Bị nghỉ phép bất đắc dĩ
Trong tâm thức người Việt, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được cái phúc lớn, có phúc nên mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Việc mừng thọ được các xã, phường và gia đình tổ chức bắt đầu từ mùng 2 và kéo dài đến mùng 6 Tết Âm lịch. Tại đó, các cụ được lãnh đạo chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi, được bà con lối xóm đến chúc mừng, chia vui, tặng quà lưu niệm. Sau đó, lễ mừng thọ cho các cụ còn được con cháu tổ chức ngay tại nhà. Điều này đã gây không ít chuyện dở khóc, dở cười.
Chị Hồ Tâm (35 tuổi, Hà Nội) kể chuyện đầy tâm trạng. Năm nay, bà nội chồng chị quyết định tổ chức lễ thượng thượng thọ 90 với 30 mâm cỗ vào ngày 12 tháng giêng. Khổ nỗi, đại gia đình cụ nghèo, những người làm ăn ở thành phố ở nhà thuê, chỉ tạm đủ ăn, còn lại là ở nhà làm nông nghiệp, công nhân “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”. Vừa lo cái Tết tốn kém, bơ phờ cỗ bàn, nay lại tiếp tục làm 30 mâm cỗ mừng thọ cho cụ khiến đám con cháu toát mồ hôi hột giữa tiết trời xuân.
Chưa kể tới việc tổ chức vào ngày 12 âm lịch làm con cháu bồn chồn không yên. Mùng 8, không ít người phải đi làm ở thành phố, vậy mà tổ chức mừng thọ vào ngày 12, họ chẳng biết tính sao. Khi nghe con cháu bàn bạc tổ chức vào ngày mùng 5 để tiện cho con cháu và tiệc trà cho đỡ tốn kém công sức và tiền của, cụ bà quắc mắt: “Phúc đức lắm tôi mới thọ đến 90, phải tổ chức hoành tráng để cúng tổ tiên và mời bà con làng xóm đến chung vui. Nếu không làm, chắc các người để dành…90 năm sau mới tổ chức thượng thượng thọ cho tôi đấy phỏng? Tôi nghe người ta nói, ngày 12 tháng giêng mới là ngày hoàng đạo, phải làm ngày đó, bất di bất dịch”.
Vậy là chưa xong việc Tết, con cháu lại đôn đáo lo việc thượng thượng thọ. Tiền đã cạn, đại gia đình nhốn nháo chạy đi vay nóng đóng góp tiền mua lợn, mua gà về làm cỗ. Người đóng ít, kẻ đóng nhiều khiến cho cuộc họp tổ chức thượng thượng thọ chẳng khác gì cái chợ.
Chưa kể cái khó của việc phải xin nghỉ làm sau Tết. Ví như nhà chị Tâm, dù là hàng cháu nhưng gia đình chị bắt buộc phải có mặt đầy đủ. Cơ quan anh chị bắt đầu làm từ mùng 8. Từ Hà Tĩnh ra Hà Nội đường sá xa xôi, tốn kém, không lẽ mùng 7 ra Hà Nội, 11 lại lộn về Hà Tĩnh? Nghĩ đi nghĩ lại, chị và chồng đành xin nghỉ “rốn” vài ngày trước sự trách cứ của lãnh đạo cơ quan. Không chỉ gia đình chị, rất nhiều người trong đại gia đình nhấp nhổm không yên vì đợt nghỉ phép bất đắc dĩ này.
Hiếu thảo đâu cứ phải mâm cao cỗ đầy
Tổ chức lễ thượng thọ trong gia đình mình đã mệt, việc tham dự lễ thượng thọ của gia đình sếp còn căng thẳng hơn. Anh Quang Thành (40 tuổi) than thở, vài ngày Tết vừa qua đối với anh chẳng khác cực hình. Số là, quê anh Thành ở Thanh Hóa. Chưa đi chúc Tết được mấy, anh đã phải tất tả bắt xe ngược lên Cao Bằng để dự lễ thượng thọ bố chị phó giám đốc. Sếp mời, chẳng ai dám từ chối dù có muốn hay không. Những người ở Hà Nội thì tập trung thuê vài chuyến xe, còn những người ở tỉnh xa như anh Thành thì tự túc phương tiện đi lại.
Đám mừng thọ tổ chức hoành tráng với 80 mâm cỗ với bao nhiêu việc vặt, đám nhân viên như anh Thành không thể khoanh tay đứng nhìn. Vậy là bất đắc dĩ anh trở thành “phu” của đám cỗ. Vừa dự lễ thượng thọ của bố sếp phó giám đốc, anh lại bắt xe về cho kịp lễ thượng thọ của mẹ anh trưởng phòng công ty cũ tại Bắc Ninh. Sau khi “chạy sô” hai đám thượng thọ chỉ trong vài ngày Tết, anh Thành cảm thấy vô cùng mệt mỏi, hụt hơi.
Ông Nguyễn Phúc, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, có không ít gia đình hễ mừng thọ là bày đặt cỗ bàn linh đình, phong bao phong bì tốn kém như vậy không văn minh, làm giảm ý nghĩa tốt đẹp của lễ mừng thọ.
Theo ông Nguyễn Phúc, chi bằng đến với nhau bằng tình cảm ân tình thì ý nghĩa biết bao nhiêu. Mừng lễ thượng thọ chỉ nên quây quần con cháu trong gia đình. Những người già cảm nhận được tình cảm của con cháu tri ân, còn lớp trẻ cũng hài lòng, xúc động và học tập nếp sống giản dị, thanh cao của các cụ. Lòng hiếu thảo không căn cứ mâm cao cỗ đầy hay giá trị của vật chất mà đặt trên nền tảng sự chăm lo hàng ngày.