Cụ Bình, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, năm nay 85 tuổi. Dù tuổi cao sức yếu, cụ vẫn rất minh mẫn và hay trêu đùa con cháu. Nơi nào có cụ, nơi đó ngập tiếng cười.
Chị Linh, cháu nội của cụ kể, có lần cụ phải nhập viện vì khó thở. Hai vợ chồng chị vào thăm, có mua táo với nho nhập khẩu. Vừa lôi các thứ ra gọt, cụ đã nói ngay: "Lần sau mày mua cho bà hộp gà tần nhé, bà thích nhai cả xương, ăn vào cho có canxi. Chứ bà sợ ăn mấy cái đồ ngoại này bị vô sinh lắm". Câu nói của cụ khiến bác sĩ đang khám cho bệnh nhân cũng phải phì cười.
Chị Linh kể dịp Tết vừa rồi, cậu út ở miền Nam ra đoàn tụ cùng gia đình sau 5 năm vào đó lập nghiệp. Vừa nhìn thấy con, cụ đã hồ hởi: "Đúng là đi Tây có khác, tắm nắng da đen sạm. Dạo này mắt tao kém hay sao mà nhìn thấy có mỗi bộ răng của nó". Thực ra, cậu của chị Linh vào trong Tây Ninh, chứ không phải xuất ngoại. Cụ bảo "tao gọi thế cho sang, cho mấy ông bà hàng xóm tha hồ ghen tị".
Nhiều lần cụ hơi hắt hơi, sổ mũi tí nhưng cũng đòi vào viện. Cụ thích vào trong đó hơn ở nhà vì có bạn bè nói chuyện, quen được nhiều người. Cụ gọi mấy cái phòng bệnh là "điểm hẹn văn hóa", và những người bạn mới là "những tay chém gió thượng hạng".
Chị Linh chia sẻ mấy năm nay, bà chị thích ăn thạch trẻ em. Đi tới nhà nào có món này, bà cũng thủ vài cái vào túi. Nhưng bà ngại nói với con cháu nên cứ lén lút lúc không có ai để ăn. Có lần chị bắt gặp nhưng giả vờ không thấy, đi chỉ giậm chân mạnh hơn một chút, bà vội vàng giấu ngay cái thạch ăn giở vào túi, rồi quở chị "Mày làm bà tí sặc. Sao dáng đi của mày bà thấy như mấy con vịt đang học duyệt binh".
Các con cháu muốn tổ chức mừng thọ nhưng bà cứ gạt đi, bà nói "mừng xong dễ đi lắm", hàng năm cứ mua bánh gato chúc mừng sinh nhật bà là được. Thế là cứ đến ngày bà "chào đời" mỗi năm, đại gia đình chị Linh lại tụ họp làm mâm cơm, rồi mua bánh cho bà thổi nến. Bà háo hức, vui vẻ như đứa trẻ được quà, nhất định bắt mấy đứa chắt phải hát bài "Háp pi bơ dây" cho đúng thủ tục.
|
Bà của chị Quỳnh Anh luôn tạo không khí vui vẻ cho cả nhà vì tính hài hước, thích trêu mọi người. |
Cứ nhắc đến bà nội là chị Quỳnh Anh, ở Văn Phú, Hà Đông, lại kể cả một series chuyện cười. Chị gọi bà là một kho tàng chuyện hài, có thể in thành tập. Bà năm nay 85 tuổi, lưng còng nhiều nhưng vẫn khỏe, minh mẫn. Mỗi lần con cháu về nhà, ai cũng cố chào thật to vì sợ bà không nghe rõ. Vừa chào xong bà đã đáp lại luôn: "Mày chào tao hay mày đang quát tao đấy".
Năm ngoái, chú chị dẫn con rể tới ra mắt bà. Sau này khi cả nhà ngồi ăn cơm với nhau, bà mới kể: "Hôm đó tao tưởng thằng Tuấn là thằng đưa bình ga, may quá không hỏi, không nó lại bảo bà vô duyên".
