Phá vụ đại án phụ nữ tàn tật bị bán làm “máy đẻ”

(PLO) - Ngày 14/10, Tân Hoa xã và nhiều tờ báo Trung Quốc đều đưa tin, đăng bài viết về vụ án gây sốc dư luận: một băng nhóm tội phạm trong 2 năm qua đã bắt cóc, dụ dỗ đem bán 10 phụ nữ tàn tật và bị bệnh thần kinh về các vùng xa xôi, hẻo lánh để làm “máy đẻ”, công cụ truyền giống cho những người đàn ông nghèo không có tiền để cưới vợ…
Cổng vào trại nuôi lợn nơi giam giữ các nạn nhân
Cổng vào trại nuôi lợn nơi giam giữ các nạn nhân
Khả nghi trên một chuyến tàu…
Ngày 8/2/2015, các hành khách trên chuyến tàu số K2386 từ Nam Ninh (Quảng Tây) đi Trường Xuân (Cát Lâm) bỗng chú ý đến một phụ nữ thần kinh thất thường, cử chỉ kỳ quặc luôn bị 2 người đàn ông có dáng vẻ khả nghi kèm sát. Cảm thấy có gì đó bất thường, có người bí mật báo cho cảnh sát. Qua điều tra, cảnh sát xác định người phụ nữ đó tàn tật và bị bệnh tâm thần, vừa được hai người đàn ông kia mua từ chợ cảng Phòng Thành, Quảng Tây.
Khi tàu đến ga Cát An, cảnh sát đã bắt giữ 2 người đàn ông họ Phó và Phạm, giao cho Cục CA đường sắt Cống Châu tỉnh Giang Tây xử lý. Vụ việc được công an Giang Tây tiến hành điều tra làm rõ. Từ đây, một băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc, buôn bán phụ nữ tàn tật và bị bệnh thần kinh từ các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông đưa về các huyện Lâm Thanh và Quán Huyện tỉnh Sơn Đông để làm “máy đẻ” đã bị lôi ra trước pháp luật.
Cảnh sát gặp gỡ một nạn nhân để điều tra
Cảnh sát gặp gỡ một nạn nhân để điều tra 
Buôn người theo… chuỗi khép kín
Qua điều tra, nghi phạm họ Tôn ở Sơn Đông là kẻ chịu trách nhiệm liên hệ tìm người mua ở Sơn Đông, sau khi có “đơn đặt hàng” thì thông báo cho kẻ môi giới là Phạm X., Phạm lại liên hệ với Phó X. ở Quảng Tây, Phó lại thông báo tới “bà trùm mối lái” Lam X. Mụ Lam thực hiện khâu cuối bằng cách tổ chức cho 2 tên họ Vi và họ Lại sục sạo về các thôn xóm để tìm kiếm những phụ nữ tàn tật hay mắc các chứng bệnh thần kinh để bắt cóc hoặc mua mang đi. Trong chuỗi hoạt động này, 3 tên Vi, Lại, Lam đóng vai trò là người “cung cấp hàng”.
Hứa Kiến, Đội trưởng cảnh sát hình sự số 4 của Cục CA đường sắt Cống Châu nói: “Bọn tội phạm nhắm vào các phụ nữ chưa kết hôn trong độ tuổi 20-30. Những kẻ cung ứng hàng quen thuộc địa bàn và có thể lợi dụng điều kiện quen biết để dụ dỗ, thực hiện hành vi buôn người. Thường chúng chỉ trả khoảng 3-5 ngàn tệ cho người nhà, rồi lấy cớ “giới thiệu, mai mối lấy được người tốt” để đưa các phụ nữ khốn khổ đi mang bán”.
Tại Sơn Đông, tên Tôn mở một trại chăn nuôi lợn. Những phụ nữ do hai kẻ trung gian Phạm và Phó đưa đến được đưa vào đây nhốt giữ trái pháp luật để đợi khách mua đến lựa chọn. Tôn khai, những khách mua phần lớn là những đàn ông nhiều tuổi ở vùng núi xa xôi thuộc tỉnh Sơn Đông, nhà nghèo, không lấy được vợ. Họ biết rõ những phụ nữ này tàn tật và bị thần kinh nhưng vẫn đặt mua với mục đích chủ yếu là giải quyết sinh lý và quan trọng hơn là truyền giống, có người nối dõi. 
Từ năm 2013 đến nay băng nhóm tội phạm buôn bán người tàn tật trái phép này đã bắt cóc, dụ dỗ 10 phụ nữ quê Quảng Đông, Quảng Tây vận chuyển qua hàng ngàn cây số đưa đến Sơn Đông bán cho đàn ông ở Liễu Thành, Lâm Thanh, Quán Huyện để kiếm lợi trái phép hơn 600 ngàn tệ (2,10 tỷ VNĐ).
