Từ cái chương “Hạnh phúc của một tang gia” (trích tiểu thuyết “Số Đỏ” - Vũ Trọng Phụng), người đọc đã lờ mờ nhận thấy một cái nghề rất đặc biệt trong xã hội thời đó: Nghề khóc mướn. Cứ ngỡ qua thời gian, nghề này nay đã mai một, chuyển thành một thứ kỷ niệm “vang bóng một thời”. Nhưng hóa ra những người con, người cháu như gia đình của cụ Cố Hồng ở thời buổi này vẫn còn vô khối.
Nghề đem nước mắt đến đám ma
Cái sự tang ma bao giờ cũng nỉ non, than khóc, đám tang nào mà không nhiều nước mắt, dễ bị cho là... tuồng bất hiếu. Một đám tang của người đàn ông do lạm dụng rượu mà phải chết vì chứng viêm gan (ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), người vợ vừa lăn lộn bên quan tài người quá cố, vừa nấc lên từng hồi, hai anh con trai cũng sà xuống linh cữu, xì xụp quỳ lạy, hết than vãn đến gào thét. Tuy họ gào rất to nhưng nghe không mấy thảm khiến có người đến viếng bụm miệng cười mà xì xầm: “Tay này lúc sống hay rượu chè, đánh đập vợ khiếp lắm. Chắc bà vợ và hai anh con kia cũng chẳng thương tiếc gì ngữ ấy. Chẳng có giọt nước mắt nào đau thương thực sự cả đâu...”.
Giữa lúc bát nháo ấy, từ bên trong đám hiếu dần dần xuất hiện những tiếng than khóc rất bài bản. Cứ từng lượt 2-3 người thay phiên nhau khóc. Những lời than thê lương: “Đừng bỏ chúng con cha ơi!...”, “Ngàn năm vĩnh biệt cha ơi! Biết bao giờ chúng con được nhìn thấy cha nữa..., cha ơi...”, “Ối cha ơi, chung rượu này con dâng lên cha mà như hình bóng cha vẫn còn đâu đây...” dần thay thế cho lời than khóc của vợ con, họ hàng người quá cố.
Bộ “diễn viên đóng thế” này gồm 3 người (2 nữ, 1 nam) phối hợp với nhau rất ăn ý. Họ ngồi lẫn vào đội nhạc hiếu để hành nghề. Tiếng khóc thảm thiết cộng hưởng với tiếng của dàn nhạc bát âm vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch nghe não nề, thê thiết, tưởng tan nát cả cõi lòng. Hai người phụ nữ tên L. và M. (ngoài 30 tuổi) còn người đàn ông đứng tuổi hơn tên H. (45 tuổi), họ đều người làng Lệ Chi, Gia Lâm.
Các “khóc sĩ” và dàn nhạc hiếu trong một đám tang. |
Để bước vào công việc khóc mướn, đầu tiên mỗi người đều phải tập cho mình... chai mặt, dạn dĩ rồi sau đó mới tập thể hiện từ cách nhăn mặt, nhíu mày kể lể, khóc tiếng lớn, tiếng nhỏ, lăn lê, phủ phục bên quan tài đến cả phong thái đĩnh đạc, giả làm người thân của tang chủ để tiếp khách...
Than thuê khóc mướn cũng đủ 36 kiểu
Nếu như trước đây khóc mướn chỉ là nghề phụ của một số người có năng khiếu... khóc trong các ban nhạc lễ đám ma thì bây giờ, trước nhu cầu khóc và những đòi hỏi về tính chuyên nghiệp của nhiều bậc trưởng giả mà theo cách nói của anh H. thì “những người giàu có họ muốn cho tiếng khóc của mình phải xứng đáng đồng tiền” nên không thể khóc theo kiểu nghiệp dư. Vì vậy mà những “khóc sĩ” cần phải chuyên môn hóa. Nếu trên đời có 36 điệu cười thì người khóc mướn cũng sáng tạo ra 36 kiểu khóc, mà khéo còn nhiều hơn.
Anh H. tiết lộ: “Khóc cũng phải có kiểu, có bài kể lể đầu đuôi, công trạng... Lúc mới hành nghề, tôi phải tập mãi mới quen cho giọng điệu lên bổng, xuống trầm, thương tâm đứt đoạn chứ không phải chỉ lăn lộn gào thét lung tung trước linh cữu người quá cố là được. Có lúc phải khóc da diết, thê lương kéo dài như thể nỗi đau cào xé không bao giờ đứt. Đó là kiểu khóc nhập vai người quả phụ khóc chồng. Kiểu này thường được thầy khóc trong những đám người chồng chết trẻ, bỏ lại vợ con bơ vơ.
