Chiều ngày cuối năm, nhà nhà đi sắm đồ ngày Tết, hân hoan chuẩn bị sum vầy, người phụ nữ Nguyễn Thị Chính (SN 1958, ngụ tổ 4, khóm 9, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) lại nước mắt ngắn dài thanh minh chuyện bị mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Chính (82 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) tố cáo oan.
Dư luận tỉnh Vĩnh Long những ngày giáp cái Tết con rắn 2013 “dậy sóng” bởi lá đơn của bà lão 82 tuổitố cáo con gái: “Tôi thường xuyên chứng kiến nó hành hạ chồng bị tâm thần, tôi nói thì nó còn chửi lại tôi. Không những thế, vì chồng nó bị tâm thần không biết gì, nó đi ngoại tình với thằng hàng xóm. Cực chẳng đã tôi mới thưa đơn lên chính quyền để nó bỏ thói xấu”. Bà cụ hơn 80 tuổi vẫn mạnh khoẻ, một mình bán cửa hàng tạp hoá tự nuôi thân viết như trên.
Con gái của người đứng đơn nước mắt lưng tròng một mực kêu oan, than vãn. Bà cho biết đã gần một tuần nay không thiết tha ăn uống gì, công việc thì bỏ bê bởi chẳng dám “vác” mặt ra ngoài đường, sợ ánh mắt soi mói, dò hỏi của thiên hạ.
“Ai tố cáo, nói xấu cũng không đau xót bằng chính người đứt ruột đẻ ra mình tố cáo. Tôi buồn lắm, sống vật vờ như chết, cả ngày chỉ thẩn thơ trong ngõ ngoài hiên, chẳng thiết đi đâu làm gì, cứ nghĩ đến chuyện này là nước mắt chực tuôn rơi”, bà Yến sụt sịt.
Dù đã ly dị nhưng bà Yến vẫn chăm sóc người chồng tàn phế |
Ông Trần Văn Bảy, công an viên phụ trách an ninh trật tự khóm 9 cho biết, trong nhiều năm nay, gia đình bà Chính thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ. Cứ lâu lâu là bà Chính lên chính quyền và công an địa phương “tố”, lúc thì nói bị con gái đánh, lúc nói bị con rể đánh. Thế nhưng khi xuống thực tế để xác minh thì sự thật không phải như vậy, chỉ là cãi cọ rồi bà cụ lẩn thẩn “la làng”.
Trong đơn tố cáo lần này cũng vậy, do mâu thuẫn một số việc trong gia đình nên bà cụ vu khống con gái bạo hành người chồng tâm thần và đi ngoại tình với người khác. “Qua xác minh thực tế, tôi không thấy có sự việc như trong đơn tố cáo”, vị công an viên nói. Hàng xóm cũng xác nhận từ trước đến nay bà lão nổi tiếng trong xóm là người lẩn thẩn, khó tính, thường xích mích với con cái trong gia đình và hàng xóm. “Bà khó tính đến mức con cháu đông đủ nhưng không thèm ở với ai, nhất quyết chỉ ở một mình”, vị công an viên nói.
Người con gái nói không trách gì mẹ, vì dù sao phận làm con, đã để cha mẹ trái ý thì chắc chắn có phần nguyên nhân của mình. Những bà vấn muốn trải lòng để mọi người rút ra bài học kinh nghiệm từ sự việc trong gia đình mình.
Năm 17 tuổi, cô thôn nữ kết hôn với anh Cao Văn Trí (SN 1953, tên thường gọi là Châu) trước sự ngăn cản quyết liệt của gia đình, đặc biệt là bà mẹ. Cảm thấy sống không thể thiếu nhau, cặp trai gái vẫn bất chấp tất cả. Không thể ngăn cản, gia đình đồng ý tổ chức đám cưới, dù với thái độ hậm hực.
Ban đầu đã không có cảm tình với con rể, hơn nữa sau khi cưới anh Trí về ở rể nên mâu thuẫn càng dễ phát sinh. Bà mẹ vợ cứ có cái gì không vừa lòng là “nói vào nói ra”, trách móc con gái và chàng rể. Cưới được vài năm, “mâu thuẫn nhiều như cơm bữa”, bà mẹ liên tiếp khuyên con gái bỏ chồng, con không đồng ý thì… tìm mọi cách chia rẽ. “Từng 3 lần má đưa tôi lên Sài Gòn bỏ trốn, mục đích là để tôi với chồng chia tay nhau”, bà Yến kể. Không chia lìa được cặp đôi, bà lão chấp nhận sống chung với con trong cảnh “bằng mặt không bằng lòng”. Vợ chồng bà Yến lần lượt sinh 5 người con, con lớn nhất năm nay đã 38 tuổi, đứa út mới lên 11.
