Cho con hết để rồi nhận về sự trắng tay, đòn roi, hắt hủi
Bà Nguyễn Thị Bình sinh ra và lớn lên tại làng Mai Động quận Hoàng Mai, Hà Nội. Năm nay, tuổi đã cao và có con cháu đề huề nhưng bà vẫn đang thuê nhà một mình để ở. Lý do để dẫn đến việc này kể ra cũng rất đau lòng. Số là vợ chồng bà Bình sinh được 3 người con, 2 con trai, 1 con gái. Ông bà là người dân Mai Động gốc, có nhiều nhà đất rộng. Họ cũng chăm chỉ làm ăn, buôn bán, chắt chiu nên cũng có của ăn, của để. Có thể vì gia sản bố mẹ nhiều, 3 người con của ông bà Bình nhất quyết không chịu theo đuổi con đường học hành. Người có học nhiều nhất là hết cấp 3, người dở dang cấp 2.
Sau này, khi muốn có “công danh”, họ lại ngửa tay xin bố mẹ cấp vốn để tập tành mở công ty, làm giám đốc, xin đất xây nhà nghỉ, kinh doanh karaoke… Có người lấy cớ là sức khỏe yếu, không làm được việc, xin tiền bố mẹ tiêu xài. Khi lập gia đình, họ lại tìm lý do để xin ông bà nhà, đất để ở riêng.
Chỉ có tiêu mà không tích lũy, tiền của, đất đai của ông bà lần lượt đội nón ra đi. Đứa thì làm ăn thất bại, thua lỗ hết lần này đến lần khác. Đứa lại có thói quen tiêu tiền quá tay, sử dụng ma túy, cá độ bóng đá, nợ nần chồng chất… Mỗi lần các con gặp khó, ông bà có giận, có mắng nhưng vì thương con, họ vẫn mở hầu bao ra giúp. Khi đó, bà nghĩ, của cải của mình làm có được là dành cho các con, để giúp chúng có cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả.
Đến năm 2000, khi chồng bà qua đời, tài sản của bà chỉ còn 1 cái nhà với 500 triệu đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Hai năm sau khi chồng mất, bà phải bán nốt căn nhà này để chia tiền cho các con vì chúng tiếp tục rơi vào “khó khăn” và lại “vòi tiền mẹ”. Phải cương quyết lắm bà Bình mới giữ được cái sổ tiết kiệm phòng thân.
Sau khi bán nhà, chia tiền, bà Bình về ở với anh con trưởng. Ở đây, nàng dâu cả vừa muốn bà phải đóng góp tiền ăn, tiền điện, tiền nước vừa hay kiếm chuyện gây sự với bà, đẩy con trai bà vào thế khó. Thương con, bà lánh sang nhà con thứ nhưng cuộc sống cũng không được yên vì con bà bị nghiện, không xin được tiền vợ, anh ta quay sang xin tiền mẹ mua thuốc.
Bà cho con thì không xong với con dâu, nếu không cho thì con trai lại dằn hắt, đay nghiến, đuổi bà đi. Bà lại xách túi quần áo sang nhà con gái út nhưng bà cũng chỉ ở đó được đôi tháng, vì con gái suốt ngày trách cứ bà không đưa tiền cho con cầm hộ. Ngoài ra, bà cũng không được thoải mái khi chạm mặt con rể.
Quá thất vọng vì đàn con và đau khổ vì sự hy sinh quá đà của mình, bốn năm nay, bà Bình thuê một căn phòng nhỏ ở tập thể Bách Khoa. Bà dùng tiền lãi ngân hàng để chi trả các khoản chi tiêu hàng tháng. Các con rất ít đến thăm bà. Bà Bình tính khi nào yếu mệt hơn, chắc phải nhờ tìm thuê một người giúp việc. Khi kể về các con, người mẹ gần 80 tuổi với mái đầu bạc phơ ấy than thở: “Cứ nghĩ bố mẹ chiều chuộng, hy sinh mọi thứ vì con là để nhà cửa yên ổn, là tốt cho chúng nhưng ngẫm lại mới thấy lỗi lớn đúng là tại mình”.
Mới đây, tại Thanh Miện, Hải Dương, một người con trai trưởng sinh năm 1989 vì nghi ngờ mẹ có quan hệ với người đàn ông khác nên đã to tiếng và đánh mẹ bất tỉnh, gãy xương hàm và nứt sọ. Người mẹ sau khi chồng mất vì bạo bệnh bà làm đủ mọi nghề kiếm sống để nuôi các con. Giờ con trai đã lớn nhưng người mẹ vẫn làm giúp việc, nấu cơm và trông con cho một cửa hàng kinh doanh tại thị trấn Thanh Miện để phụ giúp con. Nỗi đau của người mẹ bị chính con ruột của hành hung tưởng như không gì xoa dịu nổi…
Hy sinh mới là cha mẹ tốt?
Nghiên cứu về “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” giai đoạn 2011-2015 của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã cho thấy: “Gia đình vẫn là điểm yếu nhất của người phụ nữ, vì người phụ nữ sẽ có xu hướng đặt gia đình lên trên hết mọi thứ. Để giữ cho gia đình ổn định, hầu hết phụ nữ sẽ chọn cách hy sinh sự bình đẳng, lợi ích của mình”.
Như vậy, với nhiều người phụ nữ Việt Nam nói riêng và các bậc cha mẹ Việt nói chung, con cái là trên hết, yêu thương được bao nhiêu, làm ra bao nhiêu của cải họ dành hết cho con. Và sâu thẳm hơn nữa, cha mẹ Việt làm thế ngoài tình yêu thương, còn vì mong muốn con sẽ trở thành chỗ dựa cho mình về già. Nhưng trong nhiều trường hợp sự hy sinh này chỉ mang lại những đớn đau, thiệt thòi...
Mới đây, trên trang Newrepublic, học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu về gia đình, Stacia L.Brown, chia sẻ rằng: “Làm cha mẹ không nên tự hy sinh, dù có thừa điều kiện”. Theo học giả Brown, “hy sinh” là một từ thông dụng của xã hội khi thảo luận về những gì được cho là cấu thành nên cha mẹ tốt. Nuôi dạy con bằng sự hy sinh không phải là một khái niệm mới. Điều này xảy ra ở bất kỳ chủng tộc, giai cấp hoặc cơ cấu hộ gia đình nào. Nhiều cha mẹ thường sẵn sàng đưa ra những chọn lựa có lợi nhất cho con mình.
Song, mọi người đã bị nhầm lẫn giữa khái niệm và hành động. Họ luôn gán sự hy sinh là cách để thể hiện tình cảm như bản năng, là điều cao quý và thiêng liêng. Thực tế, sự hy sinh thường đi kèm với những điều phải hối tiếc. Nhiều cha mẹ đã phải làm việc một cách vất vả để mong cho con có cuộc sống vật chất tốt hơn. Họ luôn gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định như làm việc vì mình hay ưu tiên làm việc cho con. Họ sẵn sàng từ bỏ những giấc mơ của mình vì con.
Tuy nhiên, lòng biết ơn và sự cảm động từ các con, đôi khi lại không xuất hiện. Con cái luôn có xu hướng được “hưởng thụ”. Khi đã quen nhận vô điều kiện, nếu không tiếp tục nhận được sự hy sinh từ cha mẹ, chúng có xu hướng đổ lỗi, coi bố mẹ là nhân tố tạo ra khó khăn, bất công đối với mình.