Chị Mai, ở Hòa Bình, kể chuyện bố mình, ông Hùng, 73 tuổi, nổi tiếng khắp xóm về tính dí dỏm. Có lần ông bị mê man mấy ngày, khi tỉnh dậy chị vào hỏi: "Ông có nhận ra con không?", ông vừa thều thào, vừa nói, không quên pha chút tếu táo như thường ngày: "Cha bố cô, tôi là người tạo ra cô mà không nhận ra thì ông hàng xóm cướp mất à?".
Ông Hùng thích tiền lắm, nhưng phải là tiền mới coong. Tết ai mừng xấp tiền lẻ mới là ông vui ra mặt, cứ lôi ra đếm đi đếm lại cả ngày, xong cho vào cái hộp sắt cất đi chỗ nào không ai biết. Đi chơi ông thích đeo cái ví kẹp được vào thắt lưng, đầu tóc bóng bẩy, ông bảo "ví dầy các bà nhìn là mê ngay".
Chị Mai kể ngày xưa khi mẹ chị còn sống, hai ông bà sáng nào cũng dắt nhau đi dạo. Giờ bố chị vẫn giữ thói quen đó, dậy sớm và đi bộ quanh cái khuôn viên nhỏ ở nhà. Ông bảo phải tập để có sức khỏe, chứ không "mẹ mày về cầm tay và đưa lối, là bố méo mặt. Bố vẫn còn thích đi uống cà phê, đi du lịch, chưa muốn đi dạo với Diêm vương".
Cụ Hòa, 82 tuổi, ở Lạc Trung, Hà Nội thì thường khiến cả nhà nín cười vì sở thích diện đồ đặc biệt. Quần áo của cụ chỉ một màu đỏ, kèm theo nhiều khuyên tai ngọc trai, vòng cổ con cháu tặng.
"Có lần cả nhà bảo đi chơi, thấy cụ loay hoay mãi ở trong phòng không xuống. 30 phút sau cụ mới xong, xuất hiện với cả cây màu đỏ, từ mũ, váy lụa cho tới cả đôi giày, đeo cả chùm hạt ở cổ. Cụ bảo đây là mốt năm nay khiến cả nhà buồn cười quá nhưng không ai dám ho he", chị Dung, cháu cụ kể lại.
Cụ Hòa rất hay để ý và đặc biệt thích cách ăn mặc của một cô bé hàng xóm đối diện. Thấy cô bé có đồ gì đẹp, từ cái áo, đôi giày hay chiếc túi đeo, vừa mắt cụ là cụ hỏi ngay địa chỉ mua và bắt các con tới mua cho bằng được. Chị Dung kể cả nhà khốn khổ vì sở thích này, vì nhiều khi tìm mãi không được đồ. Còn mỗi khi có đồ mới là cụ thích diện luôn, dù mấy đồ khoác lên người không ăn nhập gì với nhau. Mọi người trong nhà còn đặt biệt danh cho cụ là "vợ Đông ki sốt".
Anh Long, ở Nam Định, kể bà anh rất thích xem thời sự và chương trình "Ai là triệu phú". Cứ mỗi lần MC Lại Văn Sâm giơ tay chào và nói: "Xin chào quý vị và các bạn, chúng ta lại gặp nhau trong chương trình...", bà anh cũng giơ tay vẫy lại: "Chào anh Sâm" rồi ngồi cười một mình.
Bà còn có sở thích xem phim dài tập, nhưng chuyên ngủ gật khi đang xem. Cứ 5-10 phút là lại gà gật. Mỗi khi có ai hỏi: "Bà ngủ à", bà bừng tỉnh rồi bảo "Tao có ngủ đâu, tao vẫn đang xem", nhưng chỉ được một lúc rồi đâu lại vào đấy. Bà cứ vừa xem vừa ngủ như thế cho tới khi hết phim, chứ không bao giờ chịu vào giường nằm.