Pác Nặm vẫn chưa đủ phòng cho trẻ học

Chúng tôi đã phải đi bộ theo những con đường tưởng lên chân mây để đến với các em nhỏ và thầy cô ở một huyện miền núi tỉnh Bắc Kạn. Trong khi có những công trình đầu tư hơn chục ngàn tỉ mà hiệu quả chỉ là những gì hết sức mơ màng, thì ở nơi này, để các em có thể đi học, 135 phòng học đang phải đi mượn nhà người dân, nhà họp thôn hoặc cơ sở y tế thôn, bản.

 
[links()]Chúng tôi đã phải đi bộ theo những con đường tưởng lên chân mây để đến với các em nhỏ và thầy cô ở một huyện miền núi tỉnh Bắc Kạn. Trong khi có những công trình đầu tư hơn chục ngàn tỉ mà hiệu quả chỉ là những gì hết sức mơ màng, thì ở nơi này, để các em có thể đi học, 135 phòng học đang phải đi mượn nhà dân, nhà họp thôn hoặc cơ sở y tế thôn, bản. 
Những lớp học sơ sài của Pác nặm
Những lớp học sơ sài của  Pác Nặm
Đường vào chân mây
Sáng sớm, ở huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) có độ cao gần 1000 m so với mực nước biển, mây còn lảng vãng quanh các sườn núi. Lúc đó, chúng tôi theo Tỉnh lộ 258 vắt qua đỉnh Phiêng Lủng để đến xã vùng cao Bộc Bố. Bên phía Tây Nam lưng chừng đèo, một người đàn bà đang chỉ huy đàn ngựa chừng năm con nối nhau gùi từng bao tải nặng, chuẩn bị đi vào chân mây. 

Kịp đến và hỏi mới biết chị là Lả Thị Thuận (quê gốc ở Mê Linh – Hà Nội) cùng chồng lên Bắc Kạn thầu xây dựng, đang dùng ngựa chở từng bao tải cát đến bản Phiêng Lủng để cải tạo, xây lại các phòng học đã xuống cấp cho học sinh tiểu học.

“Gạch, cát và các vật liệu xây dựng khác đều phải thuê ngựa leo đèo gùi từng chuyến, cho nhóm thợ xây của chồng đang chờ trong bản Phiêng Lủng, rất tốn công và vất vả”, chị Thuận nói.

Những bao cát này sẽ được gùi vào Pác Nặm theo những con đường chân mây để xây lớp học cho các em
Những bao cát này sẽ được gùi vào Pác Nặm theo những con đường chân mây để xây lớp học cho các em

