Cả tuổi thơ em đầy ắp bóng dáng của ông bà
Đó là câu chuyện của Nguyễn Hương Ly – một cô gái trẻ vừa tham gia kỳ thi đại học vừa qua với mong muốn thật giản đơn “đỗ đại học để tổ chức đám cưới cho ông bà ngoại”.
Từ khi ra đời, Ly chưa từng biết mặt bố mình là ai, rồi người mẹ cũng lặng lẽ gói đồ đạc bỏ đi xa. Ly lớn lên với ông bà ngoại năm nay 77 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội.
6 tuổi, cô gái nhỏ bắt đầu biết đến sự tủi thân khi thiếu vắng tình yêu thương của mẹ cha. Thương cháu, ông bà Thục làm đủ nghề vì mục tiêu lớn nhất cuộc đời là Ly phải được đi học. Đến giờ, ngồi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, bà Thục vẫn thường nhắc nhở cháu: “Mười phần khó nhọc, khổ sở nuôi cháu lớn khôn đều là công của ông”.
Trong trí nhớ của bà, ông khi ấy đã hơn 60 tuổi, ngoài thời gian nấu rượu, nuôi lợn, vừa phải tất bật ninh gạo, cho vào vải xô, vắt lấy nước vì thương cháu khát sữa. Còn bà Thục vẫn ngày ngày đi buôn thêm vài ba lạng chè khô, thuốc lào để kiếm đồng ra, đồng vào.
Cả tuổi thơ của Ly đều đầy ắp bóng dáng của ông bà, từ bữa ăn đến giấc ngủ.Từ mẫu giáo đến cấp 2, ông là người luôn đưa Ly đi học. Lên lớp 10, dù trường cách nhà hơn chục cây số nhưng nắng hay mưa ông đều đón Ly không thiếu một ngày. Sau này có xe bus chạy qua xã, ông vẫn đều đặn hàng ngày ra điểm dừng xe bus để đứng chờ cháu gái.
Không phụ lòng ông bà, nhiều năm liền Ly đều là học sinh giỏi môn Tiếng Anh của THPT Mỹ Đức A. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Ly đăng ký 6 nguyện vọng vào chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Đức của ĐH Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Những ngày Ly ôn thi đại học, ông bà đã thay đổi giờ giấc, thói quen sinh hoạt vì cháu. “Sang lớp 12, càng gần ngày thi em càng cảm thấy mệt mỏi và áp lực. Có hôm tan học cũng đã 8-9 giờ tối, ông bà vẫn đợi em về ăn cơm cùng. Nhiều khi em mệt không muốn ăn cơm, ông bà lại ngồi chờ cho đến khi em hết mệt. Đó cũng là động lực khiến em không thể chùn bước” – Ly kể.
Ước mơ của Ly là đỗ đại học, ra trường đi làm rồi xây cho ông bà một căn nhà hai tầng khang trang. Em còn mong được tổ chức lại một đám cưới thực sự cho ông bà. “Ông bà em trước lấy nhau, ông đi bộ đội chỉ xin nghỉ được một ngày, hôm sau ông phải trả về đơn vị gấp nên không tổ chức đám cưới. Em chỉ mong khi kiếm được tiền sẽ tổ chức đám cưới cho ông bà”, Ly chia sẻ.
“Chẳng biết còn đủ sức khỏe nuôi cháu được đến bao giờ”
Ông Nguyễn Nhật Trường, 63 tuổi và bà Phan Thị Ngãi, 62 tuổi ở khu phố 2, phường 2, thị xã Quảng Trị, thành phố Quảng Trị là hai nhân vật được chương trình “Cặp lá yêu thương” tháng 6/2019 đề cập với mong muốn những tấm lòng hảo tâm tiếp sức cho ông bà nuôi dưỡng cho hai cháu trai khoẻ mạnh, học hành đến nơi đến chốn.
Đáng lẽ đã có những ngày tháng nhàn du vui vẻ tuổi già, song tai nạn đã bất ngờ ập xuống mái nhà bình yên của ông bà khi con trai và con dâu là ngư dân bị lật thuyền, không bao giờ trở về nữa. Bỗng nhiên ông bà trở thành bố mẹ của hai đứa cháu Nguyễn Ngọc Hưng và Nguyễn Ngọc Hiếu. Thương nhất là bé Hiếu khi đó mới có 3 tháng tuổi.
