Vượt qua nghịch cảnh, vươn lên khởi nghiệp
Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở xóm Tây Hồ, làng Phò Trạch, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trong vài sào ruộng, nhưng ông Phạm Bá Thu đã viết nên một câu chuyện đời thật đẹp, truyền cảm hứng cho rất nhiều con người về ý chí kiên cường, tinh thần cầu tiến, ham học hỏi của người dân miền Trung.
Nhà nghèo, anh em đông, lại là con trai cả trong gia đình nên từ thuở thiếu thời ông Thu đã bắt đầu với công việc đồng áng, ngày hai buổi, sáng đi học, chiều cắt cỏ chăn trâu nên việc học hành cũng vì thế mà dang dở. Vào tuổi thanh niên, ông tham gia quân ngũ, năm 1981 xuất ngũ ông được điều chuyển về công tác tại Công ty Du lịch Bình Trị Thiên. Từ đó ông tiếp tục vừa đi làm vừa đi học để bổ túc đến tốt nghiệp trung học phổ thông.Đến năm 1993, ông xin nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần rồi trở về với gia đình.
Không trụ nổivới kinh tế nông nghiệp, năm 1994 ông từ giã quê hương khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp, hành trang mang theo là người vợ và hai con nhỏ. Vượt qua bao gian khó, không quản ngại mưa nắng, sớm trưa với đủ các nghề mưu sinh từ chạy xe ôm, phụ thợ hồ hay sơn nước… Sau hai năm lao động cật lực vợ chồng ông dành dụm được chút ít vốn.
Ông Phạm Bá Thu -GD công ty Thanh Thanh trao quà cho các em học sinh tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. |
Sau một lần tình cờ gặp người anh họ cùng quê đang làm nghề gia công máy bay mô hình làm từ gỗ cây Gòn. Nhận thấy đây là cơ hội, ông đã dùng số vốn dành dụm được đi thuê mặt bằng và mua máy cưa, mua cây gòn về xẻ thành ván rồi bán lại cho người anh họ và một số cơ sở khác như cơ sở Phi Mã, Phượng Hoàng, Hòa Bình, Hải Âu.
Chuyến hàng đầu tiên ông được các đối tác rất khen ngợi, ván Gòn của ông làm sản phẩm bán rất cháy và cứ thế đơn đặt hàng mỗi ngày càng tăng lên. Không đáp ứng đủ sản phẩm cho khách hàng vì thiếu máy móc, nhân lực, năm 1997 ông thành lập doanh nghiệp Thanh Thanh, tuyển công nhân, đầu tư máy móc thiết bị và từ đó ông cũng được mọi người gọi với cái tên thân thuộc “Thu Gòn”.
Khẳng định một thương hiệu
Năm 2006, ông Thu chuyển đổi mô hình Doanh nghiệp tư nhân thành Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Thanh Thanh, bổ sung thêm vốn điều lệ, vay vốn Ngân hàng mua thêm đất ở Hóc Môn, Củ Chi và Đồng Nai, thuê thêm đất kế cận, đầu tư mua máy móc thiết bị hiện đại chuyên dụng,tuyển hàng trăm công nhân lành nghề, xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất và nhà nội trú cho hàng trăm công nhân ở miễn phí.
Hiện nay, với quy mô ba xưởng sản xuất ở Hóc Môn, Củ Chi, Biên Hòa diện tích hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất và gần 600 công nhân làm việc theo quy trình dây chuyền hiện đại, làm ra hàng trăm sản phẩm mỗi ngày như: Tủ đứng, tủ âm tường, bàn tròn, bàn chữ nhật, bàn làm việc, bàn ghế Salon…bằng gỗ sồi, gỗ thông với mẫu mã đẹp, kiểu dáng sang trọng, mang phong cách châu Âu được khách hàng khó tính trong nước và các nước châu Âu ưa chuộng sử dụng để trang trí nội thất trong phòng làm việc và trong ngôi nhà của mình.
Ông Thu cho biết: “Sản phẩm của Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Thanh Thanh hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu theo đơn đặt hàng, mỗi tháng xuất xưởng khoảng 40 container 40feet, giá trị hàng hóa gần 1 triệu USD/tháng. Ngoài ra, công ty ông còn có đội ngũ chuyên viên tư vấn cho khách hàng trong nước về nghệ thuật trang trí nội thất theo phong cách châu Âu hiện đại. Sau hơn 13 năm kể từ khi Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Thanh Thanh ra đời đến nay,chúng tôi vẫn đứng vững và phát triển mạnh mẽ không ngừng tại địa chỉ: 26/3A ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh”.
Tuy thành đạt, nhưng vợ chồng ông Thu sống rất giản dị, tình cảm chan hòa với bà con quê hương, xóm giềng nơi đặt xưởng sản xuất và nơi vợ chồng ông cư ngụ, được chính quyền địa phương xã Xuân Thới Đông và UBND huyện Hóc Môn nhiều năm liền đánh giá là một gương sáng điển hình. Hàng năm, công ty ông đóng thuế đầy đủ vào ngân sách gần 500 triệu đồng.
Ngoài ra ông còn làm công tác từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của công nhân, tặng quà cho người nghèo, giúp đỡ những trường hợp ốm đau bệnh tật ở quê nhà, chia sẻ khó khăn với những gia đình trong Hội đồng hương làng ông tại TP HCM và các tỉnh thành lân cận. Bởi vậy, cho nên trong Cộng đồng Đồng hương làng Phò Trạch cũng như Đồng hương Phong Điền tại TP HCM xem ông như một nhân tố mẫu mực vượt khó vươn lên nên rất nể trọng.