Lại có kiểu khóc nấc lên nghẹn ngào... rồi lại đứt tiếng như không thốt ra thành lời. Đó là kiểu khóc nhập vai những người con đi xa mới đột ngột biết tin về chịu tang bố, mẹ. Kiểu khóc gọi người quá cố kết hợp với những từ cảm thán như “Ối!”, “Trời ơi!”... Rồi còn cả kiểu khóc như Nguyễn Khuyến đã khóc Dương Khuê, đó là khóc bạn hữu, tri kỉ, được thể hiện bằng những lời tâm tình, hồi tưởng lại ngày xưa trong tâm trạng đau buồn khi biết tin bạn mất...”.
“Nghề này cũng lắm công phu, bao giờ cũng phải đặt tâm trạng mình là người thân của người quá cố mới xúc động, tiếng khóc và lời kể sẽ tạo được hiệu ứng. Muốn là người trong cuộc thì phải biết đồng cảm với nỗi khổ người khác và hãy nhớ đến những người thân của mình đã qua đời để mà khóc” - anh H. bật mí. Rồi anh minh họa bằng một giọng khóc: “Hu... hu... Ơi hỡi mẹ ơi! Sao mẹ lại nỡ bỏ chúng con ra đi... Mẹ, mất mẹ rồi, chúng con biết sống ra sao...”. Tiếng khóc của anh bi ai, thống thiết đến độ làm tôi chạnh lòng nhớ đến người mẹ quá cố của mình mà ứa nước mắt.
Trọn một buổi khóc mướn
Thấy tôi ngỏ ý muốn hành nghề khóc mướn, anh H. đã nhận lời. 7h tối hôm sau, anh dẫn tôi cùng với một nhóm “khóc sĩ” gồm 4 người đi khóc thuê tại một đám tang ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.
Gia chủ là một tay chuyên kinh doanh nhà đất ở trung tâm thành phố. Hợp đồng giao kèo giữa tang chủ với những người khóc mướn được quy định cụ thể: Liên tục trong thời gian tang lễ, họ sẽ đóng vai người thân của gia đình, mặc đồ xô trắng, quỳ lạy, khóc lóc bên quan tài, lo những công việc hậu cần trong nhà. Sau 3 ngày, đoàn sẽ nhận số tiền là 7 triệu đồng. Nếu phát sinh những tình huống cần phải khóc lóc, kể lể, ngất xỉu... vào ban đêm cùng với ban nhạc hay khi hạ huyệt, gia chủ sẽ tính theo giờ để thanh toán thêm.
Đưa tay ra hiệu cho chúng tôi tới một góc phòng, chủ nhà dặn: “Nhà tôi cả thảy 6 người khóc trước quan tài mẹ tôi. Tôi, 2 anh trai cùng mấy bà vợ. Coi như các anh chị khóc thay chúng tôi. Khóc suốt đêm cho thật thảm thiết vào, phải có nước mắt hẳn hoi. Ngoài tiền “sô”, tôi sẽ thưởng thêm cho. Càng khóc nhiều, khóc hay thì tiền thưởng càng cao”.
Anh H. lấy sổ ghi cẩn thận tiểu sử người quá cố, tên tuổi, công việc của gia chủ và họ hàng xa gần rồi phân cho 2 cô gái trong nhóm khóc vai con dâu, còn anh và người bạn “đóng vai” hai anh em “thân chủ”. Tôi là “khóc sĩ” tập sự nên không phải đóng vai, anh H. dặn khi nào cảm thấy khóc được thì cứ khóc.
Kèn trống vừa chấm dứt, anh H. nước mắt lưng tròng, phủ phục bên quan tài, “mở màn” với những lời kể lể bi ai và những tiếng nấc nghẹn ngào, nức nở. Ở cuối áo quan, hai cô “khóc sĩ” trong nhóm nước mắt cũng lưng tròng, than vãn, tiếc thương... mẹ chồng. Càng về khuya, tiếng khóc càng thêm não nuột. Trong khi đó, ở dãy bàn xéo bên hông nhà, hai ông con trai của người quá cố vừa nâng ly, vừa nói, cười, vừa bình luận về chuyện đất đai với những vị khách loại sang...
Khi khách viếng đã vãn, người đàn ông than khóc suốt từ chập tối đến gần nửa đêm mới có dịp ngồi dậy lật đật ra bàn nước và nở nụ cười tươi rói phủi chân leo lên sạp đánh chén sau khi nhận của tang chủ vài trăm nghìn tiền thưởng...
Thu Hồng (còn nữa)