Người con rể cũng có phần lỗi khi đã không chịu sống mẫu mực để vui lòng mẹ cha, mà vài năm trước đây bắt đầu ham hố rượu chè bê tha, vợ chồng đôi lần cãi cọ. Người con rể còn hỗn hào khi một vài lần mẹ vợ sang khuyên bảo, anh đã không chịu nghe lời, có lần còn đôi co mắng lại bà cụ.
Sau một trận cãi vã vào năm 2009, bà cụ ấm ức không chịu được, bắt con gái phải li dị chồng, khi con gái không đồng ý thì nhiều lần dạo tự vẫn. Sợ mẹ làm thật, vợ chồng ra toà làm thủ tục ly dị vào giữa tháng 5/2009.
Dù cuộc hôn nhân đã chấm dứt trên giấy tờ, nhưng thực tế quan hệ vợ chồng bà Yến chưa hết. Hơn nữa người chồng không có chỗ để ở, không thể để chồng lang thang ngoài đường nên người vợ cất một ngôi nhà lá khoảng 8 m2 trong khu vườn sau nhà cho chồng ở tạm.
“Tôi làm vậy là để che mắt mẹ chứ thực tình tôi và anh ấy vẫn thương nhau lắm”, bà Yến kể. Trong khi đó, bà mẹ vợ khó tính thấy con rể bị “đẩy” ra khỏi nhà còn hả hê bình luận: “Đáng đời”. “Mẹ tôi vui mừng ra mặt, thịt một con heo quay để… mừng sự kiện này”, người con gái buồn bã.
Sau ngày vợ chồng chia tay vì có tác động “phá đám” của mẹ vợ, người con rể càng thêm buồn chán, không thiết tha làm gì, chỉ vùi đầu vào những cuộc nhậu say sưa. Cũng vì lí do đó mà trong khoảng một thời gian ngắn anh bị tai nạn xe máy đến 3 lần, lần cuối vào giữa năm 2010, hậu quả rất nghiêm trọng, dẫn đến mất trí nhớ như hiện nay.
Từ ngày chồng bị tai nạn, dù trên giấy tờ đã ly hôn nhưng bà Yến vẫn chăm sóc, nuôi dưỡng chồng. Sau 14 ngày điều trị ở viện, bệnh nhân được về nhà. Thấy chồng bệnh tật không thể ở một mình như trước, bà chuyển chồng về sống chung, tiện việc chăm sóc.
Do mất ý thức, người bệnh đến việc tiểu tiện cũng không biết, rất mất vệ sinh và bừa bãi nên người vợ bàn với con cái xây cho chồng một phòng riêng trước sân. Biện pháp này vẫn không ổn do bất tiện khi khách đến chơi, hơn nữa để chồng ở phía trước nhà nên có đợt ông bỏ đi lang thang đến tận Tri Tôn (tỉnh An Giang) cách nhà hàng trăm km, phải tìm hơn 2 tháng mới thấy… Người vợ cho xây một phòng ở phía sau nhà cho chồng ở riêng, vừa dễ quản lí, lại gần bể nước, dễ dọn vệ sinh. “Nào đâu tôi có xây cũi nhốt chồng trong đó rồi hành hạ như mẹ tôi tố cáo”, bà Yến nói.
Về việc bị mẹ tố cáo ngoại tình với hàng xóm, bà Yến cho biết, sau khi biết bà ly dị, nhất la sau tai nạn khiến chồng bị tâm thần, cũng có người đến ngỏ ý kết duyên nhưng bà đều từ chối. “Tôi vẫn thương chồng, mong một ngày nào đó anh ấy sẽ hồi phục trở lại”, bà tâm sự. Lí giải nguyên nhân bị mẹ đẻ tố cáo, “vạch áo cho người xem lưng”, bà Yến cho biết thời gian gần đây mẹ đòi lấy lại mảnh đất rộng khoảng 100 m2 cho nhưng bà không đồng ý.
“Trước đây cụ với tôi đã có nhiều điều không vừa lòng nhau, nay thêm việc cụ đòi mảnh đất đã chia cho tôi để cho người khác nên không thể đồng ý. Từ đó mà cụ đêm ngày bực tức, làm đơn vu khống, nói xấu tôi”, bà Yến lí giải.
Chiều cuối năm, thấy mẹ khóc, đứa cháu ngoại của bà lão khó tính cũng nước mắt lưng tròng: “Vợ chồng sống với nhau lâu ngày xảy ra mâu thuẫn là chuyện không có gì đáng nói. Ba má tôi cũng vậy, dù có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng không đến nỗi hành hạ, đánh đập nhau. Ngoại khó tính quá. Tết đang đến gần, nhà người ta sum vầy đầm ấm, nhà mình thì như vậy, ai cũng buồn. Giờ cả nhà chỉ muốn ngoại nghĩ lại, cho gia đình tôi yên ổn đón Tết”.
Hữu Sơn