Nước mắt và nụ cười phía sau hành trình khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đằng sau hành trình “khởi nghiệp” của những người trẻ, luôn chứa biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, gian nan. Và có không ít người nhận được “quả ngọt” sau nỗ lực bền bỉ của mình.
Nhiều bạn trẻ chọn cách đi làm thêm kiếm sống, nuôi giấc mộng khởi nghiệp.
Nhiều bạn trẻ chọn cách đi làm thêm kiếm sống, nuôi giấc mộng khởi nghiệp.

Bài học từ sự thất bại

Với Phan Minh Anh, sinh năm 1990, nhân viên tín dụng một ngân hàng tại quận 3, TP HCM, thì giờ đây, ai nhắc đến chữ “khởi nghiệp” là Minh Anh lại cảm thấy “sợ hãi”. Lý do là chàng thanh niên này đã 3 lần khởi nghiệp và đều thất bại, tiêu tốn số tiền lớn đến mức bây giờ vẫn phải nỗ lực làm việc gấp đôi người khác để trả số nợ đã gây ra.

Năm 2016, khi đang làm phó phòng một công ty kinh doanh trong lĩnh vực phụ gia thực phẩm, Minh Anh quyết đinh tự tạo dựng sự nghiệp cho mình bằng cách lập ra một công ty nhỏ chuyên cung ứng phụ gia cho ngành thực phẩm, lĩnh vực đã quen thuộc nhiều năm.

Những tưởng với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, cộng với mối quan hệ tạo dựng được trong công việc, công ty mới sẽ được duy trì và phát triển, nhưng, khác với mong muốn của anh, công ty nhanh chóng đi vào bế tắc. Minh Anh phải bù lỗ suốt 1 năm trời để rồi đi đến quyết định giải thể doanh nghiệp.

Lần thứ hai khởi nghiệp, Minh Anh vẫn chọn lĩnh vực thực phẩm, mà cụ thể là mở cửa hàng bán phụ gia ngành bánh. Lần này, do nghiên cứu thị trường kĩ và giá cả hợp lý, chất lượng tốt, cửa hàng làm ăn khá phát đạt, Minh Anh đã nghĩ đến việc mở cửa hàng thứ hai và đến chuỗi cửa hàng.

Tuy nhiên, thất bại lần này lại đến từ cộng sự. Mâu thuẫn nội bộ giữa những người đồng sáng lập đã khiến các thành viên tham gia vào việc tranh chấp lợi ích, để rồi công việc làm ăn bị trì trệ. Khi mâu thuẫn lên đỉnh cao, họ quyết định bán thương hiệu lại với mức giá “gỡ gạc” đồng nào hay đồng ấy.

Năm 2020, Minh Anh quyết định mở tiệm cà phê - bánh ngọt, lần này không hùn hạp mà tự vay vốn làm một mình. Tuy nhiên, công việc làm ăn đang bắt đầu đi vào ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát, sau nhiều tháng trời gánh lỗ, Minh Anh quyết định đóng cửa cửa hàng. Tổng cộng sau 3 lần khởi nghiệp thất bại, Minh Anh tiêu tốn hơn 1 tỉ đồng, là tiền dành dụm sau thời gian đi làm và vay mượn của bạn bè, gia đình.

Nói về thất bại của mình, Minh Anh rút ra một bài học kinh nghiệm “xương máu”: “Tôi nghĩ, nguyên nhân khiến tôi thất bại trong hai lần đầu khởi nghiệp là sự chủ quan. Lúc đó, làm phó phòng công ty, năng lực được đánh giá cao, có nhiều mối quan hệ, tôi tự tin rằng với những thứ đang sở hữu, tôi hoàn toàn có thể thành công nếu ra riêng. Nhưng thực tế, những “tài nguyên” ấy là của công ty, nếu khi lập doanh nghiệp mà mình chỉ dựa vào điều này, không có chiến lược riêng phù hợp thì thất bại là tất yếu.

