Bi kịch của bé gái Đỗ Thị G (SN 1998, ngụ xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bắt nguồn từ thứ tình cảm trẻ con vụng dại với cậu trai mới lớn Nguyễn Duy Bảy (20 tuổi) là hàng xóm. Hệ quả đau lòng ập đến khi cả nhà tá hỏa phát hiện em mang bầu tháng thứ 5. Mới 13 tuổi, cô bé đã làm mẹ trẻ con và những lệ lụy còn chưa chấm dứt.
Trẻ 13 tuổi đã làm mẹ
Ông nội của bé gái thở dài thuật lại, gia đình họ ở một nơi khá hẻo lánh và biệt lập trong xã. Đây vốn là vùng đồng không mông quạnh được gia đình đấu thầu để kinh doanh mô hình trang trại. Tất bật với công việc trên những khoảng vườn rộng, những ao cá lớn, bố mẹ ít có thời gian quan tâm đến hai chị em G.
Nhà Bẩy ở cạnh nhà cô bé. Bị hút hồn bởi bé gái mới học lớp 6 nhưng đã có dáng vẻ của một thiếu nữ, Bẩy thường xuyên sang phụ giúp những việc nhà. Đáp lại sự nhiệt tình ấy, cô bé nhanh chóng chấp nhận lời yêu của chàng trai hàng xóm. Nhiều lần gần gũi nhau trong khoảng không gian thơ mộng ngút ngàn bờ bãi, hai đứa trẻ đã hồn nhiên “hái trái cấm”. Những ngày tháng dại dột sớm mang đến cho đôi trẻ bi kịch: Cô bé mang bầu và phải đến khi cái thai 5 tháng tuổi thì mới được phát hiện. Khi ấy cô bé đang trong kỳ nghỉ hè kết thúc năm học lớp sáu.
“Hôm ấy em ngồi xem phim hoạt hình thì thấy bụng đau dữ dội. Bố mẹ em không có nhà nên em nhờ một người gọi giúp “người yêu” sang đưa đi khám. Lúc này, em cũng lờ mờ sợ chuyện có em bé nên em và “người yêu” lên thẳng Bệnh viện huyện Thanh Hà. Bác sĩ bảo em đã mang bầu được 5 tháng. Lúc này, cả em và người yêu đều hoảng loạn, lo sợ. Em không dám nói với bố mẹ mà chỉ kể với em gái. Còn anh ấy thì về thú nhận với bố mẹ”, cô bé kể lại.
Bấy giờ, khi bố mẹ của “thủ phạm” sang nhận lỗi và đặt vấn đề xin cưới, bố mẹ cô bé mới biết sự tình. “Phản ứng đầu tiên của con dâu tôi là khóc rưng rức rồi gọi điện cho tôi. Nó chỉ nói chuẩn bị đưa cái G. đi bệnh viện. Tôi cứ ngỡ con bé bị ốm đau làm sao”, ông nội nạn nhân nhớ lại.
|
Ảnh minh họa. |
“Hợp đồng hôn nhân” cho trẻ con
Hủ tục miền quê khiến người ta có khi mê muội quên đi sự đau đớn của con em mình mà sống chết đặt vấn đề “danh phận” của dòng họ, gia đình lên hàng đầu. Thế nên dù nhiều tháng đã trôi qua, một người thân trong gia đình cháu gái khi kể lại chuyện vẫn quả quyết: “Không thể có chuyện con cháu chúng tôi về bên đó mà không có một danh phận. Vì thế chúng tôi yêu cầu bên nhà trai phải có cơi trầu, rồi ít đồ lễ thắp hương nhận mặt tổ tiên. Chuyện này được hai bên gia đình bàn bạc kỹ lưỡng. Gần một tuần sau khi phát hiện chuyện cháu mang bầu, hai bên mới quyết định làm cái lễ gặp mặt. Bên gia đình chúng tôi có đầy đủ ông bà nội ngoại của cháu G. và cả bác trưởng họ chứng kiến việc hành lễ. Gia đình bên kia cũng làm tươm tất như những gì đã bàn từ trước” .
