Chị N. không phải là trường hợp đầu tiên mất tiền vì hình thức này. Trước đó, có nhiều người bị mất tiền hoặc suýt mất tiền vì tin vào “cán bộ điều tra”. Đáng nói, thủ đoạn này đã nhiều lần được cơ quan chức năng cảnh báo đến người dân.
Mất nửa tỉ đồng sau cú điện thoại
Một ngày đầu tháng 4, một người phụ ở TP Vinh tìm đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An với vẻ mặt hốt hoảng. Trên tay chị là lá đơn tố giác tội phạm. Người phụ nữ này cho hay bản thân vừa bị đối tượng lạ lừa mất hơn 500 triệu đồng. Đáng nói, chị không quen biết những người này mà chỉ liên hệ qua điện thoại.
Trong lá đơn tố giác, chị cho biết mình tên là T.T.N. (trú TP Vinh, Nghệ An), tiểu thương buôn bán ở chị Vinh. Trước đó, vào ngày 1/4, chị nhận được cuộc điện thoại giới thiệu nhân viên bưu điện thông báo có gói bưu phẩm nhưng nhân viên không liên lạc được để giao. Người này hỏi chị có cần mở ra để xem trước không? Chị N. đồng ý để người kia mở gói bưu phẩm thì được thông báo đây là giấy triệu tập của Công an TP Hà Nội về việc chị nợ ngân hàng 45 triệu đồng. Do đã quá hạn nhưng không trả nên phía ngân hàng gửi đơn tố cáo lên công an.
Chị N. tường trình lại sự việc trong hoảng loạn: khi tôi khẳng định không vay tiền ngân hàng thì người này bảo sẽ nối máy trực tiếp đến đường dây nóng của Công an TP Hà Nội để tôi làm việc với điều tra viên thụ lý vụ việc.
Sau một hồi nghe tiếng “tút… tút” thì đầu dây bên kia có người đàn ông xưng là điều tra viên thuộc Công an TP Hà Nội nói chuyện. Anh ta đọc 1 dãy số rồi hỏi tôi có phải số CMND của tôi hay không. Tôi xác nhận đúng thì anh ta bảo công an đang điều tra đường dây mua bán ma túy và rửa tiền lên đến 7 tỉ đồng, liên quan đến tôi. Người đó cũng thông báo hiện Công an TP Hà Nội đã có lệnh bắt khẩn cấp và phong tỏa tài sản của tôi để điều tra.
Những chiêu trò không mới nhưng nhiều người vẫn bị mắc bẫy lừa |
Sau khi đọc đúng thông tin, địa chỉ, giấy tờ cá nhân của chị N. người này yêu cầugiữ bí mật để không ảnh hưởng đến gia đình. Đồng thời đưa ra hai lựa chọn hoặc là bị bắt và phong tỏa tài sản hoặc nộp tiền để điều tra trả lại sự trong sạch.
Số tiền này cơ quan điều tra chỉ tạm giữ, khi kết thúc điều tra nếu chị không liên quan đến vụ án sẽ được trả lại. “Nghĩ mình trong sạch nên tôi đã chọn phương án 2. Vì tôi nghĩ mình đưa tiền cho công an nếu sau này được minh oan sẽ nhận lại tiền”, chị N. bộc bạch.
Sau đó, người đàn ông kia bảo sẽ tiếp tục trao đổi, hướng dẫn chị N. “nộp tiền cho cơ quan điều tra” qua zalo và đề nghị chị kết bạn zalo để làm việc. Qua zalođược cung cấp, người này đưa số tài khoản yêu cầu chị N. chuyển tiền vào và liên tục dặn “tuyệt đối bí mật” để phục vụ điều tra. Như ai đó bị thôi miên, chị N. không kể cho ai biết câu chuyện trên mà răm rắp thực hiện theo hướng dẫn của người này.
