Nước mắt và nụ cười của những mái đầu bạc khi đến phòng giám định ADN

(PLVN) - Có không ít người ông, người bà mái đầu đã bạc đến phòng giám định ADN để tìm huyết thống của mình. Và khi nhận được kết quả, người khuỵu ngã, bất lực, người thở phào nhẹ nhõm bởi mối ngờ vực đã được giải tỏa…
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Nước mắt ông bà 

Vào một buổi chiều tháng 5 nóng nực, một đôi vợ chồng già ở tỉnh B. dắt theo một cậu bé trai chừng 3 tuổi đến Viện Pháp y Quốc gia yêu cầu làm xét nghiệm ADN để xem đứa cháu trai đích tôn của dòng họ có thật là con đẻ của con trai ông bà hay không. 

Người ông tên B. có khuôn mặt khắc khổ chừng 50 tuổi lặng lẽ vào phòng làm đơn, đăng ký mẫu thử. Vợ ông – bà A. ngồi bên ngoài phòng chờ chăm sóc cháu. Thỉnh thoảng, người phụ nữ này lại lén lấy vạt áo lau những giọt nước mắt chực trào trên khóe mắt. 

Theo giọng kể đứt quãng giữa những tiếng thở dài của bà A. thì việc hai ông bà dắt díu mang cháu lên Hà Nội thử ADN là sự bất đắc dĩ. Bởi trước khi đi, đứa con dâu của ông bà đã thẳng thừng tuyên bố: “Nếu ông bà từ bỏ ý định thử ADN thì còn có cháu, còn nếu ông bà vẫn quyết tâm đi thử thì không bao giờ được gặp cháu nội mình nữa”. 

Dằn vặt, mất ăn mất ngủ mấy ngày, hai ông bà vẫn quyết tâm khăn gói lên Hà Nội để tìm ra sự thật.

Thành tựu khoa học nhiều khi thật xót xa. Cầm tờ giấy kết quả ghi dòng chữ “không có quan hệ huyết thống”, bà A. khuỵu gối khóc ngất còn ông B. cũng quay mặt đi, đôi mắt đỏ hoe ngân ngấn lệ. Như chưa tin vào kết quả, ông B. liên tục gặng hỏi chuyên gia về phần trăm chính xác cũng như sai số của kết quả xét nghiệm. Phải đến khi được nghe giám định viên giải thích cặn kẽ, đôi vợ chồng già mới chấp nhận sự thật. Họ đều không ngờ, ở cái tuổi gần đất xa trời này lại gặp phải chuyện trớ trêu, đau đớn ngay trong chính gia đình mình. 

 

Một câu chuyện đau buồn của gia đình được dựng lại qua lời kể của bà A. với giám định viên. Bà A. nức nở cho biết, hai vợ chồng bà sinh được duy nhất một cậu con trai nên cả đời nai lưng làm lụng, tiết kiệm được bao nhiêu tiền đều dồn vào chăm sóc cho con.

Bi kịch của gia đình ông bà chỉ thực sự bắt đầu khi người con trai lấy vợ và sinh con. Điều lạ là, càng lớn người cháu trai của họ càng không có nét gì giống bố và họ hàng bên nội. Nỗi nghi ngờ của bà A. càng tăng lên khi một lần bà vô tình phát hiện những tin nhắn tình cảm của con dâu với một người đàn ông khác. 

Khi đem chuyện này hỏi chuyện vợ chồng con trai, bà bị con dâu cho rằng mẹ chồng ghét bỏ nên vu oan giá họa và kiên quyết đòi chuyển ra ở riêng.

“Con trai chúng tôi tin vợ nên cũng nghĩ vợ chồng tôi đặt điều nói xấu con dâu và nó không muốn gặp mặt chúng tôi nữa. Gia đình tôi từ dạo đó không có giây phút nào yên ổn. Giờ thì kết quả đã có, song tôi không biết nói với con trai như thế nào để nó đón nhận mà không bị sốc”, bà A. tâm sự.

