Núm ruột ở xa

(PLVN) - Nghe tiếng thở dài, anh ngoảnh lại nhìn vợ. Chị đang nằm xoay mặt vào tường, đằng ấy hắt lên ánh sáng xanh yếu ớt tỏa vào gương mặt chị. Anh biết, chị đang lướt web.
Núm ruột ở xa

Mấy ngày nay, anh thấy chị trầm lặng hẳn. Chị đọc tin nhiều hơn, bồn chồn, sợ hãi. Không lo lắng làm sao được. Giờ này, khi những con số về bệnh dịch tăng lên hàng ngày trên toàn thế giới, một đứa con gái của họ đang trong khu vực cách ly. Đứa con trai còn lại đang ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất.

Như nhiều gia đình khá giả khác, khi con lớn lên, họ lần lượt quyết định cho hai đứa đi du học nước ngoài, tùy vào năng lực, sở trường của mỗi đứa. Con trai đi học ngành nghệ thuật tại Pháp. Con gái học ngành công nghệ thông tin ở Mỹ.

Cả hai con đều ngoan, giỏi khiến anh chị rất đỗi tự hào và an tâm. Anh chị cũng nghĩ đến chuyện các con sẽ ra trường, rồi sinh sống ở nước khác, sẽ xa cách con vời vợi, đôi ba năm mới có thể gặp một lần. Nhưng anh chị chấp nhận, vì tương lai của con. 

Nhưng 10 ngày trước, tất cả đã đảo lộn khi dịch bệnh lan mạnh ở châu Âu cho đến các nước khác. Hai vợ chồng họ gọi cho con hằng ngày để cập nhật tình hình. Và rồi, họ gọi các con trở về. Cũng lại như các bậc cha mẹ khác, qua các tin tức, họ sợ rằng con đang ở xa tầm tay qua, các con chỉ là những du học sinh, nơi xứ lạ, có chuyện gì thì không thể bấu víu, kêu cứu ai. Về quê hương, dù có chuyện gì cũng có thể được cứu, được trong vòng tay bố mẹ chở che.

Ba ngày trước, cậu con trai trở về trên chuyến máy bay của hàng không Việt Nam xông pha vào vùng dịch cứu người. Anh chị hồi hộp kể từ khi con bắt đầu di chuyển từ khu vực con đang ở, ra đến sân bay, tim đập thấp thỏm chờ cho con lên máy bay. Khi con trai đáp xuống sân bay, mở máy gọi “Mẹ ơi, con đã đến Việt Nam rồi, con chuẩn bị đến khu vực cách ly đây”, chị mới thở hắt ra. Anh cứng cỏi thế mà cũng run run ngồi phịch xuống. 

Nhưng con gái của họ thì không về. Anh chị đã gọi nhiều lần khuyên con, nhưng cô gái không đồng ý. Có lần, chị giận dữ quát vào máy điện thoại. Mẹ con giận nhau. Giờ con trai họ đã tạm yên tâm, chỉ chờ trong vài ngày tới kết quả xét nghiệm mấy lần xem thế nào. Nhưng dù gì đi nữa, anh chị tin vào ngành y tế Việt.

Còn con gái…

***

Anh mở cửa, căn nhà hơi bụi. Đây là căn nhà người bạn thân, trước kia cho thuê làm homestay, mùa này biển vắng du khách nên đóng cửa. Sáng thứ Bảy, hai vợ chồng chở nhau xuống. Anh đã chuẩn bị thực phẩm đủ cho hai ngày cuối tuần. Ở đây, hai vợ chồng sẽ tạm xa lánh thành phố với nhiều phiền muộn, tạm xa cả những thông tin dịch bệnh làm họ lo lắng mỗi ngày.

Hai ngày ở đó, anh đã thuyết phục chị ít lướt web, chỉ chú tâm vào nấu ăn, nghe nhạc và tắm biển. Nhưng anh hiểu lòng vợ. Chị nghĩ đến con gái cả khi nấu ăn, khi nghe nhạc, khi đi dạo bờ biển cùng anh. Lòng người mẹ thương con, làm thế nào mà thanh thản được khi núm ruột còn ở phương xa?