Từ ngày 1-8/4, chị N. đã 11 lần chuyển vào tài khoản của “cán bộ điều tra” với tổng số tiền 545 triệu đồng.Đến ngày 9/4, khi tài khoản của chị N. đã hết tiền thì tài khoản zalo của vị “cán bộ điều tra” kia cũng không thể liên lạc được. Đến lúc này, chị N. mới biết mình bị lừa nên đã thú nhận với chồng. Sau khi biết vợ mình đã chuyển hơn nửa tỉ đồng cho người không quen biết, người đàn ông này chỉ còn biết kêu trời. Tức giận, nhưng vì mọi chuyện đã lỡ nên anh chỉ còn cách đưa vợ lên cơ quan công an cầu cứu.
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Một điều tra viên Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Đây là thủ đoạn không hề mới nếu không muốn nói là đã quá cũ của bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều về phương thức thủ đoạn này để người dân nâng cao cảnh giác nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người mắc bẫy và bị mất số tiền lớn.
Trước đó không lâu, ngày 1/4, chị T. (một tiểu thương ở TP Vinh) cũng nhận được một cuộc điện thoại gọi đến thông báo số tiền 25,5 triệu đồng vay của ngân hàng đã quá hạn hơn 2 tháng. Ngân hàng sẽ kiện chị ra tòa vì số tiền vay quá hạn mà không chịu trả nói trên. Dù chị này khẳng định không vay ngân hàng và cho rằng có kẻ nào đó đã mạo danh mình để vay số tiền trên thì người này nói sẽ liên hệ giúp chị đến cơ quan công an để làm rõ. Lát sau, có một cuộc gọi khác đến số điện thoại của chị T. (tên người phụ nữ) tự xưng là Đại úy Phạm Tuấn Anh, điều tra viên thuộc Công an TP Hà Nội. Người này nói chị T. có liên quan đến đường dây ma túy do đối tượng Nguyễn Việt Tuấn (trú tại Quảng Ninh) cầm đầu.
Lúc này, chị T. khẳng định không quen biết hay có bất kỳ liên hệ nào với người tên Tuấn kia thì chị T. được người đàn ông lí giải có thể do chị làm rơi CMND hoặc giấy tờ tùy thân nên tội phạm lợi dụng để làm việc xấu. Vẫn chưa tin tưởng nên chị T. đã lên mạng tìm kiếm về đối tượng Nguyễn Việt Tuấn thì thấy đúng người này đang bị truy nã về hành vi mua bán trái phép chất ma túy khiến chị càng hoang mang, lo sợ hơn.
Người này yêu cầu chị giữ bí mật, không được cung cấp thông tin cho bất kì ai. Sau đó, họ nối máy cho chị nói chuyện với người được giới thiệu là cấp cao hơn và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Những người này yêu cầu chị khai báo toàn bộ các khoản tiết kiệm rồi chuyển hết tiền cho họ để phục vụ công tác điều tra. Nếu sau khi điều tra xong, chứng minh số tiền trên không liên quan đến hoạt động tội phạm của người tên Tuấn kia thì sẽ trả lại cho chị.
Trước những lời đe dọa của các đối tượng xưng là công an, kiểm sát viên, chị T. hoang mang, mất phương hướng và răm rắp làm theo. Điều may mắn là khi thấy vợ cầm cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng rời khỏi nhà trong trạng thái tâm lý hốt hoảng, lo sợ, người chồng kịp thời giữ lại. Sau khi được chồng động viên, chị T. mới kể lại toàn bộ câu chuyện. Biết mình bị lừa, người phụ nữ này đi báo công an để ngăn chặn hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng trên đối với nhiều người khác.
Nhờ được chồng can thiệp kịp thời nên chị T. đã không bị mất khoản tiền lớn. Nhưng đối với chị N. vì người phụ nữ này âm thầm làm theo những yêu cầu, chỉ dẫn của những đối tượng lừa đảo nên bị mất hơn 500 triệu đồng. Thông qua vụ việc này, cơ quan chức năng một lần nữa cảnh báo đến người dân về thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng qua điện thoại. Người dân, nhất là phụ nữ nên cẩn thận khi tiếp nhận những cuộc điện thoại tự xưng là “cán bộ công an” đang điều tra về hành vi rửa tiền, ma túy để tránh bị lừa đảo, tiền mất, tật mang.