Người dân xã Nhị Bình lâu nay vẫn tự hào “khoe khoang” rằng nhiều năm qua hiếm có chiếc xe cấp cứu nào của bệnh viện về địa phương. Không phải ở đây không có người ốm đau, mà hễ trong xã có ai ốm đau hoặc xảy ra tai nạn dọc đường, đã có xe cứu thương của ông Ba Nhiều đưa đón. Chiếc xe cứu thương miễn phí sẵn sàng phục vụ người dân “mọi lúc mọi nơi”, còn phục vụ rất tận tình.
Ông Ba Nhiều bên chiếc xe cứu thương miễn phí |
Dốc hết tiền tiết kiệm làm việc thiện
Gần 20 năm qua, cái tên ông Ba Nhiều (tên thật là Huỳnh Văn Nhiều, 59 tuổi, trưởng ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM) và chiếc xe cứu thương miễn phí là tấm gương để mọi người cảm phục.
Người đàn ông xấp xỉ tuổi lục tuần niềm nở tiếp chuyện nhưng rất mực khiêm tốn. Ông bảo việc làm nhỏ nhoi của mình có đáng gì đâu mà lên báo. Chia sẻ câu chuyện bản thân, trưởng ấp nhớ lại hồi năm 1995, trong thời gian tham gia hội chữ thập đỏ xã Nhị Bình, không ít lần ông chứng kiến cảnh bệnh nhân đau ốm, nạn nhân bị tai nạn giao thông nhăn nhó kêu la.
Thậm chí tận mắt ông Nhiều chứng kiến không ít trường hợp người bệnh tử vong do được đưa đến bệnh viện chậm trễ. Lý do bởi xe cấp cứu đến chậm hoặc gia đình không đủ tiền thuê xe dịch vụ.
Dịp cuối năm 1995, vị trưởng ấp bất ngờ bàn với vợ con lấy hết số tiền tiết kiệm mua chiếc xe bán tải cỡ nhỏ dùng làm phương tiện cấp cứu giúp người, lúc nào rảnh rỗi lại chở hàng thuê kiếm thêm thu nhập.
Vị trưởng ấp gom toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 50 triệu đem mua lại chiếc xe bán tải đã qua sử dụng. Có xe rồi ông lại tự mình thiết kế, thuê thợ cơ khí hàn thêm chiếc giường nệm và mái xe phía sau: “Khi chở người bị nạn đi cấp cứu lại căng mái che, mở giường còn lúc chở hàng chỉ cần gấp gọn lại là xong”, ông Nhiều cười nói.
Chỉ sau vài tháng mua xe, người nhờ ông đưa đón thân nhân đau ốm, bị nạn đi cấp cứu luôn “kín lịch”. Dần dần chiếc xe bán tải của trưởng ấp trở thành phương tiện cứu thương chủ yếu ở xã Nhị Bình. Thậm chí người dân các ấp, xã lân cận hay tin cũng xin số điện thoại Ba Nhiều phòng khi xảy ra chuyện.
Đến đầu năm 2002 nhận thấy chiếc xe bán tải quá nhỏ lại cũ kĩ, ông quyết định nâng cấp xe cứu thương bằng xe du lịch 16 chỗ. Cũng như chiếc xe cứu thương sơ khai, ông Nhiều mua lại xe cũ rồi nhờ người cải tạo y hệt xe cấp cứu của các bệnh viện, trung tâm y tế. Nếu khác chăng là những vật dụng sơ cứu trên xe ông Nhiều chủ yếu được tận dụng từ đồ cũ như mấy thanh gỗ, nứa dùng để cố định xương gãy, hay tấm nệm ghế ghép lại thành giường chở người bệnh.
Ông tự bạch: “Tôi chỉ có nẹp gỗ, bông và thuốc cầm máu thôi. Chủ yếu mình dùng để tiến hành sơ cứu tạm thời tại chỗ rồi sau đó chuyển bệnh nhân đến bệnh viện”.
Một thời bị oan án “kiếm cơm trên nỗi đau người khác”
Ông Nhiều phục vụ tất cả các đối tượng từ phụ nữ đi sinh nở, người bị tai nạn dọc đường cho đến việc chở tử thi từ bệnh viện về nhà: “Hễ ai có việc cần cứ gọi điện là ông ấy nhận lời, lúc sau xe đã có mặt”, bà Gái, một người dân ở ấp 2, xã Nhị Bình nói.
Ông Nhiều cho hay ngày trước công việc đưa đón rất vất vả bởi một mình ông vừa đảm nhận việc lái xe, vừa trực tiếp sơ cứu tức thời cho nạn nhân. Không ít lần đang ngon giấc, ông phải trở dậy dụi mắt chạy xe gấp, bất kể thời điểm nào trong ngày.
Những năm trở lại đây, nhờ hai người con trai giúp chạy xe nên công việc ông Nhiều đỡ đi phần nào. Dẫu vậy chỉ những lúc nào “bất đắc dĩ” Ba Nhiều mới ngồi yên ở nhà còn không quyết theo xe bằng được. Ông cho rằng các con chưa thể giàu kinh nghiệm bằng mình.
Theo ước tính của người dân địa phương, nếu trong xã có người bệnh cần chở về trung tâm TP.HCM cấp cứu, giá cước thuê xe không dưới nửa triệu đồng: “Bây giờ đi taxi từ đây về dưới phố giá khoảng 500 ngàn đồng. Đó là chưa kể thời gian bị kéo dài do phải chờ đợi xe. Đằng này xe cứu thương miễn phí của ông Nhiều chẳng những nhanh chóng lại không hề mất tiền thuê mướn. Ba Nhiều tốt bụng lắm, nhờ ông ấy nhiều người đã được cứu sống kịp thời”.
Khi được hỏi về chi phí tổ chức đưa đón, trưởng ấp chỉ mỉm cười. Ông quan niệm đã làm việc thiện chẳng nề hà toan tính bao giờ, nếu đã tính toán thì đừng làm.
Theo tính toán của xóm giềng, mỗi chuyến chở người bệnh của ông Nhiều “ngốn” ít nhất gần 200 ngàn đồng xăng dầu. Trường hợp chuyển bệnh nhân vượt tuyến về trung tâm TP tiền xăng dầu có thể gấp đôi. Đó là chưa kể những lần đưa nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, không người thân, ông Nhiều lại móc ví cho thêm tiền thuốc men.
Được biết toàn bộ chi phí trang trải công việc cứu thương miễn phí đều là tiền gia đình ông Nhiều bỏ ra. Bình quân “xe cứu thương Ba Nhiều” hoạt động công suất hơn 10 chuyến vận chuyển mỗi tháng.
Hồi mới mua xe bán tải cải tạo thành xe cấp cứu, nhiều người bàn tán Ba Nhiều “kiếm tiền trên nỗi đau người khác, lấy danh nghĩa làm từ thiện thu lợi riêng”. Khi biết ông không nhận tiền ai bao giờ, người ta lại quay sang bảo Ba Nhiều “có vấn đề thần kinh” mới đem xe nhà đi chở phụ nữ đi đẻ, nạn nhân tai nạn giao thông hay rùng rợn hơn là tử thi thể người chết.
Nói vậy bởi quan niệm dân gian cho rằng những việc làm như trên sẽ mang đến điềm xui cho gia chủ. Tuy nhiên trưởng ấp Ba Nhiều lại không nghĩ thế, ông tâm niệm rộng lượng: “Tôi chỉ quan trọng làm sao giúp đỡ được nhiều người. Đó mới là niềm vui lớn nhất ở đời”.
Theo XA Lộ pháp luật