Không đơn giản bởi việc trúng tới 23 tờ vé số là một chuyện xưa nay hiếm mà còn vì thông tin ông Long là người hiền lành, tử tế, dù rất nghèo vẫn ra tay nghĩa hiệp “chống ế” cho chị bán vé số vào giờ “G”. Của “trời cho” sau khi làm từ thiện, cho con cái, ông đưa hết cho vợ cất giữ rồi quay về với công việc quét rác vất vả thường nhật khiến nhiều người khâm phục.
Tuy vậy, khi đến nơi cư trú của “tỷ phú” để tìm hiểu, phóng viên không khỏi bất ngờ về những thông tin thu thập được.
Thành tỷ phú nhờ thương người
Gặp ông Bảy Xèo thời điểm này cực dễ nhưng cũng cực khó. Dễ bởi “tỷ phú” vé số vẫn bám trụ với nghề quyét rác như ngày nào, chỉ cần ra chợ là gặp mặt, song khó do từ hôm đó đến giờ ông rất kín tiếng khi chia sẻ những chuyện liên quan về mình.
Theo một số tiểu thương trong chợ, nguyên nhân là vì, từ khi lên báo chia sẻ chuyện trúng số, “tỷ phú” quyét rác thường xuyên bị người lạ đến tận nhà xin tiền. Người được cho thì không sao nhưng có kẻ không xin được đồng nào thì quay ra chửi đổng khiến cuộc sống gia đình ông bị xáo trộn. Bởi vậy, muốn gặp được “tỷ phú” phải “canh me”, bởi ông rất dè chừng khi tiếp xúc với người lạ.
Đúng như lời cảnh báo của mọi người, ngay khi gặp phóng viên, ông Bảy Xèo tỏ thái độ dè chừng hỏi mục đích cuộc gặp mặt, rồi không để chúng tôi trả lời, ông nói một hơi: “Chuyện trúng số tui đã kể hết rồi. Trừ thuế còn lại hơn 2 tỷ đồng nhưng tui đưa cho vợ giữ cả. Là tui muốn giàu nên mới mua vé số. Tiền đó tui muốn cho ai, tặng ai mặc kệ tui…”.
Nói vậy, song một lúc sau, ông Bảy xèo lại hạ giọng kể như trần tình về cuộc sống của mình cũng như thanh minh những uẩn ức trong lòng. Ông kể, ông là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Mấy anh chị em đều khó khăn nên ai lo phận người nấy. Để có tiền lo cho các con ăn học, vợ chồng ông làm đủ thứ nghề.
Đến năm 2005, ông xin được công việc quét rác trong chợ Thủ Đức B. Tiền công quét dọn chợ chẳng được bao nhưng ông tranh thủ làm nghề chở hàng, bốc vác thuê cho các tiểu thương trong chợ nên cũng có đồng ra đồng vào.
Như bao nhiêu người khác, ông cũng mong muốn có một phép màu giúp cuộc sống gia đình mình sung túc hơn. Ông hiểu, điều đó chỉ có thể đến với mình bằng việc mua vé số nên thỉnh thoảng vẫn mua để cầu vận may. Tuy nhiên, ông không thể ngờ, vận may lại đến khi người ta không nghĩ về nó.
“Một trong những thói quen của người kẻ chợ là rất hay mua vé số, không chỉ để cầu may mà còn là cách giúp đỡ người khác khi bị ế hàng. Hôm ấy tôi cũng mua trong hoàn cảnh như vậy”, ông Long chia sẻ thêm.
Chiều 7/8, ông gặp chị Linh (người bán vé số) để trả số tiền mua vé thiếu hôm trước nhưng gặp phải lúc chị ế hàng. Nghe người bán vé số than thở, đi khắp chợ Thủ Đức, năn nỉ hết “mối ruột” rồi mà vẫn còn 23 vé số nên ông Bảy thương quyết định mua hết cho chị. Nhưng trong túi chỉ có 100 ngàn đồng, ông đành ghi nợ lại 130 ngàn, hẹn hôm sau có tiền sẽ trả. Là mối quen, nên chị Linh đồng ý cho thiếu nợ.
“Vì không mua vé số để trúng thưởng nên đến giờ xổ, tôi cũng chẳng để ý. Khoảng 17h ngày 8/8, chị Linh chạy ùa tới báo, 23 tờ vé số ấy đều trúng hết, là giải khuyến khích, tổng trị giá 2,3 tỷ đồng. Nghe xong, tui mừng run, chạy tìm tập vé số ra dò. Khi biết chắc mình đã trúng số, cả nhà tôi hét lên vì sung sướng. Tất cả giống như là một giấc mơ, chưa bao giờ tui dám nghĩ tới”, ông Long kể.
