"Ở đâu cũng là tổ quốc, dân tộc mình"

"Cuộc sống bình yên của chúng ta có được thời điểm này gắn liền với trách nhiệm tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông mình. Chính vì lẽ đó, không chỉ tôi mà rất nhiều tăng ni khác đều có chung một tâm niệm được ra công tác tại Trường Sa để ở lâu dài,vả lại dẫu xa xôi nhưng ở đâu cũng là quê hương, đất nước mình. Việc tu tập và hoằng dương đạo pháp ở trên quê hương, đất nước mình âu cũng là việc hết sức bình thường", Đại đức Thích Giác Nghĩa bộc bạch.
Sau bốn lần ra Trường Sa làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương, Đại đức Thích Giác Nghĩa đã tình nguyện ra đảo trụ trì một trong ba ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa. Trong chuyến công tác ra thăm quần đảo Trường Sa tháng 4/2012, phóng viên báo PLVN đã có thời gian gặp gỡ và trò chuyện với thầy. 
Sư thầy Thích Giác Nghĩa – Đại đức trụ trì chùa Trường Sa lớn
Thưa thầy, thầy có thể cho biết tại sao thầy lại tâm nguyện ra trụ trì một ngôi chùa ở hải đảo xa xôi như thế này?
Sau nhiều chuyến ra quần đảo Trường Sa làm đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, tôi nhận thấy mình cần phải làm một điều gì đó lớn hơn nữa đối với quê hương, đất nước của mình. Cuộc sống bình yên của chúng ta có được thời điểm này gắn liền với trách nhiệm tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông mình. 
Chính vì lẽ đó, không chỉ tôi mà rất nhiều tăng ni khác đều có chung một tâm niệm được ra công tác tại Trường Sa để ở lâu dài,vả lại dẫu xa xôi nhưng ở đâu cũng là quê hương, đất nước mình. Việc tu tập và hoằng dương đạo pháp ở trên quê hương, đất nước mình âu cũng là việc hết sức bình thường.
Ra Trường Sa làm lễ cầu siêu nhiều lần như vậy, hẳn có nhiều kỉ niệm để lại trong thầy nhiều dấu ấn khó phai?
Kỉ niệm xúc động nhất là khi chúng tôi làm lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại các nhà giàn và khu vực đảo Gạc Ma – Cô Lin. Đi qua các nhà giàn và các đảo nổi nhỏ, chúng tôi thấy được rằng, một sự hy sinh rất lớn đối với anh em còn trẻ tuổi.
Đó chính là nỗi xót xa nhất cho chính quê hương, đất nước khi chúng ta mất đi những người con không chỉ ưu tú mà còn đang khao khát cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc. Đó là sự dũng cảm, không màng đến sự sống của bản thân để khẳng định chủ quyền của đất nước trên những hòn đảo. 
Thưa thầy, những khó khăn và thử thách của thầy khi ra đây trụ trì chùa Trường Sa là gì?
Thực ra thử thách thì không có gì đối với chúng tôi cả. Nói như vậy bởi vì chúng tôi là những người tu hành thì vấn đề khổ cực đối với cuộc sống vật chất thì không thể nào được coi là khó khăn cả. Và chúng tôi ra đây, phát nguyện và lễ bái, giúp đời sống tinh thần của anh em, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.
Và cũng là để có thể thường xuyên hơn cầu khấn cho những người con của dân tộc mình đã hy sinh và nằm xuống nơi quần đảo xa xôi này cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi cầu nguyện cho họ được siêu thoát. 
Thưa thầy khi đồng bào ta ở nước ngoài và cả đại diện nhiều quốc gia đến thăm và làm việc tại đảo, thầy đã nói với họ như thế nào về sự xuất hiện của những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa chúng ta?
Việc ra đời của những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa hoàn toàn là một lẽ tự nhiên phục vụ cho đời sống tinh thần của quân và dân trên quần đảo. Có thể nói, từ khi có sự xuất hiện của những ngôi chùa, bà con nhân dân trên đảo rất phẩn khởi, anh em cán bộ chiến sĩ cũng rất thoải mái và thường xuyên giúp đỡ chúng tôi trong nhiều việc, nhất là tiếp đón các đoàn khách đến thăm và tưởng niệm, cầu siêu cho các anh em đã hy sinh.
Khi các đoàn khách nước ngoài, đồng bào Việt kiều ghé thăm và làm lễ tại chùa, nói chuyện với họ, tôi đều nhấn mạnh rằng, cuộc sống với mỗi người dù theo tôn giáo, tín ngưỡng nào thì khi chung một mái nhà, một dân tộc, không có gì khác là mong mọi điều tốt lành, an khang, hạnh phúc đến với mình, với mọi người xung quanh.
Đối với đất nước, chúng tôi mong muốn quốc thái dân an, hòa bình và ổn định cho tương lai. Mọi người cũng đồng ý với tôi về điểm này. Tôi cũng nhắn nhủ với đồng bào trong và ngoài nước rằng, đất nước ta còn đang có nhiều việc phải làm để phát triển đi lên sánh ngang với nhiều quốc gia phát triển, muốn làm được điều đó cần phải có sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trên nhiều phương diện. 
Chùa ở Trường Sa Lớn
Thưa thầy, cuộc sống trên đảo giờ có tiếng chuông chùa, bà con, cán bộ chiến sĩ đã rất phấn khởi, thầy có dự định gì trong thời gian tới?
Chúng tôi ra đây với mong muốn có một việc làm duy nhất, đó là tôi thọ trì, tôi lạy bộ Kinh Pháp hoa một chương một lạy.
Bộ Linh Pháp hoa đó là là hơn sáu muôn lời tất nhiên là hơn sáu muôn lạy. Ở trong đất liền chúng tôi lấy 10 năm nhưng khi ra đây chúng tôi phát nguyện 1 năm chúng tôi lấy một bộ. Chúng tôi lấy như thế vì tôi muốn gửi gắm năng lượng để cầu nguyện cho những linh hồn được siêu thoát.
Xin cảm ơn thầy !
Kỳ Anh (thực hiện)

Đọc thêm