Về lần thứ hai, tôi có rút kinh nghiệm nhưng lại quên chú ý đến yếu tố quản trị nội bộ. Về lần thứ ba, nói chung là... không may thì phải chịu. Qua ba lần khởi nghiệp, kinh nghiệm đầy mình, nhưng giờ nói đến khởi nghiệp là tôi “ngán” lắm. Giờ cứ yên ổn làm công ăn lương, rồi làm thêm trả nợ. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ tiếp tục khởi nghiệp, nhưng là khi mình vững vàng tài chính hơn, có tầm nhìn hơn”.

Thực tế, những trường hợp như Minh Anh không phải là hiếm. Trong suốt những năm qua, Việt Nam chứng kiến một làn sóng “khởi nghiệp” mạnh mẽ, đặc biệt là trong những người trẻ. Giờ đây, xã hội phát triển, các bạn trẻ có rất nhiều lựa chọn trên bước đường sự nghiệp của mình. Có người tốt nghiệp, đi làm cho các công ty, nhưng không ít người nuôi mộng lớn, đi làm vài năm, hoặc thậm chí chưa một ngày làm công đã lao vào đời với mong muốn làm chủ. Và một thực tế của khởi nghiệp có thể ghi nhận là thành công thì ít, thất bại thì nhiều, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố như không nắm vững thị trường, mô hình kinh doanh bất hợp lý, quản trị nhân lực sai lầm, hoặc thiếu vốn...

Thống kê năm 2022, tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 13.824 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 63.157. Trong đó, chiếm con số không nhỏ là các công ty khởi nghiệp.

Con số thống kê chung về khởi nghiệp trên thế giới cho thấy, có 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, 75% dù có được đầu tư nhưng vẫn thất bại, 50% cố gắng qua được năm thứ 5, 33% cố gắng hoạt động cho đến năm thứ 10, chỉ có 40% công ty khởi nghiệp có được lợi nhuận, 82% thất bại vì không kiểm soát được dòng tiền.

Công thức của khởi nghiệp thành công

Nếu như mỗi một cuộc khởi nghiệp thất bại đến từ nhiều nguyên nhân thì cũng có không ít yếu tố để tạo nên thành công cho một doanh nghiệp khởi nghiệp. Anh Phạm Văn Hoàng, đồng sáng lập kiêm CEO FastShip đã chia sẻ bài học về khởi nghiệp thành công dựa trên chính câu chuyện của bản thân mình xuất phát điểm là công nhân dọn cống cho đến lúc trở thành chủ doanh nghiệp ngành vận chuyển sở hữu 200 bưu cục trên cả nước.

Ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, anh Phạm Văn Hoàng (sinh năm 1991, tại Hàm Tân, Bình Thuận) đã lăn lộn làm thêm với nghề công nhân vệ sinh cống rồi bảo vệ, cắt cỏ... để kiếm tiền ăn học, nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo. Ra trường, anh Hoàng khởi nghiệp bằng cách kinh doanh nấm linh chi nhập khẩu từ Nhật. Nhưng thiếu kinh nghiệm, giá đầu vào cao, buôn bán ế ẩm nên việc kinh doanh phải ngừng lại với con số 500 triệu tiền lỗ.

Anh Phạm Văn Hoàng - đồng sáng lập kiêm CEO FastShip.

Anh Phạm Văn Hoàng - đồng sáng lập kiêm CEO FastShip.

Năm 2018, anh Hoàng làm việc cho một công ty thức ăn chăn nuôi và anh trở thành quản lý kinh doanh ở Tây Nguyên với mức lương 2.000 USD/ tháng. Với nhiều người, đó là mức lương “trong mơ”, nhưng anh Hoàng vẫn chưa bao giờ nuôi khao khát có được một doanh nghiệp riêng cho mình.

