Ông bố trẻ Hà Nội bỏ việc đưa hai con lên rừng, xuống biển

(PLVN) - Con trai 5 tuổi đã có hàng chục chuyến khám phá, con gái mới biết lẫy đã ở đảo 2 tháng, anh Tuấn vẫn đang ấp ủ cho con đi nhiều hơn.

10h sáng ngày cuối tuần, Cao Mạnh Tuấn hết đứng lại ngồi trước cơn buồn ngủ của bé Bu, cô con gái 10 tháng tuổi không thích bế nhưng lại thích rúc; không thích vỗ về nhưng phải chạm vào người mới yên. Lăn lộn lên xuống hàng chục vòng, cô bé mới thiu thiu ngủ trên đùi bố.

Không chỉ Bu, bé Dê, 5 tuổi cũng "bện hơi" anh Tuấn. Nửa đêm tỉnh giấc, Dê phải lăn lên người bố mới chịu. "Có thể vì tôi dành nhiều thời gian cho con, bày nhiều trò chơi nên các con quấn bố", anh Tuấn, 42 tuổi, cười nói.

Vừa trở về sau chuyến cứu hộ rùa Côn Đảo được một tháng, anh Tuấn lại đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè được xả năng lượng của hai con. Ảnh: Phan Dương.

Cao Mạnh Tuấn từng là phóng viên của nhiều tờ báo lớn. Ngoài 30 tuổi, anh kết hôn, một năm sau thì có bé Mèo. Nhưng chào đời chẳng bao lâu, bé Mèo bị chẩn đoán mắc hội chứng Down, cùng nhiều bệnh nền, trong đó có ung thư máu. Vợ chồng anh bỏ hết công việc để vào viện chăm con. Mọi nỗ lực ròng rã suốt 6 tháng ròng vẫn không cứu được Mèo. Đứa con đầu lòng ra đi để lại khoảng trống không thể lấp trong lòng anh Tuấn và vợ, chị Lan Phương.

Hai năm sau, đôi vợ chồng trẻ có đứa con thứ hai là bé Dê. Năm Dê gần 4 tuổi, chị Phương bị cắt hai bên tuyến giáp, sau đó nghén nặng khi mang bầu bé Bu. Nghề báo áp lực, hay phải đi công tác, giờ giấc thất thường. Đã có giai đoạn thời gian của anh Tuấn dành cho gia đình luôn phải tranh thủ, vợ con bị xếp phía sau công việc.

Cao Mạnh Tuấn quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. "Mỗi người có một lý do để ngoặt trong đường đời nhưng chuyện con cái thường tạo ra những bước ngoặt cực gắt. Sự ra đi của đứa con đầu khiến tôi nhận ra cuộc đời quá vô thường, nên đến bé Dê, Bu, tôi chỉ muốn được cùng con trải nghiệm hành trình 'lớn lên' nhiều nhất có thể", anh nói.

Từ đó, hàng ngày anh đảm nhiệm việc chăm sóc hai con. Ngoài thời gian này, anh nhận việc làm thêm là quản lý trang mạng xã hội của một đài truyền hình và một số trang chuyên về động vật và du lịch. Chị Phương có nhiều thời gian hơn đầu tư cho việc kinh doanh online.

Gia đình anh Tuấn từng mắc kẹt ở Côn Đảo 2 tháng vì Covid-19. Thời gian đó, họ được trải nghiệm cuộc sống như một người dân đảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bé Dê được 6 tháng tuổi bắt đầu bị bố "xách đi" loanh quanh Hà Nội. Gần như tháng nào hai bố con cũng lên đường. Có tháng đi vài chuyến gần, có khi vài tháng một chuyến đi xa. Năm Dê 3 tuổi, bé được đi Maldives. Ngay khi xuống sân bay, cậu bé lần đầu tiên ra nước ngoài phấn khích chạy và bị lạc, mất 15 phút bố mẹ mới tìm lại được.

Không lâu sau, Dê được tham gia chuyến đi đảo hoang ở Hòn Gội, Quảng Ninh. Cậu bé phải xuyên rừng mới ra được biển, chân tay bị muỗi đốt sưng vù. Ban đầu Dê không dám xuống nước. Vợ chồng anh Tuấn không ép, mà để con tự làm quen. Chẳng mấy chốc cậu bé kết bạn, rồi hòa mình vào cuộc chơi và thậm chí còn tự sáng tạo ra những trò chơi mới như buộc thuyền, thả gỗ.

Qua từng chuyến đi, Dê cao lớn hơn, da đen hơn, chỉ có đôi mắt vẫn to, sáng và mái tóc mượt. Đến nay bé đã đi cả trăm chuyến lớn nhỏ, đặt chân qua 3 trong số 4 "tứ đại đỉnh đèo" phía Bắc và tắm gần như khắp bãi biển từ Bắc chí Nam.

Còn bé Bu, từ lúc vài tháng tuổi đã được đưa về quê ngoại ở Sơn Tây đi khám phá nhiều vùng đầm hồ, sông núi. Cuối tháng 2/2020, vợ bận việc nên mình anh Tuấn "tha lôi" hai con đi Côn Đảo trước. Lúc đó bé Bu mới hơn 5 tháng tuổi, không lạ ai nên được người dân bế đi chơi khắp đảo, nhiều hôm anh Tuấn phải đi tìm về.

