Phà Lài điểm đến hấp dẫn miền Tây xứ Nghệ

(PLVN) - Khi nhắc đến miền Tây xứ Nghệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến những miền sơn cước, miền biên giới giáp nước bạn Lào, ít ai biết được cũng có những điểm du lịch mà nhiều người chưa biết đến để khám phá, đó là du lịch cộng đồng. Phà Lài trở thành điểm đến hấp dẫn để khám phá trong mùa hè với những trải nghiệm mới mẻ.
Đường đến Phà Lài qua bến du thuyền trên sông Giăng thơ mộng
Đường đến Phà Lài qua bến du thuyền trên sông Giăng thơ mộng

Phà Lài - Vẻ đẹp hoang sơ 

Từ TP Vinh (Nghệ An) đi về phía tây khoảng 130km theo Quốc lộ 7, tiếp tục theo con đường vào xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) để có thể đến với địa điểm du lịch đầy hấp dẫn này. Đập Phà Lài - công trình thuỷ lợi lớn nhất Con Cuông xây dựng từ năm 2000 bà hoàn thiện năm 2002 ngăn nước sông Giăng, với mục đích giữ nước cho canh tác, sinh hoạt của người dân và phục vụ du lịch của địa phương.

Sông Giang nhìn từ trên cao xuống như mái tóc người sơn nữ.
 Sông Giang nhìn từ trên cao xuống như mái tóc người sơn nữ.

Cũng từ đó, nơi đây hình thành nên một điểm du lịch nhiều điều thú vị mà ít người biết đến. Từ đập nước Phà Lài ngược dòng khoảng 3km là một bãi tắm hoang sơ với những tán cây buông thõng xuống lòng sông tạo nên cảnh quan rất lãng mạn.

Trên bờ suối là những phiến đá phẳng lỳ, xếp cạnh nhau như được tạo tác bởi bàn tay con người. Dọc theo tuyến sông Giang, thi thoảng lại có những bè nứa trôi xuôi dòng, như là một điểm nhấn tươi vui giữa dòng sông xanh ngắt và vắng lặng.

Trải nghiệm bơi thuyền trên sông Giang.
Trải nghiệm bơi thuyền trên sông Giang. 

Điều đặc biệt là nước sông Giăng màu trong xanh có thể nhìn thấy đáy sông và cả cá mát bơi vào những ngày thời tiết nắng đẹp.

Tại đây, người dân địa phương cũng hình thành nên bến thuyền, và cũng từ đó một loại hình du lịch trên sông là du thuyền ngược dòng sông Giăng, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên có một không hai.

Những đêm hội rượu cần, tiếng cồng chiêng vang cả một góc rừng luôn để lại nhiều điều thú vị.
Những đêm hội rượu cần, tiếng cồng chiêng vang cả một góc rừng luôn để lại nhiều điều thú vị.

Hai bên bờ là những rừng cây nguyên sinh, cây cối xanh tươi. Ẩn hiện dưới những tán lá xanh là những thảm hoa đủ màu sắc, trông như những tấm lụa nhiều màu của các cô gái Thái trong ngày hội đầu Xuân.

Hai bên núi cao, xuất hiện nhiều cây cổ thụ, giây leo chằng chịt còn nguyên vẻ hoang sơ. Mỗi cây là một tuyệt tác của tự nhiên. Trên những thân và cành cây còn chằng chịt hàng chục loại Phong Lan, với nhiều màu hoa khác nhau, tạo nên những chiếc áo khoác cho cây tuyệt đẹp.

Đánh thức nàng sơn nữ ngủ quên

Thuyền ngược dòng sông Giăng khoảng 2 tiếng đồng hồ thì du khách sẽ dừng lại bên bờ sông, đến với bản Cò Phạt của tộc người ngủ ngồi - Đan Lai.

Theo lời kể, dân tộc Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, tộc này chủ yếu là dòng họ La. Bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An) bắt dòng họ phải tìm ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ.

Tưng bừng đốt lửa trại, múa sạp, rượu cần
Tưng bừng đốt lửa trại, múa sạp, rượu cần  

Những thứ trên là hoàn toàn không thể có nên cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, mãi mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một bộ tộc mới ra đời từ đây.

Những năm gần đây, du khách đến du lịch trải nghiệm tại Phà Lài ngày càng nhiều
Những năm gần đây, du khách đến du lịch trải nghiệm tại Phà Lài ngày càng nhiều  

Tập tục ngủ ngồi gắn liền với tai họa mà tổ tiên của họ đã phải gánh chịu. Ngủ ngồi là để cảnh giác với thú dữ và bọn quan quân truy đuổi. Họ thường ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán. Người dân nơi đây cho biết, thậm chí, người phụ nữ mang bầu đến khi sinh con cũng vẫn duy trì tập tục "đẻ ngồi".

Ngày 19/12/2006, Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, hiện sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông-Nghệ An, với tổng kinh phí hơn 93 tỷ VNĐ. Theo đề án này, chính phủ Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục đào tạo tại các khu vực người Đan Lai sinh sống, giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn.

Đọc thêm