Phụ nữ và nước. Liên quan ở điểm nào? Thông điệp được đưa ra tại Tuần lễ Nước thế giới được tổ chức ở Stockholm (Thụy Điển) cho thấy, tất cả chúng ta cần có nước để tồn tại, nhưng nước sạch đối với phụ nữ có nhiều ý nghĩa hơn là nước chỉ để uống, nấu nướng và tưới tiêu. Phụ nữ thường phải đảm nhận vai trò tích đủ nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ngay cả khi tình hình đã được cải thiện hơn, phụ nữ vẫn thường phải di chuyển xa để lấy nước cho gia đình.
Phụ nữ thường phải đảm nhận trách nhiệm nuôi dạy con trẻ, người già và người bệnh nên họ dễ mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra. Vì vậy, việc vệ sinh cơ bản cũng như được sử dụng nguồn nước sạch hàng ngày là điều kiện tối thiểu quan trọng giúp phụ nữ, những người thường phải chăm sóc bệnh nhân được khỏe mạnh.
Khi các em nữ thiếu nhà vệ sinh sạch thì các em có thể nghỉ học 8 ngày mỗi kì kinh nguyệt, điều này khiến cho các em bị tụt lại trong lớp, thậm chí bỏ học... Có thể nói, nước sạch và vệ sinh được cải thiện đóng góp vào nỗ lực giải quyết bất bình đẳng và có thể có tạo nên những ảnh hưởng tích cực đến tình hình xã hội, chính trị và kinh tế của phụ nữ.
“Sức khỏe của các con tôi cũng như của cả gia đình đã được nâng cao”
Xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một trong những xã được chọn thực hiện Dự án "Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra" (gọi tắt là Dự án CHOBA) do Tổ chức Đông Tây hội ngộ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam thực hiện. Dự án cải thiện vệ sinh và nước sạch này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đặc biệt đối tượng được hưởng lợi nhất là các hộ nghèo, cận nghèo.
Chị Nguyễn Thị Trinh, hội viên phụ nữ ấp Hòa Đặng cho biết: "Được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền về làm nhà tiêu hợp vệ sinh tôi rất phấn khởi, vì làm nhà vệ sinh như vậy mình sẽ không còn đi tiêu bừa bãi nữa, để giữ vệ sinh và không có dịch bệnh".
Năm 2012, Ninh Bình là một trong 10 tỉnh được hưởng lợi từ Dự án CHOBA. Theo Hội LHPN xã Yên Đồng (Yên Mô, Ninh Bình), công tác vệ sinh môi trường ở xã gặp nhiều khó khăn, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của nhân dân chủ yếu là nước giếng đào và nước mưa, nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ rất thấp, phần lớn là nhà tiêu hở.
Trước thực tế đó, Hội LHPN tỉnh và Tổ chức Đông Tây hội ngộ đã quyết định chọn Yên Đồng là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Dự án CHOBA. Và kết quả là: “Trước đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Từ khi được Dự án CHOBA hỗ trợ, gia đình tôi đã xây dựng được nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh giúp nâng cao sức khỏe và đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Sức khỏe của các con cũng như của cả gia đình được nâng cao” - chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Đông Xá, xã Yên Đồng không giấu được niềm vui khi chia sẻ.
Nỗ lực hơn nữa để phụ nữ tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh
Lợi ích từ việc được tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đã thấy rõ, nhưng tiến trình thực hiện Dự án cũng không hề suôn sẻ ngay từ bước đi đầu tiên. Ở xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), những ngày đầu khi mới tiếp nhận Dự án, Ban điều hành Dự án xã cũng gặp không ít những khó khăn trong việc lập danh sách hộ hưởng lợi, nhất là 20% hộ khó khăn trên tổng số hộ toàn xã theo tiêu chí của Dự án.
Ở xã Yên Đồng (Yên Mô, Ninh Bình), cán bộ Dự án gặp không ít khó khăn khi tuyên truyền, tập trung phổ biến các kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường, tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người, đặc biệt là lợi ích của việc xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các thôn, xóm, vì nguyên nhân do kinh tế của người dân còn khó khăn, nhận thức cũng như thói quen về vệ sinh môi trường còn hạn chế.
Hay nói như bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, khi nhìn lại một chặng đường đã qua của Dự án: “Có những nơi, cán bộ Dự án, cán bộ Hội phải đến nhà hơn chục lần, thậm chí là hai chục lần để vận động. Ban đầu, họ còn xua chó ra cắn, từ chối không tiếp, xuất phát từ tâm lý coi thường vai trò của nhà vệ sinh sạch và nước sạch trong sinh hoạt gia đình”.
Theo Tổng cục Thống kê, trong khi Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực cấp nước nông thôn thì hiện vẫn chỉ có 6% tổng số hộ nghèo có thể tiếp cận nước sạch từ trạm cấp nước tập trung. Nhiều hộ nghèo vẫn đang sử dụng các nhà tiêu không hợp vệ sinh như cầu cá gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Các hộ gia đình thu nhập thấp có người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ đơn thân có nhu cầu sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thường là không được đáp ứng. Chính vì thế với vai trò của mình cũng như thành công đã đạt được, mới đây tại buổi lễ công bố và ký kết Dự án “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ - WOBA” (hay CHOBA giai đoạn 3), bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa cùng với toàn hệ thống chính trị theo đuổi mục tiêu mọi phụ nữ và người dân Việt Nam trên khắp các vùng miền được tiếp cận với nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh”.
Dự án CHOBA giai đoạn 3 thực hiện trong 4 năm (2018-2022) tại 5 tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bến Tre với tổng kinh phí 31,7 tỷ đồng sẽ hỗ trợ 20.000 hộ gia đình tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh và 8.000 hộ nghèo và dễ bị tổn thương tiếp cận nước sạch thông qua nguồn tài trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.