Những tưởng, trở thành “tỷ phú”, Bảy Xèo sẽ bỏ công việc quét rác dậy sớm thức khuya vất vả để sống một cuộc sống “đẳng cấp” hơn. Thế nhưng, sáng hôm sau, người ta vẫn thấy ông lúi húi quét rác, chở hàng, bưng bê đồ cho mọi người như thường.
Hỏi sao không nghỉ ngơi hưởng thụ thì Bảy Xèo cười tít mắt bảo: “Tui quen lao động bao nhiêu năm rồi, giờ mà nghỉ thấy bứt rứt chân tay khó chịu lắm. Mới lại, mình phải có trách nhiệm với công việc nữa, nghỉ ngang để việc đó coi sao được. Với lại, không lao động chỉ lo hưởng thụ thì tiền núi rồi cũng hết”.
Số tiền lãnh thưởng sau khi trừ thuế, cho con cái và làm từ thiện, ông giao hết cho vợ cất giữ để chi tiêu trong gia đình còn mình vẫn gắn bó với nghề quét rác như xưa.
|
Nhà ông Long ở những ngày này thường xuyên đóng kín cửa |
Liên tục bị làm phiền
Thông tin người quét rác ở chợ trúng số hơn 2 tỷ truyền đi với tốc độ chóng mặt. Bảy Xèo bỗng chốc trở thành người nổi tiếng, được báo chí quan tâm, phỏng vấn. Thời điểm ấy, ông không ngần ngại chia sẻ cuộc sống gia đình và kế hoạch, dự định sắp tới trong niềm vui sướng. Thế nhưng, sự nổi tiếng về của “trời cho” vô tình kéo theo những rắc rối mà gia đình ông không ngờ tới.
Bảy Xèo hắng giọng bực bội: “Tui bảo chỉ trúng 2,3 tỷ mà người ta đồn đến 20 tỷ, rồi cứ tìm gặp xin tiền. Gặp người quen, biết người ta đói nghèo thật thì tui cho, chứ toàn người lạ hoắc là tui từ chối vì có biết họ ngay, gian thế nào đâu. Không đề phòng nhiều lúc mang họa vào thân ấy chứ.
Có người không được tui cho tiền thì tức giận bỏ đi, nhưng cũng có người làm ầm lên bảo tui keo kiệt, bủn xỉn. Mấy người còn tìm đến tận nhà xin, không được thì ra ngoài ngõ chửi ầm ầm như mình thiếu nợ không bằng. Sợ người xấu làm càn, hồi này ở nhà, tui cũng phải đóng cửa, mệt mỏi vô cùng”.
Trao đổi về những thông tin báo chí đã đưa việc ông Long trúng số trong mấy ngày qua, ông Dũng, tổ trưởng khu phố (nơi gia đình ông Long ở) cho hay, việc ông Long trúng 2,3 tỷ là có thật nhưng ông cũng chỉ mới biết sau khi báo chí đưa tin. Về việc làm từ thiện, có thể ông Long không thông báo cho tổ biết, hoặc việc làm ấy chỉ diễn ra ở khu chợ Thủ Đức nên tổ không ai hay biết.
Tuy nhiên, nếu nói gia đình ông Long nghèo khổ là không đúng vì gia đình ông sống trong căn nhà tầng khá thoải mái, có đến mấy xe tay ga. Ông Long đi xe máy cà tàng vì nó thuận tiện cho công việc chở rác, chở hàng hóa nặng, tránh bị mất cắp chứ không phải vì quá nghèo.
Thêm vào đó, mọi thành viên trong gia đình đều có việc làm, kiếm ra tiền. Đặc thù công việc của ông Long phải thức khuya dậy sớm, nhưng cũng là công việc có thu nhập khá.
Về tình hình an ninh trật tự bất ổn trong tổ sau ngày ông Long trúng số có xảy ra nhưng không nhiều. Theo người dân phản ánh, mấy ngày trước có một người đàn ông bị tật ở chân, và một người phụ nữ bán vé số thuộc diện nghèo mấy lần tìm tới nhà ông Long xin tiền nhưng không được. Người phụ nữ thì im lặng bỏ đi, nhưng người đàn ông tỏ thái độ tức giận đã lên tiếng chửi mắng khá lâu.
Cũng theo một số người địa phương, tính tình ông Long khá vui vẻ, nhưng khi uống rượu vào thường hay làm ầm ĩ lung tung. Gia đình ông cũng sống khá tách biệt với mọi người. Sau khi trúng số, ông Long vẫn gặp những người khó khăn trong xóm nhưng không thấy giúp đỡ.