Đó là tâm sự và nỗi niềm đại diện cho 20 gia đình những người lính nơi đầu sóng trong cuộc gặp mặt do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Trung ương Đoàn vừa tổ chức tuần qua tại Hà Nội.
Chuyện của những người vợ lính
Chị Nguyễn Thị Tuyết (Thủy Nguyên, Hải Phòng) - vợ của Trung úy Phạm Văn Khánh, tàu 8003 Cảnh sát Biển nước mắt nhạt nhòa chia sẻ: Vợ chồng họ sinh ra cùng làng, học với nhau từ mẫu giáo nhưng mãi tới cấp ba mới yêu nhau. Tình yêu kéo dài 5, 6 năm, sau khi anh học hải quân ra trường và ổn định công tác, họ mới làm đám cưới.
Anh là con trưởng trong nhà, các em đều đã xây dựng gia đình, hiện chị và con gái 4 tuổi ở cùng bố mẹ chồng. Mẹ chồng chị đang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối nên gia đình cũng khá vất vả, mọi việc đều dồn vào lo cho mẹ. Trước đó, anh Khánh ra Hoàng Sa từ ngày 2/5 và không có tin tức gì nên gia đình rất nóng lòng. Mãi tới cuối tháng 5 tàu cập bờ, anh gọi điện về cả nhà mới yên tâm hơn.
Chị Nguyễn Thị Tuyết. |
Dù đã xác định lấy chồng lính sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhưng chị Tuyết cũng không khỏi chạnh lòng mỗi lúc con đau ốm, mẹ bệnh nặng. Và khó khăn lớn nhất là những lúc mất mát chị không có anh ở bên. Trước Tết, chị đã một mình trong nỗi mất mát con gái thứ hai. Suốt thời gian chị “bầu bí” tới khi sinh con bị thiếu tháng, anh đều đang biền biệt ngoài khơi xa. Em bé ra đời, bác sỹ thông báo chỉ có thể giữ bé thở ôxy trong khoảng 30h. Quá đau đớn, chị đã chấp nhận mất con chỉ sau một giờ con chào đời…
Trong nỗi đau khôn tả, hàng ngày lại đối diện với mẹ mang trọng bệnh, chồng ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, chị Tuyết nhận được rất nhiều sự yêu thương, chia sẻ, đùm bọc từ gia đình, làng xóm nên chị cũng rất tự hào về anh. Chị luôn thầm nghĩ phải cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm của mọi người và với anh nơi đầu sóng.
Chị kể, hồi yêu nhau cứ vô tư lự, dù anh vẫn thường xuyên đi tuần tra và công việc hoàn toàn bí mật nhưng chị vẫn chấp nhận dù biết rằng không có chồng ở bên là đủ điều chông chênh. Nhưng trên hết, chị vẫn tự hào có chồng là cảnh sát biển, những người làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chị Tuyết tâm sự: “Lo thì cũng có lo nhưng phải vững vàng để động viên chồng chứ. Có như vậy, anh ấy mới yên tâm công tác được”. Chị cười, gửi tới chồng lời nhắn gửi nghẹn ngào: “Anh yên tâm, mọi người ở nhà vẫn khỏe. Chúc các anh giữ gìn sức khỏe, không nóng vội. Mong các anh sớm bình yên trở về với gia đình. Mọi chuyện đã có em ở nhà lo liệu, động viên bố mẹ yên tâm”.
Còn chị Đặng Thị Thương (Hải Phòng) - vợ của Trung úy Vũ Văn Kiên cũng là cảnh sát biển trên tàu 8003 thì chia sẻ: Suốt cả tháng trời theo dõi tin tức về biển Đông là gia đình mất ngủ. Bởi lẽ, nhà chồng chị, cả 3 anh em đều là bộ đội. Anh Kiên vừa ra tàu ngày 2/5 thì mấy ngày sau người anh trai cũng trong lực lượng bổ sung ra Hoàng Sa. Họ hàng đều rất nóng ruột, gọi điện tới tấp hỏi đã có tin tức gì của hai anh em chưa.
Hiện người anh trai lớn đã vào bờ, gia đình thường xuyên cập nhật được tin của anh Kiên nên cũng bớt phần lo lắng. Mẹ con chị Thương đang ở nhờ bên ngoại ở TP.Hải Phòng để đợi ngày sinh cháu thứ hai. Tâm sự với phóng viên, chị tự hào khoe con gái lớn của chị, bé Vũ Ngọc Anh giống cha như đúc…
Nỗi niềm những người mẹ kiên cường
Bà Nguyễn Thị Tình (67 tuổi, ở Kiến Xương, Thái Bình) - mẹ của anh Hà Văn Dũng (tàu Kiểm ngư 8003) kể: Dũng là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. Suốt một tháng ròng không tin tức của con trai, bà Tình hàng ngày nghe đài, xem tin tức trên ti vi khóc ròng vì thương con, đã sút 2kg. Cho mãi tới cuối tháng 5 vừa rồi, tàu anh Dũng vào cảng Đà Nẵng mấy ngày để sửa chữa và lấy nhiên liệu, anh mới gọi điện được về nhà.
