Hằng năm, trước khi bước sang năm mới, các gia đình Việt thường có một nghi thức rất quan trọng đó là lễ sửa bát hương, theo Phật giáo gọi là lễ bao sái. Đây là dịp để gia chủ lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đón năm mới.
Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, bàn thờ là nơi thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì ban thờ là nơi tôn nghiêm nên luôn phải giữ sạch sẽ, gọn gàng.
Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là dịp ông Công ông Táo từ gian bếp của ngôi nhà cưỡi cá chép về trời bẩm báo những việc đã xảy ra trong gia đình suốt cả năm vừa qua. Vì vậy, đây cũng là dịp người dân tiến hành dọn dẹp bàn thờ (bao sái bàn thờ) trong nhà để đón năm mới.
Nhiều người có quan niệm rằng phải chờ sau ngày 23 tháng Chạp, tức là khi ông Công ông Táo đã về chầu trời thì mới được dọn dẹp ban thờ, nếu không sẽ gây kinh động đến thần linh. Tuy nhiên, không có một tài liệu nào ghi chép về điều này và hơn nữa, việc giữ cho bàn thờ sạch đẹp thể hiện lòng tôn kính với các bậc tổ tiên nên trong tháng Chạp bạn có thể chọn một ngày lành bất kỳ để dọn dẹp bàn thờ.
Trước khi dọn dẹp bàn thờ gia tiên, việc đầu tiên cần làm đó là chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên và thắp nén hương thông báo, xin phép tổ tiên, thần linh biết về việc thu dọn bàn thờ. Đồng thời, gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn chải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, bát hương, đèn, nến và đồ trang trí trên bàn thờ. Đợi sau khi hương cháy hết mới bắt đầu công việc.
Bàn thờ và bài vị tổ tiên, bát hương… đều cần lau rửa sạch sẽ bằng nước thơm (thường là ngũ vị hương). Nếu có bài vị của thần Phật thì cần lau trước khi lau bài vị tổ tiên bởi theo quan niệm dân gian, lau bài vị tổ tiên trước là mạo phạm với thần Phật.
Nên lau bài vị trước khi dọn bát hương. Tránh việc rút chân hương và đổ hết tro ra ngoài, nên dùng thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi rửa sạch bát hương. Khi bát hương khô ráo, cần đốt 7 tờ tiền vàng hơ quanh bát hương thần Phật và 3 tờ tiền vàng hơ quanh bát hương tổ tiên.
Tránh không làm đổ vỡ đồ thờ. Đồ thờ cúng trên ban thờ là vật trang trọng nên bạn cần hết sức cẩn trọng khi dọn dẹp bàn thờ.
Trên bàn thờ, nơi quan trọng nhất là bát hương, nơi giáng của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên và cũng thể hiện sự thành kính của mọi người trần thế đối với cõi tâm linh. Vì thế, khi lau dọn bàn thờ nên tránh việc bát hương bị di chuyển.
Khi lau dọn ban thờ cũng thường là lúc thay chân nhang. Sau cả một năm bận rộn với các ngày giỗ, ngày lễ, các bát hương đã khá đầy chân nhang vì thế cần bỏ bớt đi. Bạn hãy lấy thìa xúc ra từng thìa tro nhỏ để bỏ đi. Hãy giữ lại một ít tro và chân nhang, bởi việc đổ hết tro và chân nhang theo quan niệm của người xưa là gây hao tán tài lộc cho gia chủ.