[links()]Trong lễ đưa tiễn các anh về với đất mẹ, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Những đồng bào ở quanh khu vực cất bốc đã thức dậy từ 4 giờ sáng để đến địa điểm đưa tiễn các anh về với nghĩa trang ở Buôn Ma Thuật.
Đoàn xe kéo dài nhiều cây số, hành trình hơn 3 giờ đồng hồ mới về nơi an táng. Ai cũng thốt lên, vậy là sau mấy chục năm lạnh lẽo giữa núi rừng hoang vắng, mùa xuân này các anh đã được về với đồng đội, với gia đình rồi.
Sau 3 ngày tìm kiếm, có 42 hài cốt liệt sĩ được quy tập. |
Những ngày đầu xuân Quý Tỵ (2013), Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXHVN) tổ chức chuyến đi dài ngày từ Hà Nội vào địa bàn thôn 3 xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Sau 3 ngày tìm kiếm, đoàn cất bốc được 42 hài cốt liệt sỹ.
Hàng trăm cán bộ, nhân viên của NHCSXH cũng như chi nhánh nhiều địa phương trên cả nước đã không quản ngại đướng sá xa xôi vượt hàng ngàn km có mặt tại địa bàn xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk).
Mọi người chia nhau tỏa đi mọi hướng, len lỏi vào những khu rừng khô cháy, gai góc, vừa đi vừa khấn xem các anh nằm ở đâu. Điều lạ là hầu hết các con suối khác đều đã cạn khô, nhưng con suối nơi được cho là có mộ liệt sĩ lại vẫn đầy nước, hai bên bờ còn rất nhiều cây cối như tre nứa, chuối rừng… Kết thúc ngày thứ nhất, đoàn cất bốc được 21 bộ hài cốt.
Một kỷ vật còn nguyên vẹn và có đầy đủ họ tên |
Bước sang ngày thứ hai, đội cất bốc tìm được 16 hài cốt, trong đó có 2 liệt sĩ được khắc tên trên 2 chiếc bình toong là Lê- Q- Hà- Thanh Hóa và Trần- V-Kền Hà Bắc. Tương tự, ngày thứ 3 cất bốc được 6 bộ hài cốt.
Là người chứng kiến từ đầu đến cuối việc đào bới cất bốc trong 3 ngày liền, cụ Nguyễn Văn Toản, gần 70 tuổi nhà ở Định Quán, Đồng Nai, từng chiến đấu ở vùng này thuộc Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, cho biết: “Trước đây vùng này chiến sự ác liệt lắm, các đồng đội của tôi hy sinh ở đây rất nhiều. Khi nghe tin có đoàn tìm hài cốt của NHCSXHVN tìm kiếm nơi đây, tôi đã bắt xe đò từ Đồng Nai lên đây để chứng kiến và cũng mong sẽ biết thêm về những nơi mình đã chiến đấu giờ ra sao.
Khi thấy các di vật này, tôi không thể cầm lòng được, những chiếc bình toong, chiếc huy hiệu, cà mèng sao mà thân quen như mình vừa treo nó hôm qua vậy. Chiến tranh thật là khốc liệt. Chỉ mong sao linh hồn các đồng đội sớm được siêu thoát…”.
Người Tư lệnh năm xưa của Quân đoàn 3 - Thiếu tướng Đỗ Công Mùi - dù tuổi đã cao, sức đã yếu những vẫn lặn lội từ Hà Nội vào đây để cùng tìm kiếm hài cốt đồng đội, đồng chí của mình năm xưa. Suốt cả đêm, dù trời lạnh, nhưng người tư lệnh miệt mài, không rời mắt khỏi những người cất bốc với một nỗi lòng sâu kín muốn tìm lại được những hài cốt đồng đội còn nằm lại nơi đây, vì hơn ai hết ông hiểu được những thương đau, mất mát của chiến tranh.
Ngọc Quý