Người khởi kiện nguyên là một Thẩm phán sơ cấp của một Tòa án thị xã. Trong quá trình công tác, ông ta đã phạm những khuyết điểm về đạo đức và bị Chủ tịch nước cách chức Thẩm phán và sau đó ông xin thôi việc. Bộ Tư pháp đã căn cứ vào việc bị cách chức này, cho rằng ông không đủ tư cách đạo đức để hành nghề luật sư.
Vụ kiện này đã được Tòa án cấp tỉnh xử lý và bản án sơ thẩm đã bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, cho rằng Bộ Tư pháp đã hành xử đúng trong vụ việc này. Nguyên đơn kháng án, cho rằng con người có thể xấu trong quá khứ nhưng tốt trong tương lai và ngược lại. Tòa cấp cao xử phúc thẩm nêu rõ việc thẩm phán bị cách chức thì không còn có tư cách thẩm phán để hưởng những điều kiện ưu đãi để trở thành luật sư. Nguyên đơn đã “nghe ra” và xin rút đơn khởi kiện.
Qua vụ kiện này, có thể thấy các cấp xét xử của Tòa án đồng tình với quan điểm của Bộ Tư pháp là coi trọng tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức của người trở thành luật sư. Thực tế, không ít các trường hợp những thẩm phán, công an, cán bộ pháp luật,... từng bị kỷ luật, thậm chí bị tù sau khi mãn hạn đã trở thành luật sư. Thực ra, dù không kỳ thị nhưng dư luận vẫn không coi trọng những luật sư từng bị “tuột xích” này và cũng có những ý kiến tham góp không nên để những cán bộ pháp luật mà vi phạm pháp luật hành nghề luật sư.
Tiêu chuẩn để trở thành luật sư đặt ra yêu cầu đầu tiên là phẩm chất đạo đức tốt. Tuy nhiên, quy định này rất chung chung nên rất dễ “du di” khi áp dụng, trong khi nghề luật sư đòi hỏi những phẩm chất đạo đức khắt khe hơn các ngành nghề khác do tính chất nghề nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng luật sư là điều đáng mừng và cũng là biểu hiện của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, cần phải có những tiêu chuẩn khắt khe hơn trong “đầu vào” trở thành luật sư cũng như trong quá trình hành nghề. Những biểu hiện gần đây cho thấy có một số luật sư không đảm bảo các ứng xử đạo đức tối thiểu của nghề luật sư, năng lực trình độ cũng là điều cần phải bàn song cứ nhìn giới luật sư đối xử với nhau, chê bai và hạ nhục nhau, thậm chí bôi xấu chế độ mà anh ta phục vụ trên các diễn đàn của mạng xã hội thì đủ thấy các phẩm chất đạo đức của những luật sư đó như thế nào.
Xã hội ngày càng cần đến các dịch vụ luật sư và để đáp ứng yêu cầu đó thì không thể “vơ bèo, vạt tép” được mà cần đến những tài năng và đạo đức thật sự, đảm bảo cho cán cân công lý không nghiêng ngả và quyền lợi hợp pháp của công dân được tôn trọng. Đó chính là sứ mệnh cao cả của nghề luật sư!