Như PLVN đã đưa tin, sau hai ngày nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và phải dùng đến biện pháp thở máy, khoảng 10h10 ngày 25/8, bé Pi Năng Tuấn Hữu (SN 2013, ngụ xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) đã tử vong. Bé Hữu là trẻ thứ ba tử vong sau tai biến trong đợt phẫu thuật vá sứt môi, hở hàm ếch do OSCA (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 thực hiện sáng 23/8. Hai bé khác là Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (SN 2012) mất ngày 23/8 và Nguyễn Quang Minh (SN 2013) mất ngày 24/8.
Tai biến do sốc phản vệ?
Tại buổi trao đổi với báo chí chiều 25/8, Đại tá, bác sĩ Phạm Văn Tiện (Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 87) cho biết, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ việc có thể các cháu bị tai biến do sốc phản vệ.
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 87, sáng ngày 23/8, ê kíp phẫu thuật của OSCA đã gây mê cho 11 cháu, trong đó có hai bé Tuyết Vân và Tuấn Hữu. Phát hiện hai bé bị tai biến, ê kíp đã dừng mổ. Còn bé Quang Minh được phẫu thuật vào trưa ngày 23/8. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, bé rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, phải chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng không cứu kịp.
Bác sĩ Tiện cho hay, OSCA và Bệnh viện Quân y 87 đã từng phối hợp hai lần vào các năm 2009 và 2012 tiến hành phẫu thuật dị tật cho khoảng 80 trẻ em ở Khánh Hòa. Tất cả các trường hợp đều bị sứt môi, hở hàm ếch và đều thành công. Năm 2014, OSCA và Bệnh viện Quân y 87 dự định thực hiện 56 ca trong hai ngày 23 và 24/8 nhưng xảy ra sự cố.
Mẹ của một nạn nhân đau đơn kể lại sự việc |
Hiện 8 ca đã phẫu thuật thành công đang được theo dõi sức khỏe và đăng ký khám lại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ông Tiện nói: “Sự việc xảy ra ngoài ý muốn, chúng tôi chưa quy trách nhiệm cho ai mà việc cần làm là chia sẻ nỗi đau với 3 gia đình, khắc phục hậu quả và tìm ra giải pháp, tránh xảy ra những trường hợp tương tự sau này”.
Chiều ngày 26/8, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê phụ trách đã có mặt tại Khánh Hòa để làm việc với các bên liên quan về vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm thuốc gây mê, chuẩn bị tiến hành phẫu thuật chỉnh hàm ếch. Trao đổi ngắn với Pháp luật Việt Nam, ông Khuê cho biết sẽ làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Sở Y tế Khánh Hòa, Bệnh viện Quân y 87, đoàn phẫu thuật của OSCA cùng gia đình các bé tử vong.
“Chúng tôi cũng mời các chuyên gia đầu ngành để làm rõ nguyên nhân, tránh xảy ra những trường hợp tương tự sau này” - ông Khuê khẳng định. Dự kiến đến hết ngày hôm nay (27/8), Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo toàn bộ sự việc lên lãnh đạo Bộ Y tế.
Lần đầu tiên xảy ra sự cố đáng tiếc
Chiều ngày 25/8, trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, một trong các bác sĩ thuộc êkip gây mê và phẫu thuật cho 11 trường hợp kể trên, nghẹn ngào: “Chúng tôi đã rất sốc khi sự việc xảy ra. Không ngờ lại xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. OSCA không trốn tránh mà sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi cũng chân thành xin lỗi gia đình 3 cháu nhỏ không may mắn”.
Được biết, bác sĩ Bình là người trực tiếp gây mê cho hai bé Tuyết Vân và Tuấn Hữu. Bác sĩ Bình là bác sĩ chuyên gây mê, công tác trong ngành từ năm 1978, đến khi nghỉ hưu năm 2007 mới tham gia OSCA. Theo bác sĩ Bình, bé Tuyết Vân sau khi được gây mê và chuẩn bị đưa lên bàn mổ thì có dấu hiệu rối loạn nhịp tim nên êkip phẫu thuật nhanh chóng hồi sức, hỗ trợ hô hấp cho cháu. Khi thấy bé Tuyết Vân đã ổn định trở lại, êkip tiếp tục gặp trường hợp tương tự với bé Tuấn Hữu. Quá trình hồi sức không thành công nên cả hai bé lập tức được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nhưng đã không qua khỏi.
Bác sĩ Bình, thành viên của đoàn phẫu thuật OSC. |
OSCA được thành lập vào năm 2007, nhận tài trợ từ các tổ chức ở Mỹ và Đức. Trong nhiều năm qua, đơn vị này đã tiến hành phẫu thuật miễn phí cho khoảng 2.500 trường hợp trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố đáng tiếc. Đoàn phẫu thuật làm việc tại Khánh Hòa của OSCA lần này có 5 bác sĩ, trong khi bác sĩ Bình và một bác sĩ khác tiến hành hồi sức cho hai bé Tuyết Vân và Tuấn Hữu, ba bác sĩ còn lại vẫn tiếp tục phẫu thuật cho bé Quang Minh sau khi đã gây mê. Sau phẫu thuật, nửa tiếng sau bé Minh cũng rơi vào tình trạng tương tự như hai bé Vân và Hữu.
Bà Bình cung cấp thêm, 11 trẻ được gây mê đều sử dụng khí mê Servoframe (có nguồn gốc từ Mỹ) và thuốc gây mê tĩnh mạch Fresfol (có nguồn gốc từ Áo). Cả hai loại thuốc này đều lấy từ kho dược của Bệnh viện Quân y 87, có hạn sử dụng đến năm 2016.
Sáng ngày 26/8, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cùng nhiều ban, ngành, đoàn thể đã đến thăm hỏi, động viên ba gia đình không may có trẻ bị tử vong trong sự cố y tế vừa qua. Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, chị Nguyễn Ngọc Tuyết Sương (mẹ cháu Tuyết Vân) gạt nước mắt nói: “Gia đình rất đau buồn sau vụ việc. Cứ nghĩ sẽ nhìn thấy con mình được xinh đẹp như bạn bè, không ngờ lại như vậy. Gia đình sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến cháu tử vong”.
Đình chỉ hoạt động của OSCA trên phạm vi toàn quốc
Tối 25/8, bà Nguyễn Thị Xuyên (Thứ trưởng Bộ Y tế) đã có cuộc họp khẩn với cán bộ ngành Y tế, có sự tham gia của Sở Y tế Khánh Hòa và các bên liên quan. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Xuyên thông báo đình chỉ hoạt động của đoàn phẫu thuật do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phẫu thuật nụ cười Hà Nội (OSCA) tổ chức đang làm việc tại Bệnh viện Quân y 87 và các hoạt động của Trung tâm này trên phạm vi toàn quốc. Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra thủ tục hành chính, chứng chỉ hành nghề đối với một số thành viên của đoàn phẫu thuật.