Vụ án này khép lại và đồng thời mở ra phiên tòa khác nhân danh đạo lý, các con của bị cáo trở thành “bị cáo” của dư luận. Không một ai có thể đồng tình với thái độ ứng xử với cha mình của những người con này. Họ bị khép vào tội “đại bất hiếu”, cho dù không có tội danh này trong luật nhưng nó tồn tại trong đạo lý, lương tâm và dư luận xã hội.
Ở một trường hợp khác, vì muốn chiếm đoạt tài sản của em ruột mình, vợ chồng người anh đã lôi kéo người mẹ, cách ly bà hoàn toàn ra khỏi người con thứ. Người mẹ chết trong sự ân hận, giày vò vì trót đồng lõa với người con cả mà xác nhận tài sản của người con thứ nhờ cha mẹ đứng tên là tài sản của mình để người anh kiện ra tòa đòi chia thừa kế. Tội bất hiếu của anh ta là đã biến mẹ thành người tù trong nhà mình và khiến mẹ mang tội bất nghì với con cháu mình.
Trong các diễn biến ngược lại, khi đứa con là thủ phạm gây nên thương tích cho cha mẹ khi phải ra tòa đối diện với sự trừng phạt của pháp luật thì bao giờ cũng được cha mẹ tha thứ. Một vụ án xảy ra gần đây ở TP Hồ Chí Minh, người mẹ bị con nuôi đánh gây thương tích 65% đã chạy ngược, chạy xuôi xin cho con được tại ngoại vì cho rằng con mình bị tâm thần. Bà đã nhặt nó về nuôi từ lúc nó 6 tháng tuổi và giờ nó đã 37 tuổi, dùng ổ khóa đánh vào đầu mẹ nuôi chỉ vì bà dậy sớm làm nó mất giấc ngủ. Một trường hợp khác, bà mẹ bị con trai ruột đổ xăng đốt, gây thương tích 64%, khi ra tòa vẫn nằng nặc xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cho con mình. Nguyên nhân là bà mắng chửi nó nên nó bực tức mà làm liều. Và, trên thực tế, những hành động tương tự như thế của cha mẹ dành cho con cái là phổ biến, không ai muốn con mình bị trừng phạt bởi tội lỗi nó gây cho mình và cũng chẳng có bậc cha mẹ nào lại yêu cầu “xử đúng pháp luật” để con mình phải đi tù cả.
Vụ án con cái đòi bỏ tù cha mình, “xử đúng pháp luật” là điển hình cho sự xuống cấp giá trị gia đình, phá vỡ gia phong – những nền tảng đạo lý để gia đình tồn tại như một tế bào lành mạnh của xã hội.