Quá trình bám sát theo dõi, nắm bắt thị trường, nhận thấy ngành thương mại điện tử và nhượng quyền chuyển phát đang có tiềm năng lớn, anh Hoàng quyết định bỏ việc và đi làm quản lý tại một công ty chuyển phát. Sau đó, trước sự ngạc nhiên của nhiều người chung quanh, anh Hoàng gia nhập đội ngũ... shipper để làm quen với thị trường từ công việc “cơ bản” nhất. Sau đó, anh khởi nghiệp bằng cách mua nhượng quyền một công ty vận chuyển, nhưng rồi thất bại với số lỗ lến đến 2 tỉ đồng.

Vẫn chưa nản lòng, cuối tháng 6/2021, anh Hoàng lại tiếp tục khởi nghiệp lần nữa, lần này mọi thứ được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn. Đầu năm 2022, anh Hoàng chính triển khai phát triển hệ thống bưu cục nhượng quyền FastShip trên cả nước. Đến nay, anh có khoảng 200 bưu cục với hơn 100 nhân viên và mục tiêu đạt 400 bưu cục nhượng quyền vào cuối năm nay. Anh cũng đặt mục tiêu trở thành một trong ba công ty chuyển phát nhanh hàng đầu do người Việt sáng lập và vận hành.

Fastship cũng đang được đánh giá là một trong những doanh nghiệp vận chuyển có tiềm năng mạnh mẽ hiện nay. Để có được kết quả này, anh Hoàng cũng đã trải qua không ít khó khăn, kể cả những lúc lỗ nặng, xảy ra nhiều sự cố tại các bưu cục, hoặc có lúc đứng trước bờ vực bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại. Nhưng bằng sự kiên trì và “lì đòn”, anh Hoàng đã lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Chia sẻ bài học của mình, anh Hoàng cho biết: “Tôi nghĩ rằng, để có được kết quả, trước hết người khởi nghiệp cần có ước mơ và sự kiên trì. Tôi luôn đặt ra cho mình ước mơ là làm chủ một doanh nghiệp và nỗ lực đến cùng với ước mơ đó của mình, nhiều lần thất bại cũng không cho phép mình nản chí. Cạnh đó, không chỉ có ước mơ không mà còn cần có sự quan sát, nghiên cứu kĩ lưỡng thị trường, biết rằng thị trường sẽ có xu thế gì, đang cần gì, có thể tham gia như thế nào, ở mức nào và cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để tham gia thị trường.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng tôi nghĩ không chỉ FastShip mà tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp đều cần như một bước đệm để đi nhanh đó là nguồn vốn và dòng tiền. FastShip khởi nghiệp từ số 0 nên bước đi của chúng tôi không thật sự mạnh mẽ và mang lại hiệu quả như mong đợi. Ban đầu tôi quản lý dòng tiền không được tốt, doanh nghiệp lỗ nặng sau 6 tháng. Để tiếp tục có tiền chúng tôi đã huy động nguồn lực nội bộ được gần 7 tỷ đồng để tiếp tục hoạt động. Đây mới là thành công lớn nhất của tôi chứ không phải số lượng bưu cục”.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là hành trình dễ dàng. Thành công chỉ đến với những người có ước mơ, có quyết tâm và có đủ mạnh mẽ để sau vấp ngã vẫn đứng dậy, bước tiếp đến mục tiêu của mình.

Tuy khởi nghiệp là một hành trình đầy gian nan và thất bại nhiều hơn thành công, nhưng Việt Nam những năm qua vẫn chứng kiến nhiều tấm gương khởi nghiệp xuất sắc, từ hai bàn tay trắng tạo dựng được thương hiệu lớn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Như Phạm Mỹ Linh, 27 tuổi - đồng sáng lập và Giám đốc chiến lược Telio Việt Nam, Trần Hoài Phương, 29 tuổi - Quản lý Quỹ đầu tư khởi nghiệp Wavemaker Partners, Trần Việt Hùng - CEO GotIt, Phạm Đình Nguyên - CEO PhinDeli, Phạm Văn Hoàng - đồng sáng lập kiêm CEO FastShip...

Đọc thêm