Người mẹ “đánh liều” giấu bệnh xin học cho con
Đến đường Bàu Cát 8 (phường 14, quận Tâm Bình), hỏi nhà cô bé đặc biệt này không ai không biết. Có người còn nói “cô bé mà không bị bệnh chắc trở thành hoa khôi của phường tôi rồi đó”. Do di chứng của bệnh bại não, Thương phát âm khá khó khăn. Bà Trương Thị Liễu (58 tuổi, mẹ của Thương) phải ngồi “phiên dịch” những lời con nói.
Cầm lấy đôi bàn tay co quắp của con, người mẹ đôi mắt ngấn lệ: “Thương lọt lòng cũng khóc oe oe, hình dáng vẫn bình thường như những đứa trẻ khác, gia đình, hàng xóm ai ai cũng đến chúc mừng. Nhưng đến 6 tháng sau con bé vẫn không biết lật, mỗi lần được bế lên, cái đầu không thẳng được. Vợ chồng tôi đưa con đến bệnh viện kiểm tra thì điếng người khi hay tin Thương bị bệnh bại não bẩm sinh.
Nhìn thân hình bé nhỏ của con ngày nào cũng phải oằn mình chịu nỗi đau bệnh tật mà chúng tôi đứt từng khúc ruột. Cũng vì lẽ đó mà vợ chồng tôi không dám sinh thêm con. Có bệnh thì vái tứ phương, hễ ai chỉ cho thầy hay, thuốc tốt là hai vợ chồng tôi lại chạy vạy tiền nong để đưa con đi chữa bệnh. Tiền thì lần lượt “đội nón” ra đi còn bệnh tình con vẫn không hề thuyên giảm”.
Thương 14 tháng tuổi được bố mẹ đưa đến Bệnh viện nhi đồng 1 để tập vật lý trị liệu. Thời gian đầu, mọi việc đối với cô bé vô cùng khó vì cái cơ thể èo oặt ấy không phải lúc nào cũng chịu nghe lời. Nhưng cuối cùng đến khi 8 tuổi, Thương cũng có thể đi lại được. Có lẽ chính những giọt nước mắt của bố mẹ đã giúp cô bé sớm ý thức được mọi việc xung quanh.
Em thức dậy từ rất sớm, ngồi bên ô cửa sổ nhỏ của bệnh viện lặng lẽ nhìn ra đường phố Sài Gòn nhộn nhịp. Khi bắt gặp hình ảnh những người bạn cùng trang lứa được bố mẹ chở đi học, em cũng ao ước được cắp sách đến trường. Cô bé đã òa khóc, bập bẹ nói từng chữ với mẹ “con muốn được đi học mẹ ạ!”. Bà Liên nghe lời đề nghị đầu tiên của con mà trái tim người làm mẹ vui mừng khôn xiết nhưng trong lòng luôn canh cánh nỗi lo “liệu một đứa trẻ như con bà có nơi nào dám nhận?”.
Thương con, bà Liễu cầm hồ sơ đi tìm trường nhưng đến đâu cũng thất vọng vì các trường khuyết tật không có lớp dành riêng cho Thương, đến các trường tiểu học thì không có nơi nào dám nhận. Sau bà đánh liều giấu bệnh tật của con, nộp hồ sơ vào một trường tiểu học. Học được 2 ngày thì Thương bị đuổi. Nhìn con nước mắt ngắn dài rời trường mà trái tim bà thắt lại, lòng như lửa đốt. Sau 4 tháng vất vả tìm kiếm, bà tình cờ gặp cô Nguyễn Thị Tráng, Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (ở quận 3) thấu hiểu hoàn cảnh gia đình bà nên cô hiệu trưởng đồng ý cho Thương vào học.
“Lần đầu tiên bước vào lớp em bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Không ai dám chơi với em, em cô độc ngồi một góc cuối lớp. Mỗi lần ra chơi nhìn bạn bè tụm năm tụm bảy trò chuyện còn em trơ trọi một mình mà tủi lắm. Có nhiều lúc em nản chí, có ý định bỏ học nhưng nghĩ đến công khó nhọc tìm trường của mẹ thì em lại không thể. Từ đó dù bạn bè có trêu chọc gì đi chăng nữa em đều bỏ ngoài tai. Em chỉ cần được mỗi sáng tới trường là hạnh phúc rồi”, Thương tâm sự.
Mỗi lần Thương dự thi thể thao đều có mẹ đi theo cổ vũ. |
Năm năm “học nát” một lớp
Nói về khó khăn trên lớp của con, bà Liễu chia sẻ “Vào trường học đã khó, kiếm được cô giáo thông cảm cho con mình càng khó hơn. Vì vậy, học lớp 1, lớp 2, Thương bị chuyển qua chuyển lại không biết bao nhiêu lần. Lên lớp 3, Thương bị chuyển qua trường phân hiệu. Học ở đó cô giáo lại càng không quan tâm, không cho Thương làm bài. Thương bỏ học.
May thay, cô Tráng nghỉ hưu rồi chuyển sang làm hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Rạng Đông (ở quận Tân Bình), Thương lại theo cô Tráng qua bên đó học. Những tưởng từ nay sự học đã được suôn sẻ ai ngờ khi lên lớp 5, thầy cô không có thời gian quan tâm đến những người tàn tật như con bé nên Thương lại bỏ học lần nữa”.