Từ công trình hơn chục nghìn tỷ đến lớp học dựng tạm

Theo sự chỉ đường của chị Thuận, chúng tôi đến thăm Trường Trung học cơ sở Bộc Bố lúc các em học sinh đang giờ ra chơi. Tạm ngừng công việc của mình, thầy hiệu trưởng Dương Văn Hải dẫn chúng tôi thăm khu “nhà hiệu bộ” được kê tạm một vài bộ bàn ghế đã cũ trong phòng ở của giáo viên dưới xuôi lên.
Năm học 2012 – 2013 này, cả trường có 159 em đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số đang theo học từ lớp 6 đến lớp 9; nhưng trường chỉ có 9 phòng học, còn thiếu 2 phòng học chưa có kinh phí để xây dựng. 
Trước khi bước vào năm học 2012 – 2013, nhà trường phải vận động phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp gỗ, ván và tiền bình quân 170 nghìn đồng/phụ huynh. Cùng với sự hổ trợ của UBND xã Bộc Bố, cả thảy nhà trường nhận được đóng góp 32 triệu đồng, ban giám hiệu đang thuê thợ làm mới thêm 2 phòng học bằng gỗ cho học sinh lớp 6 có chỗ học.
Thầy Hải cho biết, nhà trường hiện có 18 cán bộ, giáo viên, nhưng chưa được đầu tư xây nhà hiệu bộ, chưa xây nhà công vụ và chưa có phòng chức năng; dụng cụ học tập phục vụ cho học sinh còn thiếu, nhất là học sinh khối 6 thiếu rất nhiều. 
Ngồi uống trà trong khung cảnh của căn phòng vừa làm nơi ở vừa là nơi làm việc của thầy hiệu trưởng khoảng 16 m2, đồng nghiệp đi cùng tôi đàm luận với thầy Hải về việc Nhà nước có Dự án đầu tư 11.277 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD) xây dựng công trình Bảo tàng lịch sử quốc gia.
Vốn là giáo viên dạy toán, thầy Hải liền dùng phép số học để so sánh, rằng: “Cả nước có hơn 11 nghìn xã, nếu dùng 11.277 tỷ đồng đầu tư cho việc “trồng người”, cụ thể là xây dựng cơ sở trường học cho bậc tiểu học, nếu được mỗi suất đầu tư một tỷ đồng cho một trường, thì cả nước sẽ có hơn 11 nghìn trường tiểu học với 5 – 6 phòng học cho học sinh và nhà hiệu bộ, phòng chức năng cho giáo viên rất khang trang và thiết thực”.
Ngừng câu chuyện, thầy Hải dẫn chúng tôi xem những căn nhà tềnh toàng dành cho 18 cán bộ, giáo viên của nhà trường…
Bao giờ hết cảnh mượn nhà dân làm trường học
Huyện Pác Nặm là một huyện nghèo thuộc tỉnh nghèo Bắc Kạn đang được Nghị quyết 30a của Chính phủ điều chỉnh. Cả huyện có 10 đơn vị hành chính xã với dân số 30.393 người (6.072 hộ) gồm 7 dân tộc (Kinh, Tày, Mông, Dao, Nùng, Sán Chí và người Hoa) sinh sống. Trong đó, có 2.759 hộ (chiếm 45,43%) là số hộ nghèo. Hiện tại, huyện Pác Nặm chưa có trung tâm huyện, các cơ quan quản lý hành chính của huyện Pác Nặm đều đặt trên địa bàn xã Bộc Bố. 
Tuy nhiên, đối với giáo dục, cơ sở vật chất trường học của Trường trung học cơ sở Bộc Bố nói riêng và huyện Pác Nặm nói chung hiện đang có nhiều chuyện cần phản ánh. Ông Lâm Văn Điển (Trưởng Phòng Giáo dục huyện Pắc Nặm) được chúng tôi mang chuyện về người đàn bà Lả Thị Thuận trên đỉnh Phiêng Lủng đang ngày đêm dùng đoàn ngựa thồ từng bao tải cát xuyên đèo lội rừng đến trưởng tiểu học học Phiêng Lủng để xây phòng học cho cháu đồng bào các dân tộc thiểu số có nơi đến học…
Nghe xong, ông Điển tâm sự: “Việc vận chuyển vật liệu xây dựng lên các bản vùng cao để xây dựng trường hiện rất khó khăn, chủ yếu bằng sức người và sức ngựa. Bây giờ, ngựa ít, việc vận chuyển gạch, cát vượt đồi, xuyên rừng bằng sức người là chủ yếu. Ở nhiều xã như An Thắng, Công Bằng, Nhạn Môn, Giáo Hiệu…, việc vận chuyển gạch, cát đến xây trường còn phải huy động phụ huynh và học sinh tham gia gùi từng gùi cát từ nơi tập kết đến nơi xây dựng, từng gùi, từng gùi một rất khó khăn, vất vả, trông giống như bầy kiến tha mồi trên đường mòn nương rẫy…”. 
Cũng theo ông Điển, trước đây đường sá chưa được đầu tư, việc đi lại của đồng bào ở các xã vùng cao trong huyện vô cùng gian khổ. Cùng với cơ sở vật chất trường học rất tồi tệ, xa chợ, xa trung tâm xã, nhiều giáo viên ở dưới xuôi lên nhận công tác cắm bản chỉ được vài tuần rồi không chịu được khổ, họ tự bỏ về. Phần khác, nhiều học sinh lúc đó có hoàn cảnh gia đình nghèo khó và vì đường xa nên các em bỏ học nhiều.
Theo đó, giáo viên không chịu được cảnh phải đi vận động các em đến trường nên họ chán nản với công việc. Năm học này, ông Điển cho biết, tình trạng trẻ em bỏ học đã giảm hẳn. Hiện tại, cả huyện Pác Nặm chỉ còn 25 em học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở nghỉ hè xong chưa ra lớp học. Trước thực trạng này, Phòng giáo dục đã có văn bản chỉ đạo các trường tham mưu với chính quyền địa phương cùng vận động các em đến lớp.  
bbbbbbbbbb
Trường Trung học cơ sở Bộc Bố vận động phụ huynh đóng góp được 32 triệu để dựng 2 phòng học cho học sinh lớp 6 
Về cơ sở vật chất thiết bị trường học, ông Điển cho biết, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn huyện Pác Nặm chưa có đủ phòng học và dụng cụ học tập theo tiêu chuẩn, biên chế số lớp học. Việc này, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Pác Nặm đã chỉ đạo các trường mầm non chủ động mượn các nhà họp thôn, đồng thời chỉ đạo các trường tiểu học tạo điều kiện cho các trường mầm non mượn lớp học, để đảm bảo việc phục vụ dạy và học cho các cháu mẫu giáo vào năm học mới. 
Đối với các trường trung học cơ sở còn thiếu phòng học, Phòng Giáo dục huyện Pác Nặm cũng đã chỉ đạo các trường tổ chức dạy và học hai ca. Riêng đối với Trường Mầm non Nghiên Loan II và Trường Mầm non Cổ Linh đều chưa có cơ sở vật chất riêng, Phòng Giáo dục phải mượn cơ sở vật chất của trường tiểu học trên cùng địa bàn.   
Chỉ tính riêng cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở, cả huyện Pác Nặm có 1801 học sinh tuyển mới vào đầu cấp. Trong khi đó, cả huyện Pác Năm mới chỉ có 474 phòng học, trong đó có 113 phòng học kiên cố, 226 phòng học bán kiên cố. Còn lại 135 phòng học đều mang tính tạm bợ, nhờ nhà dân, nhà họp thôn và các cơ sở y tế thôn, bản.
Cảnh tượng thiếu lớp, thiếu phòng học nói trên không biết bao giờ mới được cải thiện, chấm dứt?. Câu hỏi này xin dành cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn nói riêng và ngành giáo dục nói chung, cùng chung tay giúp đỡ cho con em đồng bào các dân tộc Pác Nặm – nơi đầu nguồn con nước của tỉnh Bắc Kạn không phải mượn nhà dân làm lớp học và sớm xóa đi các phòng học tạm.
Phóng sự của Trọng Anh

Đọc thêm