“Nhìn gà hóa cáo” nên bắn nhầm… xác người trôi sông, người nông dân hiền lành trở nên sợ hãi, sinh bệnh tâm thần rồi chết. Liên tiếp chịu những rủi ro không may, người vợ sau đó cũng qua đời, rồi hai đứa con gặp nước cuốn trôi. Gia đình ấy tuyệt tự, không còn một mống người.
Ngôi nhà cũ không còn người sống sót, hiện đã có chủ mới. |
Cả nhà bốn người lần lượt theo nhau chết
Câu chuyện không may này nhiều năm vẫn làm ám ảnh người làng Quyết Thành (thị trấn Quế, tỉnh Hà Nam). Những sự việc kỳ lạ xảy ra với gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, người trong làng. Nhắc lại chuyện cũ, mọi người thường thở dài: “Khổ thân nhà ông ấy, gia đình đang yên ấm tưởng không ai bằng, đùng một cái vì “động” đến “người âm” mà ra nông nỗi nhà tan cửa nát”.
Vào khoảng năm 2005, nhà ông Hùng vốn thuộc hàng khá giả, nề nếp trong vùng. Vợ chồng ông có với nhau hai mặt con, thời điểm đó, người con trai đầu đang học lớp 6, cậu con út vừa vào lớp 3, cả hai đều ngoan ngoãn, thông minh, học rất giỏi, ai tiếp xúc cũng cảm thấy yêu quý. Tuy vợ chồng chỉ làm nông nghiệp, nhưng do giỏi làm ăn vun vén, cuộc sống gia đình luôn dư giả, có của ăn của để, kinh tế nhìn chung khá thoải mái. Cuộc sống cứ thế trôi qua nếu không có biến cố bắt đầu từ một ngày ông Hùng vào rừng.
Đó là một ngày hè oi bức tháng 6/2005, hôm ấy nhân tiết nông nhàn, công việc đồng áng đã tạm xong xuôi, ông Hùng nổi hứng muốn vào khu rừng gần nhà săn mấy chú chim để “thay đổi không khí”. Đến chiều, người vợ thấy chồng trở về nhà khuôn mặt căng thẳng, không còn sôi nổi như mọi khi.
Nghĩ chồng đi về mệt, người vợ cũng không hỏi gì thêm. Nhưng những ngày sau đó ông vẫn tiếp tục đăm chiêu, ít nói hẳn, thường xuyên tránh mặt mọi người. Càng ngày các biểu hiện trên lại càng trầm trọng, ông Hùng tự nhiên còn mắc thêm chứng mất ngủ, đến tận đêm khuya vẫn hay đi lang thang trong nhà lẩm bẩm một mình, nói gì cũng không ai hiểu.
Mọi chuyện kéo dài được khoảng một tháng thì ông bắt đầu có dấu hiệu của chứng rối loạn tâm thần, hay hoảng sợ, nói năng lảm nhảm, hay giật mình, cáu giận vô cớ ngay cả với người nhà. Lúc này người nhà mới hốt hoảng đưa ông đi khám, nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời: Không tìm ra bệnh. Các chẩn đoán ban đầu phần lớn đều chỉ là do mệt mỏi căng thẳng, cơ thể suy nhược gây ra, bác sĩ khuyên gia đình nên đưa bệnh nhân về, chỉ cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng một thời gian sẽ khỏi.
Quả thực ban đầu, sau khi dùng thuốc và ăn ngủ điều độ, bệnh tình ông Hùng đã có dấu hiệu thuyên giảm nhưng chỉ một tuần sau lại đột nhiên trở nặng. Ông không còn nhận ra người quen, kể cả vợ con cũng không nhận ra ai với ai, dần dần trở nên ngẩn ngơ, suốt ngày vật vờ trong nhà như một cái bóng chẳng hỏi han ai, chẳng ai trò chuyện được.
Vài tháng sau, ông Hùng đột ngột lên cơn sốt cao rồi qua đời sau một cơn co giật mạnh. Từ đấy, vợ con ông lầm lũi bảo bọc nhau sống qua ngày, căn nhà một thời rộn rã tiếng cười nay bỗng có vẻ gì quạnh quẽ, u ám, người ngoài rất ngại bước chân vào.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại, ông Hùng mất chưa tròn 100 ngày lại đến lượt hai cậu con trai. Hai anh em rủ nhau đi chơi gần con sông chảy qua làng không may bị nước cuốn đi mất. Quá sốc trước nỗi bất hạnh liên tiếp đổ lên đầu, người vợ cũng đổ bệnh rồi qua đời sau đó ít lâu.
Lỗi lầm bắt xác người phải chết lần thứ hai?
Sau hàng loạt những bất hạnh khó hiểu ập xuống gia đình ông Hùng, trong làng rộ lên câu chuyện lạ, cho rằng xác chết trôi sông chính là lời giải đáp cho những uẩn khúc đằng sau tai họa của gia đình xấu số kia. Sau khi người chồng mất, vợ ông Hùng đã kể cho một người hàng xóm nghe về lý do khiến chồng mình bị ám ảnh đến nỗi đổ bệnh qua đời.
