Hướng đi mới cho huyện vùng cao
Hồ thủy điện Sơn La có mặt nước rộng hơn 10.000ha, trải rộng qua 8/11 xã của huyện Quỳnh Nhai. Nhận thấy lợi thế này, chính quyền địa phương đã khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ trồng cây hàng năm sang nuôi cá lồng, lựa chọn các loại cá phù hợp với nguồn nước, điều kiện tự nhiên địa phương.
Ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: Nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ bà con vùng lòng hồ sông Đà phát triển nghề nuôi cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như: Tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất; thành lập tổ tư vấn thủy sản, tập huấn, tư vấn hỗ trợ về kỹ thuật, cách phòng dịch bệnh, liên kết tiêu thụ…
Vận động các hộ nuôi cá lồng thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản để được hưởng những chính sách ưu tiên của Nhà nước. Với cách làm đó, nghề nuôi cá lồng ngày càng phát triển dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Nếu như trước kia, cuộc sống của người dân sinh sống ven lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai sống dựa vào cây ngô, cây sắn là chủ yếu. Quá trình gắn bó với nương rẫy bà con thường gặp cảnh được mùa thì mất giá hoặc hạn hán, lợi nhuận kinh tế từ các cây nông sản mang lại không cao, vì vậy cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn.
Từ khi nghề nuôi cá lồng phát triển đến nay đã góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhất là giải quyết được bài toán áp lực thiếu đất sản xuất, bởi hầu hết đất sản xuất của huyện đều bị nước dâng ngập nên khi người dân xuống lòng hồ nuôi cá lồng thì nhu cầu sử dụng đất sản xuất ít đi.
Từ những lồng cá nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay đã tăng lên gần 7.000 lồng cá; với 57 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 1 liên hiệp hợp tác xã thủy sản sông Đà Sơn La. Trong đó, có 46 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, còn lại hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp.
Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai đang khuyến khích phát triển các loài cá đặc sản của sông Đà, nuôi bằng phương pháp sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu sản lượng thủy sản đạt khoảng 2.500 tấn mỗi năm chủ yếu là các loại cá như: Trắm cỏ, chép, lăng, rô phi, diêu hồng, trôi...
Người dân có thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng. |
Xây dựng thương hiệu cá sông Đà
Tuy nhiên, với số lượng lồng cá ngày càng tăng trong thời gian gần đây đã tạo ra thách thức không nhỏ đối với đầu ra sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm cá lồng đang là vấn đề cấp bách được huyện Quỳnh Nhai quan tâm.
Để mở rộng quy mô nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị bền vững, vừa qua huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các xã trong huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã thủy sản, nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo ông Hoàng Tiến Cường, để nghề nuôi các lồng thực sự phát triển bền vững, huyện đã phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua sản phẩm cho bà con với giá hợp lý và ổn định; tập trung xây dựng và quảng bá cá sông Đà ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích các hộ nuôi và thả cá thành nhiều đợt, không tập trung nuôi, thả cùng lúc để luôn đảm bảo cá bán cho người tiêu dùng thường xuyên, bảo đảm quy mô nuôi cũng như mức thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất cũng đang được quan tâm nhằm nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm thủy sản mang tính đặc thù của vùng miền; gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; chú trọng phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo đa dạng sinh học; gắn phát triển nuôi thủy sản với phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La… Cùng với đó, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cá sông Đà.