Sau 5 năm ở nhà, nỗi nhớ trường lớp lại nhen nhóm trở lại. Bà Liễu lại lặn lội đi tìm trường, đưa con vào học lại ở trường dành cho người khuyết tật chuyên biệt Bình Minh (ở quận Tân Phú). “Học ở Bình Minh chủ yếu tập các bài thể dục để rèn luyện sức khỏe, các kỹ năng sống chứ 5 năm em chỉ được học duy nhất mỗi sách giáo khoa lớp 5. Học kiểu đó chán lắm, nhưng vì mẹ không thể xin trường khác nên em phải chấp nhận. Đến 18 tuổi, em không được học trường Bình Minh nữa vì quá độ tuổi”, Thương phân trần.
Mẹ của Thương lại một lần nữa đi khắp các trường ở Sài Gòn để xin cho con học cấp 2 nhưng tìm mãi cũng không được. Giữa lúc đó, số phận đã mỉm cười. Thương được Trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật nhận, nhưng chỉ cho học lớp 3 vì chữ của cô bé quá xấu. Thương không đồng ý “cô giáo cho cháu học lớp 5 để sang năm lên lớp 6 thì học chứ học lớp 3 thì cháu nghỉ vì mấy năm học lớp 5 chán rồi”. Thấy cô bé quyết đoán, cuối cùng Trung tâm nhận Thương vào học cho đến khi tốt nghiệp 12.
Nhiều lần tủi thân với số phận của mình, Thương tâm sự: “Học ở đây cũng cực lắm, em toàn bị các thầy cô trừ điểm hoài vì chữ em quá xấu. Có nhiều lần em nói với thầy cô nhìn vào sự nhanh nhạy của em chứ đừng nhìn vào con chữ. Em đã tập luyện rất nhiều nhưng mỗi lần cầm bút tay em run, gồng cứng không thể viết được. Có khi em luyện nhiều quá đến nỗi mà bàn tay bị chai thành cục đến ứa máu. Vậy mà thầy cô vẫn trừ điểm. Buồn quá, em viết một bài thơ dài một trang giấy gửi thầy giáo với nội dung “Em là người khuyết tật/ Em có muốn vậy đâu…”. Đọc xong bài thơ em gửi, thầy ôm em xin lỗi”.
Kỳ tích của cô sinh viên công nghệ
Nhờ những tháng ngày bà Liễu nuốt nước mắt chầu chực để tìm đường cho con đi học, năm 25 tuổi, Thương đã hoàn thành xong chương trình phổ thông. Đến bây giờ cô bé chỉ nhớ 4 lần chuyển trường nhưng không thể nhớ bao nhiêu lần chuyển lớp. Nhưng suốt 12 lớp học (có lớp học đi học lại nhiều lần), cô bé bị bại não bẩm sinh vẫn đạt học sinh khá, giỏi.
Lúc nhỏ Thương luôn ước ao thành một nhà văn, nhưng lớn lên lại chọn thi vào ngành Công nghệ thông tin. Thương kể: “Em tham khảo và thấy điều kiện của mình hợp với ngành đó. Nhưng học hệ Đại học mất 4 năm, bố mẹ không lo nổi. Cuối cùng em chọn thi Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM. Câu nói “con đậu rồi mẹ ạ” là món quà đầu tiên em dành cho bố mẹ sau nhiều năm vất vả”.
“Vào Cao đẳng, bạn bè không ai chơi với em, thế là em chủ động làm quen với các bạn. Từ lòng chân thành, tự tin, vui vẻ của mình mà bây giờ em đã có nhiều bạn lắm. Nhất là bạn Anh Khoa, biết hoàn cảnh của em, Khoa ngày nào cũng đến nhà thay mẹ em đưa em đến trường. Có lần em bị té ngã bong gân không đi được, Khoa lại cõng em đến trường. Mỗi lần cầu thang máy bị hỏng Khoa cùng các bạn trong lớp thay nhau cõng em lên tận lầu 7, lầu 8… Những năm tháng học Cao đẳng rất khó khăn nhưng em được các bạn quan tâm nhiều lắm”, Thương nhớ lại.
Mỹ Thương và người bạn thân đã giúp cõng cô đến trường. |
Ngoài học tập, Thương còn là vận động viên khuyết tật cừ khôi luôn đem về cho đội mình nhiều huy chương trong các cuộc thi thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc về các môn chạy 100m, ném đẩy, điền kinh. Nói về điều này, cô bé kể: “Năm 2003, em may mắn được chọn vào đội tuyển luyện tập của thành phố. Lúc đầu nghe nói học mấy bộ môn này, bố mẹ phản đối kịch liệt vì sợ em sức yếu không tham gia nổi. Nhưng mới nghe nói thôi em đã thấy hào hứng, phải thuyết phục nhiều thì bố mẹ mới cho đi. Có nhiều hôm tập về chân trầy xước đi không nổi vì không cẩn thận bị tạ đè lên chân. Nhưng em vẫn không nản, trái lại ngày một hăng hái hơn”.
Năm đó, Thương đưa về cho đội TP.HCM giải nhì Cuộc thi Para Game và liên tiếp nhiều năm đạt huy chương trong cuộc thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc. Góc học tập của Thương hiện trưng bày kín nhiều loại huy chương, bằng khen./.