Một cô gái tâm thần bị đem bán làm “máy đẻ”
 Một cô gái tâm thần bị đem bán làm “máy đẻ”
Phụ nữ tàn tật -  gánh nặng biến thành “món hàng”
Vì sao các phụ nữ tàn tật lại trở thành mục tiêu của băng nhóm tội phạm này? Các phóng viên qua điều tra phát hiện: Do bản thân họ không có khả năng phòng vệ, người nhà họ cũng có tâm lý “trút gánh nặng’; dù họ có bị đem bán, cảnh sát cũng khó phát hiện và khó khăn trong việc trừng trị; mối nguy hiểm thì thấp mà lợi nhuận lại rất lớn.
Mụ Lam khai: “Khi tôi nói gả cho người tốt, người nhà họ chẳng cần xem xét kỹ, chỉ cần gả đi được là tốt”. Đối với những gia đình nghèo, con gái bị tàn tật là một gánh nặng. Lam, Vi và Lại đã lợi dụng tâm lý ‘trút bỏ gánh nặng” ấy của người nhà các nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội.
Qua điều tra, tổ chuyên án thấy các gia đình có con em bị đem bán, sau khi “gả” khỏi nhà đều rất ít liên hệ, các phụ nữ bị tàn tật lại ít có khả năng tự vệ, chỉ biết nhất nhất nghe theo người mua. Trong số những phụ nữ được giải cứu, có cô  thậm chí còn bị “chồng” đem bán lại cho người khác.
Ông Hứa Kiến cho phóng viên biết, nạn nhân và những người mua các cô gái khốn khổ này đều sống ở vùng sâu vùng xa, việc bảo hộ của địa phương với họ rất khó khăn khiến sau khi họ bị mua đem bán các cơ quan địa phương rất khó nắm bắt tình hình.
Mỗi cô gái 20-30 tuổi khi được đem đến Sơn Đông, người nhà họ chỉ được 2-5 ngàn tệ “bồi dưỡng”, những kẻ cung hàng được 1-2 ngàn. Thế nhưng khi khách mua vào trại nuôi lợn của Tôn để lựa chọn, họ phải trả hàng trăm ngàn, cô “rẻ” nhất cũng 50 ngàn tệ. 
Bỏ một vốn, thu mười lời, lại thêm rất khó phát hiện, đó là yếu tố khiến bọn buôn người ngang nhiên hoạt động, kinh doanh trên nỗi khổ của những cô gái tàn tật đáng thương. Các nhân viên điều tra thẳng thắn nói, loại án buôn bán phụ nữ tàn tật này thuộc loại “dân không tố cáo, quan khó truy xét”, những vụ được phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.
Một nạn nhân là người bệnh tâm thần đang bị nhốt
Một nạn nhân là người bệnh tâm thần đang bị nhốt 
Các phóng viên tiến hành điều tra phát hiện thấy sự thờ ơ, vô cảm của người nhà các nạn nhân đến mức đáng sợ. Khi cảnh sát đưa những cô gái được giải cứu về gia đình ở Quảng Đông, Quảng Tây, có gia đình từ chối nhận lại với lý do “nhà nghèo quá, không gánh được!”. Chính quyền địa phương phải bàn bạc, quyết định đưa nạn nhân vào diện bảo trợ, cô gái khốn khổ mới được người nhà nhận về. Một chuyên gia xã hội học cho rằng, đằng sau sự thờ ơ, vô cảm của người nhà là sự khiếm khuyết, yếu kém của hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay. 
Việc các nạn nhân bị coi là gánh nặng của gia đình cho thấy trách nhiệm bảo đảm của xã hội đối với người tàn tật chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Tổ chuyên án và các chuyên gia xã hội học cho rằng, việc các phụ nữ tàn tật trở thành đối tượng của bọn buôn người là trách nhiệm của xã hội văn minh hiện đại, ngành công an phải đẩy mạnh việc phá án, đồng thời phải kiện toàn pháp luật và chế độ bảo hiểm xã hội; toàn xã hội phải tăng cường quan tâm và bảo vệ những người yếu ớt, đáng thương này.
Giáo sư Lý Lan Anh ở Viện Luật, Đại học Hạ Môn nói, hành vi buôn bán phụ nữ tàn tật không chỉ phạm pháp và còn trái với đạo đức xã hội, đều rất nghiêm trọng cả về lý lẫn tình. Bà kêu gọi cần phải tăng cường bảo vệ về mặt pháp luật và đẩy mạnh trừng phạt để họ thực sự được pháp luật bảo vệ, che chở./.

Đọc thêm