Môi giới giúp người, sa vào lao lý
Tháng 6/2006, ông Phan Chí Lộc đi thăm con tại Australia và gặp Dương Thị Minh Phụng, quốc tịch Australia, gốc Việt. Phụng giới thiệu mình là Nguyễn Thị Hương, đang làm việc tại Bộ Di trú Australia nên ông Lộc nhờ Phụng giúp gia đình ông định cư tại Australia. Phụng yêu cầu ông Lộc nộp 35.000 đôla Australia và đưa địa chỉ, số điện thoại liên lạc với cháu của Phụng là Nguyễn Thị Yến Nhi đang trú tại TP HCM.
Tháng 7/2006, ông Lộc điện thoại về cho vợ là Nguyễn Thị Hòa, bà Hòa đã chuyển cho Nhi 22.000 đôla Australia và 2.800 đôla Mỹ. Sau đó, ông Lộc và Phụng cùng về thăm quê ông Lộc tại tỉnh Quảng Bình. Biết nhiều người có nhu cầu sang Australia nên Phụng hướng dẫn làm thủ tục với số tiền nộp từ 100-300 triệu đồng tùy nhu cầu du học hay xuất khẩu lao động.
Để tạo niềm tin, Phụng nhờ vợ chồng ông Lộc đến Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình làm giấy phép kinh doanh với tên Cty TNHH Lộc Hòa Việt-Úc để đưa người sang Australia. Từ tháng 9/2006 đến tháng 5/2007, dưới sự hướng dẫn của Phụng, ông Lộc và bà Hòa đã nhận giúp hồ sơ và tiền của 30 người, tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng, hướng dẫn 4 người chuyển tiền vào tài khoản của Nhi 371 triệu đồng; tổng cộng 34 người là hơn 6,6 tỷ đồng, các biên nhận ghi thời hạn 3 tháng.
Quá thời hạn, các bị hại đã có đơn tố cáo sự việc, ông Lộc, bà Hòa khai đã chuyển cho Phụng và Nhi tổng cộng 7,5 tỷ đồng, trong đó chuyển qua tài khoản của Nhi là hơn 4,9 tỷ đồng, Nhi đã rút tiền và bỏ trốn.
Năm 2007, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị quyết định khởi tố bị can đối với Phan Chí Lộc và Nguyễn Thị Hòa về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 14 ngày 29/7/2009, TAND tỉnh Quảng Trị đã xử phạt ông Lộc 9 năm tù và bà Hòa 7 năm tù. Tuy nhiên sau đó, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Ngày 19/8/2010, VKSND tỉnh Quảng Trị vẫn truy tố ông Lộc và bà Hòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bản án hình sự sơ thẩm số 20 ngày 29/9/2010 và Bản án hình sự phúc thẩm số 139 ngày 5/4/2011 đều tuyên bố ông Lộc và bà Hòa không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhận định ông Lộc, bà Hòa có nhận tiền của các bị hại nhưng đã chuyển cho Phụng, Nhi, được Nhi xác nhận, kết quả giám định chữ ký trong giấy xác nhận ngày 1/6/2007 đúng là chữ ký của Nhi nên ông Lộc, bà Hòa không có hành vi chiếm đoạt; đồng thời cũng không có căn cứ xác định ông Lộc, bà Hòa biết Phụng, Nhi có hành vi lừa đảo khi chuyển giao tiền cho Nhi. Bản án hình sự phúc thẩm số 139 sau đó đã bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 22/7/2013, TANDTC xử giám đốc thẩm quyết định hủy án để điều tra lại.
Ngày 25/1/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Phan Chí Lộc và Nguyễn Thị Hòa với lý do: “Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can Phan Chí Lộc và Nguyễn Thị Hòa đã thực hiện tội phạm” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2013.
Đòi bồi thường 30 tỷ đồng
Ông Lộc cho biết, ông bị bắt tạm giam từ tháng 7/2007 đến tháng 7/2008 thì được tại ngoại chờ điều tra. Trong thời gian đó, nhiều bị hại và cả những người hôi của đã đến 4 lô quầy kinh doanh hàng vải, đồ điện tử của ông tại chợ Đông Hà và căn nhà 3 tầng (đường Nguyễn Huệ, Đông Hà) của ông… để “siết” nợ, lấy đi tất cả tài sản. Căn nhà 3 tầng vợ chồng ông bao năm vất vả gây dựng cũng bị ngân hàng bán để trừ số nợ ông vay làm ăn trước đó.
Không nhà cửa, nghề nghiệp, chồng lại bị bắt nên bà Hòa bị sốc nặng, kiệt quệ sức lực nằm liệt giường. Nỗi oan khiến nhiều lúc bà đã nghĩ đến cái chết hoặc cạo đầu đi tu cho đỡ đau khổ, bế tắc. May mắn lúc đó còn anh chị em, bà con hàng xóm, bạn bè thương tình đùm bọc, động viên.
Ngay sau khi ông Lộc được tại ngoại thì bà Hòa phát hiện bị suy thận, hàng tuần phải đi chạy thận nhân tạo. Gia đình ông bà từ chỗ kinh doanh khá giả, con cái học hành thành đạt nay thành khánh kiệt, con cái lỡ dở học hành, gia đình liệt vào diện hộ nghèo.
Chưa kể ông bà luôn nơm nớp lo sợ vì cái án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lơ lửng trên đầu. Ngồi trong căn nhà cấp 4 chật hẹp, thuê với giá 2 triệu đồng/tháng, ông Lộc trưng ra một đống đơn thư tính bằng kg cho biết, từ tháng 4/2011 đến nay đã làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Năm 2016, ông Lộc còn lặn lội ra tận Bắc Giang tham khảo ý kiến ông Nguyễn Thanh Chấn - bị ngồi tù oan 10 năm về việc khiếu nại bồi thường. Ông Lộc đòi bồi thường 30 tỷ đồng nhưng đến nay Viện KSND tỉnh Quảng Trị chỉ nhất trí bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng.
“Vợ chồng tôi xuất thân từ nghèo khổ, ít học nên chúng tôi quyết tâm đầu tư cho con đi du học để thay đổi cuộc đời. Thế nhưng không ngờ xảy ra cơ sự thế này. Nếu được bồi thường thỏa đáng, trước tiên tôi xây căn nhà trú mưa nắng, rồi tiếp tục cho con đi học. Còn lại bao nhiêu tôi bán buôn gì đó kiếm sống qua ngày” - bà Hòa nuốt nước mắt thở dài cho biết.