Theo thông tin từ UBND xã Liên Mạc, để tiến hành “hôn lễ” và sau này là sinh đẻ, gia đình cháu G. đã chủ động xin cho cháu nghỉ học một năm. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, khi đám cưới vừa trôi qua được vài ngày, tai họa đã ập đến với cô bé. Không có sự hiểu biết về sinh sản giới tính, đau bụng ra máu từ sáng đến chiều mới chịu đi bệnh viện nên cô bé đã bị sảy thai. “Em ý thức được rằng mình đã mất đi một điều gì đó rất máu mủ, thiêng liêng”, G sụt sùi nhớ lại.
“Khổ thân con bé. Từ ngày bị sảy thai nó đâm ra ngơ ngẩn, người cứ ủ rũ như tàu lá chuối héo. Biết nó là đứa ham học lại năng nổ vì làm lớp trưởng nhiều năm liền, gia đình tôi động viên nó đi học trở lại cho khuây khỏa. May mắn là gia đình bên kia cũng rất đồng tình. Lúc này, nó mới dần nguôi ngoai và tươi tỉnh ra hẳn”, một người nhà của bé gái cho hay.
Nước mắt ngày trở lại trường
Tuy nhiên, hành trình quay lại ghế nhà trường của bé gái không hề suôn sẻ. “Biết là khó khi người ta có định kiến nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm tìm mọi cách xin cho cháu được đi học”, bố của G. tâm sự. Phải qua nhiều “kênh” quan hệ của gia đình, một ngày đầu tháng 11/2011 cô bé mới được chấp nhận cho đi học lại.
Nhớ lại những ngày trở về với cặp sách học trò, những giọt nước mắt của G. rơi lã chã: “Hôm đầu tiên quay trở lại lớp học, em được cô giáo bố trí ngồi một mình một bàn ở cuối lớp. Các bạn nhìn em rồi đưa ra những lời lẽ kiểu như: “Đồ hư thân mất nết, mới có tí tuổi mà đã…” hoặc “Nhìn cái mặt mày mà đã thấy kinh tởm”… Trước đây, em có một nhóm bạn rất thân nhưng khi em đi học trở lại, các bạn không chơi với em nữa. Em đi học muộn, mượn vở của các bạn để chép bài thì bị đuổi đi chỗ khác. Bàn ghế em ngồi có lần còn bị đạp đổ.”
“Các bạn đã vậy, thầy cô cũng chẳng khác hơn. 3 tuần vào học trở lại, em không được thầy cô nào gọi phát biểu hay lên bảng kiểm tra bài cũ. Em làm bài kiểm tra nhưng cũng không thấy được gọi vào sổ điểm”, G. ngậm ngùi kể tiếp.
Đỉnh điểm của sự tủi nhục mà tâm hồn non dại cô bé phải chịu đựng là vào một buổi chào cờ. “Hôm đó, cũng như các bạn, em ra sân trường làm lễ chào cờ và nghe thầy cô nói chuyện đầu tuần. Trong lớp lúc đó hình như có mấy bạn nam ở lại. Khi kết thúc giờ chào cờ, em quay trở vào lớp thì thấy chỗ em ngồi và cặp sách ướt sũng, khai nồng nặc. Lúc đó, em mới biết là các bạn đã tiểu tiện vào chỗ ngồi và cặp sách của em”. Dẫu khát vọng tuổi học trò luôn cháy bỏng nhưng G. không thể chịu nổi áp lực và thêm một lần phải nghỉ học. Lần này là do chính em tự nghỉ.
“Từ ngày nó nghỉ học rồi ở nhà, nhìn nó ai cũng xót xa. Tuy nhiên, khuyên bảo thế nào nó cũng nhất quyết không đi học trở lại. Nhà báo xem có cách nào giúp cháu tôi đi học trở lại mà không bị đối xử tàn nhẫn hay không?”, ông nội của G. bất chợt cầu cứu chúng tôi. Bà nội của bé gái thấy vậy cũng run run mở cánh cửa tủ, lấy ra một tập giấy khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, có đến gần 20 chiếc mang tên em.
Khát vọng được học tập của G. thật đáng trân trọng. Nhưng đáng buồn thay, ở cái miền quê đó khát vọng của bé gái tội nghiệp lại bị vùi lấp đi bởi những định kiến về sai lầm vụng dại tuổi trẻ con em đã từng lầm lỗi mắc phải.
Theo Pháp luật & Thời đại