Luôn cố gắng tìm không gian và hướng dẫn con khám phá nhiều nhất có thể, lần này anh Tuấn tìm được một resort biệt lập, dẫn con đến một bãi biển ít người, bắt được những con ốc nón, ốc mặt trăng to như chiếc cốc. "Chúng tôi mang rổ ốc ra nhà hàng nhờ chế biến, đến họ cũng phải trầm trồ rằng lâu rồi không còn nhìn thấy những con ốc to như vậy nữa", anh kể.

Covid-19 bùng phát, gia đình anh Tuấn bị mắc kẹt lại đây. Họ chuyển sang sống ở homestay, mua sắm xoong nồi, đồ đạc. Sáng sáng chị Phương đi chợ, nấu ăn, còn ba bố con anh Tuấn, kiếm cần đi câu hay xách xô đi bắt ốc nghêu cũng đủ bữa. "Nhiều bữa thuê cano chạy ra đảo vắng cắm trại, làm tiệc nướng BBQ, ngắm trăng", chị Phương kể.

Thời gian ở trên đảo khiến chị Phương thay đổi quan điểm. Nếu như trước đây chị luôn thích du lịch nghỉ dưỡng "sang chảnh" thì nay đã mê hình thức du lịch trải nghiệm của chồng. "Tôi hiểu và ủng hộ hơn quan điểm nuôi dạy con gần gũi thiên nhiên của ông xã", chị cho hay.

Đầu tháng 5 hết giãn cách, gia đình anh Tuấn quay về Hà Nội. Đầu tháng 6, họ lại bay trở lại Côn Đảo để trải nghiệm tour cứu hộ rùa đã đặt lịch từ trước. Lần này, họ được đưa ra một hòn đảo nhỏ, phải lội qua một khu rừng ngập mặn rồi mới đến một bãi biển cát trải dài, san hô thẫm mầu. Đêm xuống, thủy triều lên, hàng chục con rùa mẹ lên bờ đào ổ và đẻ những ổ trứng có tới cả trăm quả.

"Dê đã được tham gia hoạt động này 3 lần nên rất khoái dẫn các bạn đi đỡ đẻ cho rùa. Những đứa trẻ nâng niu quả trứng đưa về khu vực an toàn để ấp. Sáng hôm sau, chúng dậy sớm, hỗ trợ những chú rùa con mới nở trở lại biển", anh Tuấn kể. Người lớn, trẻ nhỏ được tham gia vào hành trình hàng chục nghìn cây số của loài rùa biển, để rồi 30 năm sau chúng sẽ quay lại chính nơi đây để sinh sôi, duy trì nòi giống. Với gia đình anh Tuấn, trải nghiệm này đặc biệt và có ý nghĩa hơn bất kỳ một tour đắt giá nào.

Công việc hiện tại của anh Tuấn có thu nhập không ổn định và thường chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Song theo ông bố này, để cho trẻ khám phá có rất nhiều cách, mà không phải cứ có nhiều tiền mới đi được. Anh từng tổ chức tour thu hoạch dưa và chơi pháo đất ở Hải Dương, tổng chi phí mất 450.000 nghìn mỗi người. Có đi tour từ Hà Nội - Vân Long - Vĩnh Lộc - Thác Mây (Thanh Hóa) - Hà Nội, toàn bộ chi phí chưa đến 2 triệu đồng trong hai ngày...

Mỗi độ hè sang, anh dẫn con trai đi quanh khu sinh sống để tìm ve. Chỉ cần vài chục lẻ cũng có thể đưa con vào vườn thú tìm hiểu về các loại động vật. Nhiều lần, anh mua cái cần câu vài chục nghìn, cho con ra Hồ Tây câu cá...

"Trẻ con không có khái niệm phải ăn ngon, ở nơi sang chảnh, chúng chỉ cần được chơi, được khám phá, được xả năng lượng, mà điều này chỉ cần bố mẹ có muốn hay không thôi", ông bố hai con chia sẻ.

Bé Bu khi vừa biết lẫy, biết ngồi được lăn lê, bò toài trên đảo vắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngay sau chuyến đi chơi, bé Dê trở lại các lịch học trên lớp và ngoài giờ học thêm các lớp tiếng Việt, Toán, tiếng Anh. Dù không quá quan tâm tới kết quả học tập, vợ chồng anh Tuấn vẫn muốn đầu tư hết sức cho con trong học tập.

Bé Bu cũng được đi nhà trẻ. Ngày đầu tới trường, cô bé 8 tháng tuổi sà vào đồ chơi, không lạ cô, bạn và cũng không hề khóc. Em đâu biết, bố dù ngoài miệng muốn con đi học sớm để "lây bệnh, tăng sức đề kháng", nhưng cả đêm trước đó không ngủ. Tiễn con vào lớp là bố tựa lưng bên ngoài chảy nước mắt.

Đến giờ, anh Tuấn thấy quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con giúp cả gia đình anh được sống sinh động hơn nhưng cái giá phải trả là tương lai cá nhân của vợ chồng khá "mờ mịt".

"Nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ nghỉ việc để làm sống động tuổi thơ của con", người đàn ông hiện sống trong một căn hộ tái định cư, đồ đạc tối giản, nói.

Chỉ có một thứ không tối giản trong ngôi nhà ấy, đó là trải nghiệm.

Đọc thêm