PGS Thăng cho biết, hiện nay không chỉ các trường học mà các đô thị cũng chú trọng vào việc trồng cây xanh, phát triển không gian xanh. Điều này là rất tốt, song cũng cần nhìn nhận rằng không phải trường học nào, đô thị nào cũng chọn và trồng cây xanh đúng.
Để tránh những tai nạn đổ cây khiến nhiều học sinh thương vong vừa xảy ra ở TP HCM, PGS Thăng cho rằng trước tiên cần tập trung vào công tác quản lý, quy hoạch. "Chúng ta nên đặt vấn đề quy hoạch cây xanh ở trên đường phố cũng như ở các sân trường một cách nghiêm túc hơn", PGS Thăng nói.
Cụ thể là quy hoạch này cần tham vấn các chuyên gia về sinh vật học, dựa trên các luận cứ khoa học để chọn lựa các cây trồng phù hợp để trồng ở trường học nói riêng, trên đường phố nói chung.
PGS Thăng lấy ví dụ như đánh giá độ dẻo, giòn, dễ gãy của cây cũng như các vấn đề liên quan. Để làm được điều này, theo PGS Thăng cần có các đề tài, đề án chuyên sâu, hay nói cách khác cần trả lời những câu hỏi ở sân trường nên trồng cây gì? ở đường phố trồng cây gì? Bởi theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cây xanh ở trường học khác cây xanh trên đường phố, công viên…
Về nâng cao trách nhiệm của nhà trường- đơn vị thụ hưởng cây xanh, theo PGS Thăng, thực tế công tác theo dõi, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh ở nhiều trường học còn lơ là. Ông lấy ví dụ như một cành cây bị sâu dẫn đến bị bục, hoặc đến độ tuổi nhất định có thể rơi gãy bất cứ lúc nào, rất ngẫu nhiên. Và dù chỉ là cành cây nhưng nếu rơi trúng vào vị trí nguy hiểm của con người thì cũng khó lường hậu quả.
Do đó, các trường học cần tăng theo dõi thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ cây xanh một cách kỹ lưỡng, ví dụ như cành sắp gãy phải cắt tỉa kịp thời. Vấn đề này theo ông Thăng thuộc về trách nhiệm nhà trường cụ thể.
Cùng quan điểm, trả lời báo chí, TS Lê Minh Trung - nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM - nhận định cây xanh trong trường phải cắt tán cho gọn để phần tán không nặng gây bật gốc, tét nhánh. Đối với cây xanh trên đường phố thì cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện cây bị sâu mục và xử lý. Còn tại trường học, khi có dấu hiệu rõ ràng thì trường mới báo, do đó các cây trong trường ít được kiểm tra hơn.
Trước đó, khoảng 6h22’ ngày 26/5, trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TPHCM) khá đông học sinh ngồi ăn sáng dưới sân trường. Cây phượng bất ngờ bật gốc, đè 18 em bị thương, chủ yếu ở lớp 6/8.
Vụ đổ cây khiến em N.T.K tử vong. Gia đình K thuộc diện cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Mẹ của em vừa sinh con nhỏ được 3 ngày. Trong 14 học sinh bị thương có 3 em bị sây sát nhẹ, bác sĩ đã khám, kê thuốc và cho về nhà theo dõi.