Qua cơn xúc động bà A. gạt nước mắt cho biết, dù rất đau lòng nhưng ông bà đã bàn với nhau để chuẩn bị tình huống xấu này rồi. Họ vẫn sẽ tôn trọng quyết định của con trai mình về vấn đề hôn nhân, còn đứa cháu trai dù mang dòng máu của ai thì ông bà vẫn mãi coi là cháu mình. 

Nghi ngờ vì có cháu mà như không

Một câu chuyện khác mà chúng tôi được các bác sĩ pháp y kể lại. Theo đó, biết chuyện con trai mình trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự đã yêu một cô gái ở tỉnh H. và cũng chia tay đã lâu nhưng ông bà P. không hỏi kỹ vì nghĩ đó là chuyện của bọn trẻ, không nên can thiệp. 

Bỗng một ngày anh con trai nhận được tin nhắn từ người yêu cũ báo sẽ lên thăm và dặn ra bến xe đón. Tình xưa nghĩa cũ, hai người gặp nhau và chung sống với nhau một đêm xong lại ai về nhà nấy. Chẳng ngờ, hơn tháng sau, thì đích thân bà P. nhận được cuộc gọi từ cô gái tự xưng là người yêu của con trai bà. Cô gái báo, sau chuyến thăm lần trước, cô đã mang thai và đề nghị gia đình bà tổ chức đám cưới. 

Nói chuyện với con trai, khi con trai thừa nhận sự việc cách đây hơn tháng đúng như cô gái kể, ông bà P. đồng ý tổ chức đám cưới. Sau khi cưới, viện lý do làm giáo viên không thể xin nghỉ công tác giữa năm học, cô con dâu tiếp tục sống ở bên ngoại rồi sinh con luôn ở đó. 

Bẵng đi một thời gian, cháu đã lớn, ông bà ngỏ ý muốn đón cháu, đón dâu về nhà nội nhưng cô con dâu vẫn nhất định không đồng ý, dù trước đó đứa cháu bị mắc bệnh tim bẩm sinh đã có một thời gian ở với ông bà nội để chữa bệnh.

Tiếp theo là những trận cãi nhau liên tiếp giữa hai vợ chồng, cô con dâu liên tục đòi ly hôn mặc cho chồng không đồng ý và bố mẹ chồng hết lời khuyên giải hãy nghĩ tới tương lai của con cái. Không được như ý, cô con dâu liền nhắn tin dọa nạt bố mẹ chồng.

Cách hành xử cạn tàu ráo máng của con dâu đã khiến ông bà P. dù không muốn cũng phải suy nghĩ phải chăng mọi việc làm trước đây của con dâu chỉ là cách hợp lý hóa cái thai trong bụng mình, phải chăng đứa cháu không phải máu mủ nhà mình? 

Để trả lời câu hỏi này, ông bà P. đã quyết định nhờ đến xét nghiệm huyết thống và kết quả đúng như nghi ngờ, đứa cháu mà gia đình ông bà yêu thương bất lâu nay không phải là con ruột của người con trai ông bà. Đau đớn tột cùng, nhưng ông bà cho biết sẽ tôn trọng quyết định của con trai về chuyện vợ, con. 

Giám định viên kiêm tư vấn tâm lý

Ông Hà Hữu Hảo – Trưởng khoa Y sinh học, Viện Pháp y Quốc gia cho biết, hai câu chuyện từ những người ông người bà trên chỉ là một trong số hàng nghìn những mảnh đời, số phận tìm đến Viện Pháp Y để thực hiện xét nghiệm ADN. Mỗi khách hàng đến đây có thể khác nhau về lý do song đều giống nhau ở chỗ ít nhiều đang gặp phải khúc mắc, éo le trong cuộc sống. Họ không thể hạnh phúc nếu những bức xúc trong lòng không thể giải tỏa. Kết quả ADN giống như một cơ sở để giải quyết vấn đề. 