Vì hoàn cảnh riêng, vợ con anh vẫn ở nhà thuê ở Hải Phòng nên cha mẹ ốm đau đều trông vào 4 chị gái lấy chồng gần nhà sớm tối lo liệu. Bà Tình bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, chồng bà bị suy tim. Khi con trai gọi điện về, dù nuốt nước mắt vào trong nhưng bà vẫn động viên con yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, bố mẹ ở nhà vẫn ổn…
Bà Hoàng Thị Thuệ (Quảng Bình): “Tôi muốn là hậu phương vững chắc cho các con nơi đầu sóng”. |
Gia đình bà Hoàng Thị Thuệ (66 tuổi, thị trấn Ba Đồn, Quảng Bình) là một trường hợp đặc biệt. Bà Thuệ là mẹ của ba kiểm ngư viên Trần Tuấn Minh, Trần Minh Tuấn và Trần Hoàng Hải, đều đang làm nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa. Khi chuẩn bị nhận công tác, các anh chỉ nói: “Mạ ơi, kỳ ni con đi biển. Chúng con đi làm nhiệm vụ, bọ mạ yên tâm giữ gìn sức khỏe. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ,chúng con sẽ lại về”. Dù vậy, kể từ khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Tổ quốc, chẳng mấy đêm ông bà yên giấc.
Bất chợt trong một đêm giữa tháng sáu, chuông điện thoại reo đánh thức giấc ngủ vốn khó khăn của hai ông bà, thật không ngờ là điện thoại của anh Trần Tuấn Minh (kiểm ngư viên tàu 634): “Con vẫn khỏe, tàu con bị móp hai bên hông. Con phải cập cảng Đà Nẵng sửa chữa, bọ mạ cứ yên tâm”.
Nhận được tin con, ngay trong đêm bà Thuệ bắt xe từ Quảng Bình vào Đà Nẵng để tranh thủ chút thời gian quý báu gặp con. Sáng hôm sau, vợ và con anh Tuấn Minh cũng bắt xe khách từ Hải Phòng vào để gặp chồng.
Vừa gặp lại mạ sau những ngày dài đối đầu với những hiểm nguy, Tuấn Minh chạy lại quàng tay ôm mạ rồi đi quanh ba vòng. “Các con của mạ bất kỳ khi nào đi công tác về đều đến ôm quàng mạ rồi đi quanh mạ ba vòng. Chúng đều nói “Con thích sống trong vòng tay của mạ” - bà Thuệ chia sẻ. Vì gặp con trai trước khi vợ con anh từ Hải Phòng vào nên bà giục con đi cắt tỉa đầu tóc cho vợ con đỡ… xót lòng. Nghe lời mẹ, anh chạy đi “sửa sang” tinh tươm và về khoe như đứa trẻ: “Mạ thấy con trai mạ đẹp trai chưa?”. Lần ấy, anh Tuấn Minh được bố trí lên bờ 8 tiếng cùng gia đình rồi lại mau chóng ra khơi.
Cũng thật trùng hợp khi tàu KN 634 vừa rời bến thì điện thoại bà Thuệ lại reo, đó là cuộc gọi của anh Minh Tuấn, một người con khác của bà là kiểm ngư viên trên tàu KN 629 cũng vào bờ để sửa chữa. Khi tàu Minh Tuấn cập bến, vợ con anh đã chờ sẵn. Vừa thấy chồng, vợ anh khóc nức nở vì thấy chồng mình tóc tai, râu ria xồm xoàm, da đen cháy.
“Dù thấy con gầy và đen đi nhiều nhưng tôi vẫn đùa: “Gớm, may mắn lắm mới được gặp ông Tây như thế này, khóc gì mà khóc”. Thế là tất cả chúng tôi từ Minh Tuấn, vợ con hắn và tôi cùng cười” - bà Thuệ vui vẻ kể về cuộc gặp người con trai thứ hai.
Trong những cuộc gặp hiếm hoi đó, hai anh Minh Tuấn và Tuấn Minh kể chuyện bị tàu Trung Quốc đâm thủng mạn thuyền, rạn dưới khoang máy, nên anh cùng các đồng đội phải lấy áo quần trám lại để kịp vào bờ sửa chữa. Giấu những giọt lệ trong lòng, bà Thuệ chỉ nói: “Vết thương của tàu cũng như vết thương của con, nhưng các con hãy kiên trì bám trụ. Mạ muốn mình là điểm tựa cho các con vững lòng nơi đầu sóng”.
Trong những ngày “đất nước nơi đầu sóng” này, những người vợ, người mẹ dù nước mắt nhạt nhòa trong nỗi lo lắng quặn thắt nhưng khi nhắn nhủ cho chồng, cho con, trên môi họ vẫn là những nụ cười. Những người vợ, người mẹ mảnh mai mà kiên cường ấy, dù mỗi người mỗi hoàn cảnh vất vả nhưng họ là điểm tựa vững chắc trong trái tim những người lính… Và họ nói, nước mắt chỉ dành cho ngày hội ngộ, trong yên bình và hạnh phúc mà thôi…/.