Ông Phan Văn Mãi: TP Hồ Chí Minh nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 2022 là năm cuối TP HCM thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. TP đang xem xét đề xuất kéo dài thời gian thí điểm hoặc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt. Đó là một vấn đề được Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đặt ra tại Hội nghị cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022 sáng qua (18/2).
Người dân TP Hồ Chí Minh làm thủ tục hành chính tại một cơ quan nhà nước. (Hình: zingnews.vn)
Người dân TP Hồ Chí Minh làm thủ tục hành chính tại một cơ quan nhà nước. (Hình: zingnews.vn)

Ông Mãi ghi nhận nhiều kết quả và mô hình sáng tạo của các đơn vị, đồng thời chỉ ra nhiều hạn chế sau một năm CCHC. Trước dịch, TP rất tự tin nằm trong top đầu của cả nước về chuyển đổi số trong thủ tục hành chính. Nhưng thực tế, khi dịch COVID-19 xảy ra, TP gặp rất nhiều khó khăn về mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở dữ liệu, khung pháp lý để vận hành thông suốt, rõ ràng.

“Dữ liệu có nhưng rời rạc, quy trình, quy chế phối hợp cũng khó. Đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính, phối hợp giữa các cơ quan cũng nhiều khó khăn”, ông nhận định.

Một hạn chế khác là tình trạng một số cơ quan, cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm hoặc năng lực hạn chế; hoặc e ngại trách nhiệm trước những sự việc đã diễn ra tại thành phố thời gian qua. Do đó, việc xử lý còn e dè, tiến độ chậm. Ông Mãi đề nghị cần giải quyết từ hai phía, cả lãnh đạo và cán bộ, để cán bộ tích cực thực hiện chức trách.

Nói về các nhiệm vụ trong 2022, ông Mãi cho biết TP sẽ tập trung vào đề xuất Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP, cùng với đó là tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.

Sau Nghị quyết 54, ông Mãi đưa ra hai hướng TP đang nghiên cứu thời gian tới. Hướng thứ nhất là đề xuất Quốc hội tiếp tục gia hạn, bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 54. Hướng thứ hai là nếu Hà Nội có Luật Thủ đô, TP HCM cũng có thể xem xét đề xuất Luật Đô thị đặc biệt; hay khung pháp lý cho một đô thị đặc biệt “để có chiếc áo vừa vặn hơn”.

Ông Mãi nhận định tác động của CCHC tại TP vượt ra khỏi địa giới của một địa phương. Với vai trò đó, TP càng phải tập trung thực hiện hiệu quả.

Dù đánh giá số hồ sơ giải quyết đúng hạn của TP ở mức cao, trên 99%, nhưng nếu nhìn vào con số sẽ thấy có tới trên 32.000 hồ sơ chậm. Nhận định đây là con số rất lớn, ông Mãi cho rằng nếu 32.000 hồ sơ này toàn việc lớn, tồn đọng lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội.

“Nói tỷ lệ giải quyết hồ sơ hơn 90% nhưng từ khi tôi về UBND thì có hồ sơ tồn tại hàng năm trời. Có người báo cáo là gửi hồ sơ lần thứ mấy chục. Cần phân tích rõ 34.000 hồ sơ này chậm ở đâu và có kế hoạch phân công giải quyết”, ông Mãi nói.

Ông Mãi cũng nhắc nhở Văn phòng UBND TP và Sở Nội vụ chưa hoàn thành một số nhiệm vụ đã giao như chưa trình chỉ thị về quy chế phối hợp giữa các đơn vị, chưa lập tổ công tác theo dõi, đôn đốc CCHC... và đề nghị sớm hoàn thành nhiệm vụ trong tháng 2/2022.

Tính đến tháng 12/2021, tổng số hồ sơ TP HCM đã giải quyết là hơn 17,8 triệu. Trong đó, 99,81% hồ sơ giải quyết đúng hạn (hơn 17,3 triệu hồ sơ), 0,19% quá hạn (hơn 32.000). TP đã thực hiện Thư xin lỗi với 97,02% hồ sơ quá hạn, tập trung vào lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo.

Theo khảo sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM về mức độ hài lòng của người dân, Sở KH&ĐT có mức hài lòng chung cải thiện nhất, từ 34 (2020) tăng lên 47 (2021), tăng 13%; Sở Quy hoạch - Kiến trúc có mức tăng cao thứ 2 với mức tăng 11%, từ 40 (2020) lên 51 (2021). Địa phương ghi nhận mức hài lòng cao nhất là quận Tân Bình (mức 68), quận 6 (mức 67).

Năm 2022, TP phấn đấu Chỉ số CCHC thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ từ 98% trở lên; giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai và lĩnh vực đầu tư, khiếu nại, tố cáo xuống còn dưới 4%...

Đọc thêm