Có rất nhiều người nhờ ADN đã cứu vớt được hạnh phúc trước nguy cơ tan vỡ. Tuy vậy, cũng không ít người đau khổ trước sự thật được phơi bày. Vì thế, kết quả ADN có thể là hạnh phúc, niềm vui với gia đình này nhưng cũng có thể là nỗi bất hạnh và sự chia ly đối với gia đình khác. Và nếu ai nghĩ rằng trong nghề nghiệp của mình, giám định viên pháp y chỉ tiếp xúc với cơ quan điều tra, đối tượng giám định, thì người đó đã nhầm. Bởi trong rất nhiều trường hợp, giám định viên còn đóng vai trò là nhà tư vấn tâm lý. 

Chị Chu Thị Thủy – cán bộ của Khoa Y sinh học Viện Pháp y quốc gia cho biết, trung bình 90% yêu cầu mà Khoa nhận được trong một tháng là giám định huyết thống. Nhiều người đã bật khóc nức nở, đứng không vững ngay trước mặt giám định viên khi nhận kết quả. 

“Lúc đó, các cán bộ của Khoa phải chịu khó lắng nghe câu chuyện họ để giúp họ qua cơn xúc động, rồi lựa lời tư vấn, an ủi sao cho hợp tình, hợp lý. Bởi nói cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm gia đình với nhau để vượt qua biến cố đau lòng.” – chị Thủy cho biết. 

Vì sao AND trở thành bằng chứng pháp lý?

Trước tiên vì ADN là sứ giả cơ bản của cơ thể mỗi cá nhân vì ADN là deoxyribonucleic acid cho mỗi loài là duy nhất. Đó là lý do tại sao con người chỉ tạo ra những con người khác và hoa cúc chỉ sản xuất hoa cúc khác mà không phải là hoa tulip.

ADN được thừa hưởng từ cha mẹ. Chúng ta được thừa kế một nửa số ADN của mình từ người mẹ sinh học và một nửa từ người cha sinh học. Các anh chị em chia sẻ 50% ADN của nhau và bạn đã thừa hưởng 25% ADN của bạn từ ông bà của bạn. Đây là lý do tại sao một cháu gái có thể có hình dạng mũi của bà ngoại thay vì mẹ của mình. Sự xuất hiện tổng thể của chúng ta phụ thuộc vào quá nhiều kết hợp di truyền đến từ ADN trải dài qua nhiều thế kỷ

Cặp song sinh giống hệt nhau có cấu hình ADN giống hệt nhau. Ngoại trừ một vài đột biến, các tiểu sử ADN giữa các cặp song sinh cùng trứng giống hệt nhau không thể phân biệt được với nhau. Khi một quả trứng tách thành hai, 100% của cùng một AND được hai phôi thai chia sẻ. Nhưng có một điều thú vị là dù cùng cấu hình AND nhưng cặp song sinh giống hệt nhau có thể không có dấu vân tay giống nhau. Bởi dấu vân tay có thể bị ảnh hưởng bởi các biến động nội tiết tố trong tử cung và các yếu tố môi trường.

Và cuối cùng ADN là duy nhất. Ngoại trừ cặp song sinh giống hệt nhau, ADN là duy nhất cho mỗi người. Đây là lý do tại sao thử nghiệm ADN được sử dụng rộng rãi trong thực thi pháp luật, phân tích lối sống (như thử nghiệm tổ tiên hoặc chăm sóc da...), và tất nhiên để xét nghiệm quan hệ cha con. 

Một kết quả xét nghiệm ADN cho thấy dữ liệu ADN chia sẻ giữa các bên sẽ kiểm tra trên 16 maker hoặc nhiều hơn các marker di truyền then chốt và sau đó sử dụng một công thức thống kê để xác định xác suất của một mối quan hệ sinh học giữa người cha giả định và đứa trẻ được thử nghiệm. Sự đáng tin cậy của khoa học trong việc xét nghiệm AND cao đến mức kết quả xét nghiệm ADN đã trở thành một bằng chứng pháp lý. 

Đọc thêm