Đường về nhà xa quá mẹ ơi
Người viết bài này xin đánh cược một điều rằng phụ nữ ai xem bộ phim ngắn “Xuân không màu” được bình chọn là phim Tết hay nhất năm 2017 cũng sẽ rơi nước mắt, kể cả những bà mẹ chồng luôn lớn tiếng khẳng định “với tôi, không có chuyện cho con dâu về ngoại ăn tết”, hay những người phụ nữ thích lên lớp người khác “muốn về ngoại ăn Tết thì khỏi lấy chồng đi”. Bởi, sâu thẳm trong mỗi con người ai cũng có cha mẹ, có quê hương, ai cũng nhớ đến điều đó trong giờ phút đoàn viên. Có chăng chỉ vì trách nhiệm, vì nỗi ích kỷ cá nhân, vì nhiều điều khác nữa không thể liệt kê mà họ đành đeo lên mặt mình một chiếc mặt nạ vô cảm để cấm người khác nhớ về nguồn cội của mình.
Trong không khí năm mới đang cận kề và trong “Xuân không màu” xuyên suốt 6 phút, người xem hòa vào dòng suy tư, tình cảm, hồi ức của cô gái nhớ cha mẹ đẻ và cái Tết xưa. Dẫu biết phận làm con gái đi lấy chồng xa, Tết thường ít được sum vầy cùng cha mẹ ruột, nhiều chị em vẫn không giấu nổi sự nghẹn ngào. Từ sâu thẳm lòng mình, họ không khỏi hối hận khi đã bao nhiêu năm khất lần: “Tết năm sau con sẽ về”. Đoạn phim khép lại bằng những thống kê đầy ám ảnh. Theo đó, trong số hơn 3.000 phụ nữ trên cả nước được phỏng vấn, 86/100 người năm nào cũng đón Tết ở nhà nội từ khi lập gia đình. Có tới 97% chị em mong muốn được về nhà ngoại đón Tết. Đặc biệt, “Xuân không màu” còn gây ấn tượng và ám ảnh bởi từng ca từ trong bài hát cùng tên do Tăng Nhật Tuệ sáng tác và được thể hiện qua giọng hát ấm áp của nữ ca sĩ Miu Lê: “Đường về nhà xa quá mẹ ơi/Ϲhắc xuân naу con không về tới/Khi nắng xuân đang vương khắp nơi
Ϲon vẫn một mình nơi đâу chơi vơi...”
Biết rằng, khi xem bản demo của “Xuân không màu”, ca sĩ Miu Lê đã khóc òa vì xúc động và tiếng hát cũng vì thế mà thấm đượm nỗi niềm của những người con gái xa quê. Không chỉ phụ nữ, nhiều người đàn ông xem phim “Xuân không màu” cũng chợt tỉnh ngộ rằng đã từ lâu mình vô tâm tước mất niềm hạnh phúc của vợ, một niềm hạnh phúc vô cùng giản đơn – được trở về với mẹ cha dù chỉ là ngắn ngủi.
Mạnh Trường - nam diễn viên phim Tuổi thanh xuân sau khi xem “ Xuân không màu” chia sẻ trên trang cá nhân: "Trước đây, các anh chị phóng viên cứ ưu ái gọi Trường là soái ca. Nhưng sáng nay vợ gửi cho xem clip này, xem xong mới thấy mình chưa phải là soái ca mọi người ạ". Mạnh Trường giải thích vì "dù rất yêu vợ nhưng bản thân mình cũng chưa nghĩ tới cảm xúc của vợ mỗi khi Tết về. Chắc vợ cũng mong muốn có những cái Tết bên ba mẹ. Là đàn ông, sau khi xem clip mình cũng rất xúc động thì chắc vợ mình xem xong khóc luôn. Mình nghĩ, dù là nam hay nữ cũng nên xem clip này để hiểu hơn về người bạn đời".
Bao giờ nước mắt Tết hết rơi?
Cũng là con người và đã ở thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 rồi mà tại sao nước mắt những người con gái đi lấy chồng vẫn mãi rơi mỗi khi Tết đến xuân về? Câu trả lời là xã hội cũ với quan niệm Khổng giáo ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người khiến phụ nữ chịu vô vàn thiệt thòi. Có những gia đình chồng rất khắt khe, ngày Tết phải qua rằm tháng giêng, con dâu mới về được nhà mẹ đẻ. Nhiều người lấy chồng làng, dù cách nhà ngoại chỉ một đoạn đường thôi nhưng cũng không dám về nhà nếu gia đình chồng không đồng ý. Ngày 30 Tết thấp thỏm, nghĩ ở nhà ba mẹ đang mòn mỏi mong con mà ứa nước mắt. Với những nhà chỉ sinh con một bề, Tết đến Xuân về là hạnh phúc của người khác còn đối với họ đó là sự buồn tủi, là nước mắt chảy vào trong mỗi khi nghĩ đến ba mẹ mà không được về thăm, trong khi đó ở nhà chồng, họ vẫn phải giữ khuôn mặt rạng ngời, tươi cười khi tiếp khách.