Bà Ngãi quệt nước mắt, chậm rãi nhớ lại những ngày tang tóc đau buồn của ông bà: “Hai vợ chồng con trai ra khơi và bị chôn vùi dưới những cơn sóng dữ. Cháu trai bé, Hiếu khi đó mới 3 tháng tuổi khát sữa, khóc ngằn ngặt”. Nỗi đau mất con, thương cháu khiến hai vợ chồng già tưởng quỵ ngã. Nhưng rồi họ hàng, làng xóm, động viên giúp đỡ nên ông bà cũng gắng gỏi vượt qua. Vậy là hai ông bà một lần nữa trở lại thời nuôi con thơ cực nhọc.
Hơn năm mươi tuổi bà Ngãi lại phải thức đêm, cháo sữa lo cho Hiếu. Ông bà cũng nghèo, ông đi bán vé số dạo, bà thì phụ giúp cho một quán ăn nên thu nhập chẳng đáng là bao. Vì thế Hiếu không được nuôi dưỡng đầy đủ nên suy dinh dưỡng, gầy nhỏ từ bé. Cũng may nhiều nhà hảo tâm, họ hàng, làng xóm thấy cảnh túng quẫn khó khăn của ông bà nên cũng trợ giúp. Hai cháu cũng được tiền Nhà nước hỗ trợ cho trẻ mồ côi 405 nghìn đồng/cháu/tháng.
Bà quay sang vuốt tóc Hiếu, kể: “Ngày ấy thấy gia đình khó khăn quá, các anh cán bộ xã hội đã gợi ý đưa hai cháu vào trại trẻ mồ côi để Nhà nước nuôi. Nhưng vợ chồng tôi thương các cháu đã mất bố mẹ, giờ chỉ còn ông bà, nên dù nghèo cũng cố gắng nuôi cháu cho nó có chút tình cảm máu mủ ruột rà. Vậy là hai thân già lại cố, lại gắng gỏi nuôi cháu”.
Hai anh em Hưng, Hiếu ngoan ngoãn, học giỏi và thương ông bà như bố mẹ. Hưng năm nay học lớp 8, năm năm học tiểu học Hưng đều đạt học sinh giỏi. Lên cấp THCS Hưng đạt học sinh tiên tiến. Hiếu đang học lớp 5 và liên tục đạt học sinh giỏi từ năm lớp 1 đến nay. Hai anh em làm mọi việc phụ giúp ông bà từ tưới cây, cho gà ăn, rửa bát, lau nhà…
Ông Trường kể: “Vất vả nuôi hai cháu nhưng mỗi khi đi bán vé số về, hai cháu chạy ra, Hưng thì rót nước và ríu rít hỏi ông có bán được nhiều không, còn Hiếu thì đấm lưng cho ông, ông thấy vất vả tan biến. Thôi trời lấy mất đi cậu con trai lại đền cho hai cháu trai hiếu thảo, vợ chồng tôi cũng thấy được an ủi. Ngặt nỗi cả hai vợ chồng đều đã già, sức cùng, lực kiệt thu nhập bấp bênh, ít ỏi chẳng biết còn nuôi cháu được đến bao giờ...” - ông bỏ lửng câu nói, mắt nhìn xa xăm.
Bà Ngãi thì vẫn đi làm phụ nấu ăn từ sáng đến tối, ngày được vài chục bạc, bà buồn rầu: “Tôi cũng mệt và yếu lắm rồi nhưng cứ nghĩ nếu mình không đi làm thì lấy gì cho hai cháu ăn nên đành cố. Hai thằng bé đang tuổi ăn tuổi lớn mà cơm cũng chỉ có chút rau mắm, thỉnh thoảng mới có thịt cá. Hưng thì còn tàm tạm, Hiếu thì còi nhỏ quá nhưng biết làm sao”.
… Những câu chuyện về ông bà thay cha mẹ nuôi cháu như hai trường hợp trên đây không phải là hiếm trong cuộc đời này, thậm chí xuất hiện cả trong những câu chuyện cổ tích Việt, như câu chuyện “Cậu bé Tích Chu” với lời gửi gắm của dân gian rằng phải luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình.
Kế thừa truyền thống này, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhấn mạnh vai trò của ông bà, cha mẹ trong sự trưởng thành, khôn lớn của con cháu. Theo đó, “Gương mẫu, yêu thương, động viên, rèn luyện vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ giản dị hàng ngày nhưng rất thiêng liêng và cao cả của ông bà, cha mẹ đối với con, cháu.
Đó là những tiêu chí ứng xử gia đình không thể thiếu được trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, nó là sợi dây bảo hiểm cho sự trường tồn vững chắc của mô hình gia đình mọi thời đại, đó là dòng máu nóng, ngọn lửa thiêng của hạnh phúc gia đình”.