“Đại dịch chấn thương tâm lý”
Những ngày vừa qua, nhiều người xúc động trước hình ảnh trong đoạn clip ghi lại cảnh bé gái 20 tháng tuổi òa khóc đòi mẹ bế khi thấy mẹ chống dịch trên ti vi. Theo người nhà, mẹ bé là bác sĩ Bệnh viện 103 đi tăng cường chống dịch ở Bắc Giang. Bé vẫn còn đang bú sữa mẹ nên mẹ đi bé nhớ mẹ lắm. Đang chơi vui nghe thấy tiếng mẹ trên ti vi, bé cứ khóc rồi giơ tay đòi mẹ bế.
Đoạn clip đã khiến nhiều người rơi nước mắt vì tình mẫu tử thiêng liêng và sự hy sinh của những y, bác sĩ ở tuyến đầu. Đồng thời qua đó cảm nhận rõ hơn sự khốc liệt của dịch bệnh Covid-19 cũng như ảnh hưởng của nó tới tâm lý trẻ em.
Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới, trẻ em đang phải vật lộn với “đại dịch chấn thương tâm lý” giữa khủng hoảng Covid-19. Ở nhiều nước, các bác sĩ cũng ghi nhận xu hướng trẻ em tự tử gia tăng. Các bác sĩ tâm thần nhi khoa ở Pháp cho biết họ cũng đang chứng kiến số trẻ mắc hội chứng Tic (rối loạn vận động, âm thanh) và rối loạn ăn uống liên quan đến dịch Covid-19 ngày càng tăng.
Ngoài ra, nhiều trẻ còn bị ám ảnh nhiễm virus, chúng rửa tay diệt khuẩn quá nhiều đến nỗi chảy máu, bôi gel khử trùng lên khắp cơ thể và sợ nhiễm virus từ thức ăn. Nhiều triệu chứng khác cũng đang rất phổ biến, như hoảng loạn, tim đập nhanh và các triệu chứng đau đớn về mặt tinh thần khác. Nhiều em bị “nghiện” thiết bị di động và màn hình máy tính trong thời gian phong tỏa, giới nghiêm và đóng cửa trường học…
Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) thống kê 5 phương diện chính có sức ảnh hưởng lâu dài đến trẻ em toàn thế giới do đại dịch Covid-19, đó là nạn đói, giáo dục, bạo lực, lao động trẻ em và sức khỏe. Theo đó, đại dịch đã ảnh hưởng, thậm chí là ở mức độ nghiêm trọng đến sức khoẻ, cuộc sống, sự an toàn của các em.
Ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các chuyên gia cho rằng đại dịch đang gây ra một cú sốc lớn cho trẻ em. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội, đó chính là stress. Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp nặng là stress mạnh, sốc có thể gây hậu quả lớn.
Cố gắng giảm căng thẳng cho trẻ
Là người chủ động tình nguyện cách ly cùng học sinh Trường Tiểu học Xuân Phương và có trải nghiệm về thực trạng trẻ em sống trong khu cách ly và những tác động tới thể chất và tinh thần, bà Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ: “Những ngày đầu cách ly, việc thu xếp cho các con ăn nghỉ và làm các thủ tục xét nghiệm làm tôi và tất cả đồng nghiệp cũng như các bậc phụ huynh học sinh ăn không ngon, ngủ không yên, nên thực sự không ai để ý nhiều đến tâm lý các em. Học sinh phần lớn là buồn, có con nhớ nhà, nhớ bố mẹ đã bật khóc, các cô và các phụ huynh khác phải dỗ dành. Thương các con tôi luôn phải cố kìm nén cảm xúc của mình lại”.
Có ba con nhỏ đã phải nghỉ hè sớm và chỉ được hoạt động trong nhà, không thể đi học hay tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại hay thể thao, NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Việc cách ly không chỉ là thử thách với trẻ em mà còn là thử thách với người lớn. Nếu người lớn cảm thấy khó khăn bao nhiêu, trẻ em còn khó khăn hơn rất nhiều. Chính người lớn phải có tinh thần lạc quan thì mới có thể có tác động tích cực lên các con. Bố mẹ hãy dành thời gian có chất lượng cho con bằng việc chơi với con toàn tâm toàn ý, bố mẹ sẽ thấy được sự phát triển của con và con cũng cảm thấy không nhàm chán”.
Từ góc độ chuyên gia tâm lý đã có nhiều năm làm công việc tham vấn, tư vấn tâm lý trẻ em, chuyên gia Nguyễn Hà Thành đưa ra một số lời khuyên để chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho trẻ em: “Khi ở trong nhà quá lâu, trẻ em cũng có thể gặp phải những căng thẳng kéo dài dẫn đến vấn đề tâm lý. Chúng ta dù có nỗ lực đến bao nhiêu, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Bố mẹ cũng có thể trò chuyện, chia sẻ với các con về những cảm xúc của mình một cách khéo léo, phù hợp với khả năng hiểu của trẻ, để trẻ học cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ, gia đình”.
Theo chuyên gia Nguyễn Hà Thành, về khía cạnh truyền thông, còn khá ít chương trình truyền thông về đại dịch cho trẻ em. Hiện nay, trẻ em đang nghỉ học rất nhiều, vì vậy nên có những chương trình truyền thông thân thiện, gần gũi hơn với trẻ em để các em nhận thức được các em cần làm gì, các em hiểu được trách nhiệm của mình. Điều này sẽ giảm thiểu những căng thẳng tâm lý, những điều bất ngờ ập đến với các em. Bố mẹ có thể cùng con thảo luận các phương án kịch bản bị cách ly, giãn cách xã hội hoặc thậm chí phải đi cách ly để có các giải pháp tinh thần tích cực cho mọi tình huống có thể xảy ra.