Đúng cái hôm “định mệnh” vào rừng săn bắn “đổi không khí”, ông Hùng đã nhìn thấy một vật gì trôi lập lờ trên khúc sông vắng chảy phía xa dưới con dốc trong rừng. Do từ sáng đến trưa không phát hiện bóng chim nào, vẫn chưa “có dịp” được thử khẩu súng hơi mới mua, ông này giơ súng nhắm bắn vào cái vật đang trôi trên sông mà ông đinh ninh là một “cây chuối mục” ở đầu nguồn chảy về. Không ngờ khi bắn xong, “cây chuối” dần dần chấp chới rồi chìm hẳn xuống nước.
Lúc này “vật lạ” cũng đã trôi gần đến chỗ người đàn ông đang đứng, nhìn kỹ, ông Hùng bủn rủn thấy một cảm giác lạnh người chạy dọc cơ thể. Thấp thoáng những mảnh vải như quần áo người còn phập phồng trên mặt nước trước khi bị vật nặng kia kéo chìm hẳn xuống nước. Kinh nghiệm cho thấy nếu bắn phải khúc cây thì không thể nào nó lại chìm xuống nước một cách bất thường như thế, ông Hùng đoán ngay ra mình đã bắn phải một xác chết trôi sông từ trên thượng nguồn đưa xuống.
Ông sợ hãi vô cùng liền quay lưng bỏ về một mạch, nhưng đến nhà rồi vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh. Lúc nào ông cũng day dứt vì người bất hạnh nào đó đã chết cũng không được “yên nghỉ” vì bị mình bắn nhầm, bắt đầu sinh ra hoang tưởng, thường xuyên kêu ca với vợ. Thỉnh thoảng trong lúc ngủ ông lại mơ thấy xác chết trôi trong rừng rồi hoảng loạn la hét.
Càng ngày giấc mơ với hình ảnh đáng sợ ấy càng xuất hiện nhiều lần khiến người đàn ông mệt mỏi, suy nhược. Thành ra dần dần ông cũng không dám ngủ vì cứ chợp mắt lại nghĩ đến người xấu số tội nghiệp kia.
Người dân xâu chuỗi các sự kiện lại càng chắc như đinh đóng cột cho rằng: Do vô tình bắn phải người đã chết, động đến vong linh khiến “nó” không “siêu thoát” được nên quay về hại cả gia đình ông Hùng. Suốt một thời gian, người dân làng Quyết Thắng đã tin vào câu chuyện ma mị liên quan đến cái xác vô danh trôi sông như vậy.
Gia đình tuyệt tự
Trao đổi với phóng viên, cụ bà hàng xóm của gia đình bất hạnh này cho biết, vốn dĩ khúc sông chảy qua khu vực này thuộc phía hạ lưu nên thỉnh thoảng vẫn có người trượt chân, tử tự… nơi đầu nguồn, nhưng xác thì trôi xuống tận đây.
Người dân đều đã quen với việc đó nên không quá hoảng sợ. Nhưng vô tình nổ súng vào xác chết như ông Hùng thì xưa nay chưa xảy ra, có thể ông này đã bị ám ảnh đến mức hoang tưởng, dẫn đến căng thẳng suy nhược thần kinh, lâu dần thành tâm bệnh không thể chữa được rồi qua đời. Điều quan trọng nhất nhưng không ai xác minh được là “vật lạ” trên sông bị ông Hùng bắn phải có đúng là xác người hay do ông này sợ quá mà “thần hồn nát thần tính”?.
Vụ tai nạn của hai người con sau đó nếu đặt trong trường hợp khác có lẽ đã không gây hoang mang cho mọi người, vì trẻ em thường rủ nhau tắm sông trong những ngày nắng nóng, thi thoảng vẫn xảy ra tai nạn đuối nước gây tử vong. Nhưng với gia đình ông Hùng, người dân lập tức liên tưởng đến cái chết của người cha và xác chết trôi sông, dẫn đến lời thêu dệt về việc những người trong nhà này chết do bị oan hồn “dẫn dụ”.
Tiếp đó lại đến cái chết của vợ ông Hùng, những đám ma liên tiếp và đột ngột khiến người làng không khỏi bàng hoàng, nhiều người không tin vào sự trùng hợp ngẫu nhiên và cố đi tìm một lời giải thích, dù rất mơ hồ, không căn cứ.
Họ hàng ông Hùng ngày đó đều làm ăn xa, sau cái chết của người vợ, cũng là người cuối cùng trong gia đình này, họ về làm đám ma rồi sau đó lại đi. Ngôi nhà được bán cho một người ở nơi khác tới ở, chủ mới hiện tại đã nhiều tuổi, sống một mình và chỉ biết mang máng về cái chết của người chủ cũ là do bệnh tâm thần, từ khi đến ở người này cũng không thấy việc gì bất thường.
Rất có thể do không có người thân thích, không có người “đính chính” nên câu chuyện ma mị bị đồn thổi về gia đình bất hạnh này đã lan nhanh với tốc độ “chóng mặt” và tồn tại suốt một thời gian dài như vậy.
Đông Dương