“Tháng trước, vô tình nói chuyện Tết, em mới biết chồng em không có ý định về quê ngoại ở Đắc Lắc. Tết năm ngoái em sinh nên về nhà mẹ, bố mẹ em thức đêm hôm lo lắng cho con cháu. Được hơn 2 tháng nhà nội muốn đưa về nhà nội ở Đồng Nai, sau 5 tháng nghỉ sinh, ba mẹ em thấy cháu nhỏ quá nên dù nhà chỉ có hai ông bà nhưng cũng ráng để bà ngoại xuống chăm cháu cho cứng cáp trong khi em đi làm lại. Được khoảng 1 tháng sau ba em bị bệnh nặng phải nhập viện ở THCM, ở đây điều trị khoảng 2 tuần, sau đó ba em lại về nhưng vẫn để bà ngoại ở lại chăm cháu. Em cũng lo lắng cho sức khỏe của ba lắm, nhưng vì cháu nhỏ quá nên đành làm phiền mẹ, em thương ba chảy cả nước mắt. Tết năm nay, ba em đang ốm, nhưng sau nhiều lần nói nhẹ, nặng, năn nỉ, chồng em vẫn nhất quyết Tết chỉ ở nhà chồng, em đã xin anh chỉ về nhà sau ngày mồng 2 nhưng vẫn vô vọng... Lúc nóng nảy, em nghĩ anh không về thì em với con về, nhưng nghĩ lại, chỉ hai mẹ con về thì có ý nghĩa gì, chỉ làm bố mẹ mình thêm đau lòng vì con cái không hạnh phúc. Em đành chấp nhận. Nhưng, sao lòng em lúc nào cũng buồn khi nghĩ về chuyện đó, Tết này bố mẹ em sẽ buồn nhiều lắm. Ba em sức khỏe không được tốt từ sau lần nhập viện, em thật sự rất muốn về thăm cha mẹ, em có đòi hỏi quá đáng không? Em định sẽ tâm sự với mẹ chồng và mong bà thông cảm, nhưng hi vọng quả thực không cao, không khéo lại làm bà tự ái này nọ, lại lớn chuyện thì khổ. Em phải làm sao đây để ít nhất Tết này không phải khóc?”
Dòng tâm sự này của một cô con gái quê Đắc Lắc lấy chồng ở Đồng Nai cũng có thể là dòng tâm sự của rất nhiều phụ nữ khác nữa, chỉ có điều họ giữ trong lòng với dòng nước mắt chảy ngược vào trong hay dũng cảm nói ra để chịu sự giận dữ vô lý của chồng, nhà chồng mà thôi.
Chia sẻ câu chuyện riêng của bản thân về chuyện ăn Tết ngoại sau quãng thời gian lập gia đình, diễn viên Bảo Thanh phim Sống chung với mẹ chồng khiến nhiều người xúc động bởi cô cũng là một nàng dâu xa nhà mỗi dịp Tết đến. Bảo Thanh sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang. Hiện cô đang có cuộc sống hạnh phúc bên chồng và gia đình tại Hà Nội. Mặc dù nhà chồng không xa nhà mẹ đẻ là bao nhiêu, nhưng số lần về ăn Tết nhà ngoại với Bảo Thanh cũng cực kì hiếm hoi. "Lấy chồng được 6 năm nhưng chỉ có một năm Thanh về ngoại ăn Tết, đó chính là năm bố mất. Là con gái, nghĩ đi nghĩ lại vẫn có đôi lúc cảm thấy xót xa" - Bảo Thanh ngậm ngùi.
Bài toán ăn Tết ở đâu là do phụ nữ – đó là quan điểm của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn. Ông Chất cho rằng nếu người phụ nữ khéo léo thì có thể cân bằng việc về đâu ăn Tết. Nếu hai bên gia đình không quá xa, vợ chồng hãy ngồi bàn bạc làm thế nào để bữa cơm tất niên nhà ngoại cũng tham gia được, nhà nội cũng tham gia được. Có thể ở nhà ngoại ăn tất niên đến 30 về nhà nội đến mồng 2 rồi xuống nhà ngoại. Điều này cũng tùy theo tình hình sức khỏe và khoảng cách. Khi khoảng cách quá xa, vợ chồng bàn bạc với nhau. Người vợ có thể gợi ý và kích thích tinh thần tự quyết của chồng. Kỹ năng nói chuyện với chồng để anh ta hiểu và có bài toán về đâu phù hợp nhất không mất lòng bố mẹ hai bên nội ngoại là điều rất quan trọng....
Đó chỉ là quan điểm của cá nhân nhà tâm lý, nhưng thực tế thì luôn muôn hình vạn trạng và thế nên nước mắt Tết vẫn cứ rơi. “Xuân nào là của con, của những ai sống xa nhà /Xuân chỉ là giấc mơ giấc mơ được về nhà thôi/Xuân nàу chẳng có con mẹ đừng khóc nhé mẹ/Ϲon xin sẽ về một ngàу giấc mơ trong bàn taу con...”