Nhựa và ni lông ra đời đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành tiêu dùng, bán lẻ. Ngày nay, bao bì làm từ nhựa và nilon đã được sử dụng để đóng gói hầu như tất cả các loại sản phẩm được tiêu dùng hàng ngày: thực phẩm, nước uống, hóa chất tẩy rửa, sản phẩm y dược…
Tuy nhiên, trước tình trạng ô nhiễm rác nhựa nghiêm trọng, nhiều luồng ý kiến cho rằng cần phải hạn chế sử dụng bao bì làm bằng nhựa, thậm chí là tẩy chay, kêu gọi sử dụng những vật liệu thay thế có thể phân hủy được.
Bao bì nhựa: lợi hay hại?
Không thể phủ nhận rằng, ngành công nghiệp bao bì đã góp phần làm gia tăng lượng rác thải rắn từ tiêu dùng. Tuy nhiên, bao bì nhựa thực chất đem lại nhiều lợi ích cho các hoạt động của con người.
Theo báo cáo của Tổ chức Bao bì và Môi trường châu Âu (EUROPEN), bên cạnh việc bảo vệ cho hàng hóa, phân biệt nhãn hiệu, cung cấp thông tin và tạo ra sự thuận tiện cho người tiêu dùng, bao bì còn góp phần không nhỏ tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, bao bì nhựa giúp hạn chế tối đa lãng phí do ôi thiu, phân hủy các sản phẩm lương thực, thực phẩm và đồ uống. Đây là cơ sở lớn để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, giải quyết nạn đói, nghèo (mục tiêu số 1 và số 2 của 17 mục tiêu Phát triển bền vững do Liên hợp quốc đưa ra). Không chỉ vậy, sự phân hủy của thực phẩm cũng có thể trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bao bì nhựa mang lại lợi ích nhất định cho cộng đồng |
Bên cạnh đó, với sự gọn, nhẹ và khả năng chống nước, chống khí, chống vi khuẩn, bao bì nhựa giúp cho sự vận chuyển hàng hóa được diễn ra một cách thuận lợi hơn, góp phần làm giảm xả thải từ giao thông vận tải và tiết kiệm năng lượng.
Bao bì cũng khiến các sản phẩm hóa chất khó bị rò rỉ gây hại tới môi trường, đặc biệt là những chất tẩy rửa, xà phòng hay thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh việc in nhãn hiệu, tên sản phẩm và các thông tin cần thiết, hiện nay bao bì cũng là nơi nhà sản xuất thể hiện thông điệp của mình. Nhiều doanh nghiệp, điển hình như các thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã in lên bao bì những lời kêu gọi, hướng dẫn tái chế, giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.
Vấn nạn về cách sử dụng bao bì
Rác thải nhựa – đa số là rác thải từ bao bì – đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới môi trường. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2050, số lượng rác nhựa trong đại dương còn nhiều hơn cả lượng cá. Bên cạnh đó, việc chôn lấp rác thải từ bao bì cũng tạo cơ hội cho những hóa chất tồn dư ngấm xuống đất, làm ô nhiễm đất và nguồn nước.
Ở một số nơi, rác thải nhựa cùng nhiều rác thải rắn khó xử lý khác sẽ được đem đi đốt. Khó xử lý quá thì đốt đi cho khuất mắt, nhưng thực tế chúng chẳng hề biến mất đi đâu cả, mà biến đổi thành những khí thải độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, các bao bì làm từ nhựa không hề có hại nếu như được xử lý đúng cách. Rác nhựa không thể tự trôi ra sông, hồ, biển nếu không có hành vi xả thải bừa bãi của con người. Các dư chất còn dư trong vỏ nhựa cũng không thể gây ô nhiễm đất nếu như bao bì được xử lý sơ trước khi xả thải.
Theo các chuyên gia về vật liệu, bên ngoài những lợi ích kể trên, bao bì nhựa còn sở hữu tiềm năng tái chế rất lớn. Tuy nhiên, theo WEF, tỷ lệ bao bì nhựa được tái chế toàn thế giới chỉ chiếm khoảng 14% - một con số quá nhỏ so với tiềm năng của vật liệu nhựa.
Ở Việt Nam, phần lớn những bao bì nhựa, ni lông không hề được vứt hoặc thu gom đúng cách. Có thể thấy những vỏ chai, vỏ hộp, vỏ bánh kẹo… xuất hiện ở mọi nơi, từ giữa đường phố nội đô cho đến trên cánh đồng, từ rừng núi cho đến biển cả, lịch sự lắm thì cũng trong chiếc thùng chứa lẫn lộn các loại rác thải, cả hữu cơ lẫn vô cơ, cả tái chế được lẫn không thể tái chế.
Bao bì nhựa không được xử lý đúng cách gây hại đến môi trường |
Như vậy, không chỉ gây hại đến môi trường mà chúng ta còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác, trong khi các tài nguyên thiên nhiên thì đang dần cạn kiệt.
Trước thực trạng trên, PRO Việt Nam với 13 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã cùng đặt ra mục tiêu tái chế 100% bao bì được sản xuất bởi các thành viên.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết, Liên minh sẵn sàng chào đón tất cả những công ty và các bên liên quan tham gia nhằm tạo ra những hành động chung, đạt hiệu quả cao hơn so với hành động riêng lẻ.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tái chế hoàn toàn bao bì, PRO Việt Nam đặt ra mục tiêu ban đầu mang tính chất nền tảng là truyền thông thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Lý giải điều này, đại diện của PRO Việt Nam nhận định, chỉ khi người tiêu dùng có ý thức thu gom, phân loại rác thải thì hoạt động tái chế mới có thể diễn ra một cách thuận lợi. (theo TheLEADER)
Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà sản xuất trên thế giới đã sản xuất ra 360 triệu tấn nhựa. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi con số hiện tại trong 20 năm tới.
Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Chất thải nhựa ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng… Bên cạnh đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa đã đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển khiến 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa mỗi năm.
Trước đó, Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo về môi trường với những con số khiến không ít người choáng váng. Rất nhiều người sẽ không thể ngờ về thực tế là hiện có tới 5.000 tỉ chiếc túi nhựa đã được sử dụng trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp.
Cứ mỗi phút trôi qua, toàn cầu tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Ðổi lại sự tiện dụng này là khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, do quá trình phân hủy nhựa diễn ra từ từ, các hạt vi nhựa sẽ xâm nhập vào chuỗi thức ăn và kết tụ ở con người. Giới khoa học đã trích dẫn những nghiên cứu mới đây cho thấy dấu vết độc hại của nhựa trong chất thải của con người ở cả châu Âu và châu Á.
Ước tính lượng rác thải nhựa đổ xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương. Những “đại dương ngập rác” sẽ giết chết những sinh vật biển bởi chưa có giải pháp nào xử lý được, trong khi phải mất rất nhiều thời gian để tự huỷ một cách tự nhiên.