Phá hợp đồng, đừng… né trách nhiệm

(PLO) - Từ việc quản lý đất đai yếu kém của Chủ tịch UBND xã khi ký hợp đồng cho thầu đất trái quy định… rồi đến những văn bản không rõ ràng của UBND huyện đã dẫn đến một vụ việc khiếu kiện kéo dài. 
Khu đất thầu bị phá hợp đồng trước thời hạn
Đó là vụ hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố kiện Hợp tác xã (HTX) Thanh Chiểu và chính quyền xã Phú Cường, UBND huyện Ba Vì vì chấm dứt hợp đồng kinh tế trước thời hạn. 
Chính quyền đơn phương phá hợp đồng?
Năm 1993, tại thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường có 59 hộ dân được cấp đất quỹ I tại khu đồng trũng 400 dưới (Đồng Mơ). Năm 2005, do cấy lúa không hiệu quả nên 59 hộ này xin trả lại đất ruộng cho HTX Thanh Chiểu. Ngày 27/02/2006, HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu ký Hợp đồng số 01/HĐ-KT cho ông Nguyễn Văn Dũng ở xóm 5, thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường thầu Quỹ đất I khu vực Đồng Mơ, diện tích 20.602 m2, thời hạn 05 năm. Mô hình trang trại vườn - ao - chuồng của gia đình ông Dũng sau đó trở thành điển hình. 
Đến ngày 27/02/2011, HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu ký tiếp Hợp đồng kinh tế số 01/HĐ-KT cho thầu Quỹ đất I khu vực Đồng Mơ với bên nhận thầu là ông Nguyễn Văn Dũng, thời hạn đến 31/12/2015, nhưng mới đến năm 2012, UBND xã Phú Cường đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng kinh tế giao khoán thầu Quỹ đất I. 
Ông Dũng chia sẻ: “Tôi chỉ là người nông dân, chính quyền bảo sao thì tôi nghe vậy, thế nên mới mạnh dạn đầu tư. Hơn nữa, lúc ký hợp đồng, ông Loát – Chủ tịch xã Phú Cường - còn ký, đóng dấu vào đó, giờ lại chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không đền bù cho tôi, thiệt hại bao nhiêu tài sản”.
Được biết, Thông báo kết luận thanh tra số 261/TB-UBND ngày 27/12/2012 của UBND huyện Ba Vì có nêu: “Việc HTX Thanh Chiểu ký hợp đồng giao thầu đất Quỹ I cho hộ ông Nguyễn Văn Dũng là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật Đất đai, Luật HTX. Việc UBND xã Phú Cường chưa thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời để ông Dũng xây dựng công trình và cải tạo đất không đúng với hợp đồng thầu khoán là chưa thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai”. UBND huyện Ba Vì chỉ đạo HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu chấm dứt hợp đồng thầu khoán đất Quỹ I với hộ ông Nguyễn Văn Dũng để UBND xã quản lý theo quy định của pháp luật. 
Mô hình trang trại VAC của ông Dũng vẫn đang làm ăn phát đạt
Chờ một bản án công tâm
Sau “Thông báo kết luận thanh tra”, UBND xã Phú Cường ra nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng thầu khoán. Luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng – Giám đốc Cty Luật hợp danh VIP - cho biết: “Theo quy định về thanh tra, để kết luận vụ việc sau khi đã thanh tra thì phải có Kết luận thanh tra, chứ không thể có “Thông báo kết luận thanh tra”. Đặc biệt, các quy định về thanh tra cũng yêu cầu khi giải quyết các vấn đề thanh tra thì người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước phải gặp gỡ lắng nghe quyền lợi của người dân liên quan tới Kết luận thanh tra...”.
Trong các giao kết kinh tế, nếu một bên đơn phương hủy Hợp đồng thì bên đó có lỗi, đương nhiên phải bồi thường. Tuy nhiên, khi ra Tòa án, chính quyền xã Phú Cường cũng như HTX Nông nghiệp Thanh Chiểu nhất quyết không chịu bồi thường về hành vi “phá Hợp đồng” đối với vợ chồng hộ nông dân giỏi Dũng – Loan; thậm chí còn dọa sẽ kiện lại họ… Dư luận người dân huyện Ba Vì đang mong chờ một bản án thật công tâm, đánh giá một cách đầy đủ lỗi cũng như trách nhiệm của các bên liên quan để giải quyết dứt điểm vụ việc.
VAC là cụm từ viết tắt của 3 chữ cái đầu của 3 từ “vườn”, “ao’” và “chuồng”. Trong khái niệm chung : “Vườn” là yếu tố phản ánh các hoạt động trồng trọt trong vườn, ‘Ao’ là chỉ các hoạt động nuôi cá trong ao và “Chuồng” chỉ các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm... Hội Làm vườn Việt Nam đã tập hợp các yếu tố từ các hoạt động phát triển sinh kế truyền thống gắn liền với sự hình thành, phát triển và lập nghiệp của đại bộ phận nông dân Việt Nam và đã đúc kết để nâng lên thành Mô hình sản xuất tổng hợp VAC. Đây chính là Hệ thống nông trang viên, một hệ thống kinh tế nông nghiệp tổng hợp mà Hội Làm vườn Việt Nam đã khởi xướng và thúc đẩy phát triển từ năm 1986 khi chính sách giao đất lâu dài cho nông dân bắt đầu có hiệu lực. 
VAC là một mô hình thâm canh sinh học cao, trong đó các hoạt động trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm là các hoạt động chính. Các hoạt động này có những mối quan hệ mật thiết và khăng khít nhau, tạo nên một Hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp. 

Đọc thêm