Có tiếng chuông điện thoại, chị đang trong bếp xay sinh tố, anh bật máy. Tiếng cô em vợ vang lên rổn rảng: “Anh hai, anh chị đang ở ngoài biển hả? Anh lên mạng đi, Châu nó có bài viết xúc động lắm, cộng đồng mạng đang chia sẻ quá trời, anh mở ra cho chị hai coi nha”.

Cúp máy, anh vội vàng mở kết nối wifi, vào Facebook con gái. Status mới nhất có lượt like và bình luận đột biến. Anh kinh ngạc, gọi vợ. Chị tất tả chạy ra. Bài viết được thực hiện vào hôm qua.

“Vì sao tôi quyết định ở lại?

Tôi đã cãi nhau với mẹ, mẹ giận tôi mấy hôm nay. Trong những cuộc điện thoại, cả hai bên đều cáu giận và tôi không thể nào nói hết những suy nghĩ của mình cho cha mẹ biết. Thế nên, bài viết này, tôi rất mong cha mẹ hiểu cho mình.

Em trai tôi đã về nước, tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của em. Nó ở một thành phố mà dịch đang lan mạnh, bạn bè nó cũng đã nhiều người nhiễm rồi. 

Còn tôi đang sống ở một thành phố chưa có sự bùng phát dịch, dù tính trên cả nước, số người nhiễm nghe khá đáng sợ. Mọi việc ở đây vẫn được kiểm soát tốt. Thực phẩm vẫn ổn. Trường tôi vẫn đang tiếp tục giảng dạy. Tôi đã rất nỗ lực học tập để có thành tích ổn, cũng đã rất khó khăn để xin được cộng tác từ xa, viết phần mềm cho một công ty danh tiếng với thu nhập tốt.

Tôi cũng đã trang bị cho mình kiến thức cần thiết để phòng lây lan dịch, với sự cẩn trọng hết sức khi sinh hoạt, tiếp xúc. Tôi nghĩ, nếu tình hình biến đổi, tôi vẫn có phương án để an toàn trong căn hộ của mình.

Tôi đang khỏe mạnh, thời gian này không tiếp xúc gần với ai, không ai chung quanh tôi bị nhiễm bệnh. Nếu vì những lo lắng, hoảng loạn đang lây lan như một thứ virus trong cộng đồng mà trở về, tôi sẽ đối mặt với rất nhiều thứ: Bỏ ngang việc học; từ bỏ công việc mình yêu thích. Chưa kể đến tình trạng vạ vật ở sân bay, rồi đi chung chuyến bay với nhiều người có nguy cơ lây nhiễm. Khi trở về, không lây bệnh ở sân bay thì tôi cũng phải vào cách ly, một gánh nặng lớn, từ ngân sách nhà nước đến cả hệ thống vận hành, phục vụ cho việc cách ly ấy. Và nếu tôi lây bệnh? Gánh nặng ấy sẽ còn lớn hơn, cùng với nỗi lo âu, khổ sở của gia đình.

Tôi nghĩ, mình đã đưa ra một quyết định hợp lý, hợp cả tình. Điều mà tôi mong mỏi là cha mẹ hãy tin vào quyết định của tôi. Tự đáy lòng, tôi mong cha mẹ buông bỏ sự lo lắng, gìn giữ sức khỏe và sự bình an trong tâm hồn”.

Nước mắt chị rơi trên vai anh, chị đã gục vào đó lúc nào không hay biết. Rồi chị đứng lên, bảo với anh: Anh ơi tối nay mình dọn bàn ăn ra bãi biển nhé. 

Bữa ăn đơn giản có mấy món salad, thịt kho. Nước hoa quả thay cho rượu. Một cái ly thủy tinh rỗng đặt điện thoại anh mở đèn led thay cho đèn cày. Điện thoại chị mở một bản nhạc họ yêu thích.

Phải rồi, dường như đây là bữa ăn nhẹ nhõm mà lâu lắm rồi, từ đầu mùa dịch họ mới có lại. Anh nhìn chị đang cười, như nụ cười 20 năm trước của người con gái anh yêu. Anh thấy lòng mình bỗng chốc nhẹ tênh. “Ừ, có lo thì cũng thế mà thôi”. 

Đọc thêm