nam.
Gọi điện cho “Kiến trúc sư”, người đầu tiên đề xuất ý tưởng Việt Nam tham gia tổ chức uy tín bậc nhất về tư pháp quốc tế này để chúc mừng, tôi cảm nhận rõ niềm tự hào mãnh liệt trong giọng nói của Vụ trưởng Đặng Hoàng Oanh.
“Chị mừng quá em ạ! Việc gia nhập Hội nghị La Hay thể hiện bước tiến của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, là minh chứng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và các nước trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những yêu cầu pháp lý về tư pháp quốc tế, đồng thời cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài của Việt Nam” – bà sôi nổi chia sẻ. Năm đó, sự kiện Việt Nam gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã được bình chọn là một trong mười sự kiện tiêu biểu nhất của ngành Tư pháp.
Có chứng kiến sức làm việc “kinh khủng” của bà cùng những trăn trở, đam mê với công việc mới thấy tình yêu với ngành, với nghề của bà rất mãnh liệt. Tôi đã từng nghe nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp Nguyễn Huy Ngát kể về một nữ chuyên viên có sức dịch bằng 5, bằng 10 lần người khác.
Tôi cũng từng được nghe các bác bảo vệ Bộ Tư pháp kể về một người ngày nào cũng rời cơ quan sau cùng. Sau này mới biết đó chính là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đặng Hoàng Oanh. Lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ cũng bày tỏ sự kinh ngạc trước sức đi, sức viết và khả năng quán xuyến công việc của bà mỗi khi có chuyến tháp tùng lãnh đạo Bộ đi công tác nước ngoài.
Với chuyên môn được đào tạo bài bản về pháp luật quốc tế cùng bản lĩnh chính trị, khả năng cao về ngoại ngữ, nhiều việc khó đến tay bà đều được giải quyết thấu đáo. Từ năm 2010, bà trực tiếp hoặc tham gia xây dựng nhiều đề án, văn bản quan trọng với Vụ Hợp tác quốc tế nói riêng và với công tác đối ngoại của Bộ, ngành Tư pháp nói chung.
Trong các đề án đó, phải kể đến Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các Ban Quản lý các chương trình, dự án hợp tác về pháp luật do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản. Đề án được ban hành đã tạo ra một bước cải cách lớn trong quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án cũng như các hoạt động hợp tác của Bộ Tư pháp, trong đó có việc thành lập mới một tổ chức đặt tại Vụ Hợp tác quốc tế đảm nhận nhiệm vụ chuyên trách quản lý, điều hành hoạt động các chương trình, dự án hợp tác do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản cũng như các chương trình, dự án do các Bộ, ngành khác là cơ quan chủ quản nhưng có sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Điều này góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hợp tác và quản lý hoạt động hợp tác trong phạm vi Bộ Tư pháp.
Trong hoạt động quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật, bà đã đề ra nhiều sáng kiến và hiện nay đã được áp dụng rộng rãi trong Vụ, trong Bộ tạo sự chuyển biến rõ rệt và tăng tính chuyên nghiệp trong công tác đối ngoại của Bộ và của Ngành, nâng cao được hình ảnh và chất lượng hoạt động hợp tác pháp luật của Bộ Tư pháp trong cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển tại Việt Nam.
Một trong những sáng kiến đó là sáng kiến tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật và Diễn đàn Đối thoại chính sách pháp luật giữa các cơ quan Việt Nam và các nhà tài trợ nhằm ghi nhận những thành tựu nổi bật nhất về các hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của Việt Nam hàng năm; đánh giá, tổng hợp những kết quả hợp tác đã đạt được và định hướng kế hoạch hợp tác trong thời gian tiếp theo để sự hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần hỗ trợ việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam cũng như cung cấp thêm thông tin về chính sách và pháp luật của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế.
Diễn đàn này đã trở thành một thiết chế thường niên, với sự gia tăng đáng kể về quy mô tổ chức và chất lượng nội dung của diễn đàn, ngày càng thu hút được sự quan tâm và tham gia của tất cả các cơ quan, tổ chức Việt Nam và cộng đồng quốc tế tại Việt Nam. Diễn đàn này đã được sáng kiến từ năm 2004, đến nay sau 11 năm thực hiện được công nhận là một trong những cơ chế điển hình cho quan hệ đối tác phát triển giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế nói chung, cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói riêng.
Diễn đàn này được coi là điểm nhấn quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều phối các hỗ trợ phát triển quốc tế cho lĩnh vực pháp luật và tư pháp trên phạm vi cả nước, góp phần củng cố và làm khăng khít hơn mối quan hệ điều phối giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam với nhau, giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ cũng như giữa các nhà tài trợ với nhau trong lĩnh vực hợp tác pháp luật.
Với các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác đa phương, sau thành công của việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, bà tiếp tục chỉ đạo Vụ đẩy mạnh hợp tác đa phương, coi đó như là hướng ưu tiên mới của công tác hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp nhằm từng bước thiết lập và tạo dựng hình ảnh cũng như vị trí của Việt Nam trong môi trường pháp lý quốc tế.
Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế đa phương trong khu vực ASEAN và EU, bà cũng đã chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế chủ động thúc đẩy hợp tác đa phương toàn cầu thông qua đàm phán các thỏa thuận, chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức của Liên Hợp quốc, các định chế tài chính quốc tế; đồng thời nghiên cứu, đề xuất gia nhập các thiết chế pháp lý quốc tế đa phương như: Tổ chức quốc tế về phát triển luật (IDLO); Tổ chức Tư vấn pháp luật Á – Phi (AALCO); Tổ chức Quốc tế về Nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT); Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hợp quốc (UNCITRAL). Sự chủ động đề xuất gia nhập các thiết chế pháp lý quốc tế đa phương nêu trên thể hiện rõ tầm nhìn mang tính quốc tế và mong muốn gia nhập các sân chơi pháp lý quốc tế của Việt Nam...
Nữ Vụ trưởng “miệng nói, tay làm”
Từ năm 2010, bà Đặng Hoàng Oanh được tập thể các công đoàn viên Bộ Tư pháp tín nhiệm bầu tham gia Thường vụ Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Tư pháp và bầu làm Trưởng ban Nữ công của Bộ. Cứ thấy bà là mọi người lại thấy yên tâm bởi ai cũng biết dù công việc chuyên môn bận rộn nhưng bà đã quen “miệng nói, tay làm” nên dù việc khó mấy cũng trôi chảy.
Tới Bộ Tư pháp hôm nay, các đối tác quốc tế luôn được chào đón bởi nụ cười tươi tắn của nữ Vụ trưởng Hợp tác quốc tế vừa tận tâm, vừa chuyên nghiệp. Đó cũng là một nét đặc biệt, một điểm tự hào của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam.
Tiếp tục phát huy kết quả hợp tác quốc tế mà Bộ Tư pháp đã tạo dựng được trong suốt gần 30 năm qua, trong hơn 4 năm vừa qua, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế Đặng Hoàng Oanh đã cùng tập thể Vụ không ngừng cố gắng để duy trì và mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế.
Nội dung hợp tác ngày càng được gắn chặt và hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành và các đơn vị. Kết quả thu được từ hợp tác quốc tế đã và đang được sử dụng một cách có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp, tăng cường vị thế và uy tín của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới.