[links()]Thông tin thu thập từ đường dây buôn “nô lệ” lao động Sài Gòn – Tây Nguyên cho thấy: Hành vi của các cơ sở môi giới lao động và cả các chủ sử dụng lao động đã vi phạm hàng loạt quy định của luật lao động, và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Chúng tôi xin phân tích bước đầu một số vi phạm pháp luật của các hành vi trên.
Quan hệ lao động giữa chủ và người làm công nghe có vẻ như "bề trên và người dưới", nhưng không phải "chủ" muốn người làm công làm gì cũng được, mà phải trên tinh thần thỏa thuận, thương lượng giữa hai bên. Gọi nôm na là thuận mua vừa bán.
Kế thừa Bộ luật Lao động trước, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2013 có hiệu lực từ 1/5/2013 tiếp tục nghiêm cấm việc ngược đãi hoặc cưỡng bức lao động. Trong đường dây lừa đảo lao động đưa lên Tây Nguyên làm việc ép xác, luật lao động bị vi phạm nghiêm trọng.
Giữ CMND là trái luật
Ở khâu môi giới lao động, theo quy định các trung tâm của nhà nước hoặc của doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giới thiệu việc làm phải được cấp giấy phép, phải sử dụng thống nhất biển hiệu “trung tâm giới thiệu việc làm”.
Với các văn phòng đề biển “văn phòng tư vấn lao động miễn phí”, có thể khẳng định đây là cơ sở giới thiệu việc làm chui, không được cấp phép, hoặc cố ý ghi bảng hiệu sai quy định. Mức phí giới thiệu việc làm được Nhà nước quy định rất rẻ: Phí tư vấn thu của người lao động không quá 10 ngàn đồng/người, phí giới thiệu việc làm cho người được tuyển không quá 200 ngàn đồng.
Trường hợp cung ứng lao động theo hợp đồng với chủ thuê, được thu của người lao động không quá 20% lương tháng đầu tiên. Riêng trung tâm của Nhà nước thì hoàn toàn miễn phí.
Trong đường dây lừa đảo trên, nhân viên tư vấn hành xử hết sức mờ ám, dám giữ cả bản chính giấy CMND của người lao động là trái luật. Ngay cả chủ sử dụng lao động cũng bị cấm giữ giấy CMND của người lao động. Việc dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động sẽ bị phạt mức từ 5 - 10 triệu đồng. Nếu thu phí cao quá mức nêu trên, khi xử phạt sẽ buộc hoàn trả lại cho người lao động.
Đầu nậu hành xử kiểu đầu gấu là “tội” nặng nhất
Còn hành vi của các đầu nậu “chợ lao động” tại Lâm Đồng thì sao?. Đã hết sự mềm mỏng giả tạo để lừa người lao động như nhân viên môi giới việc làm, các "đầu nậu" trở nên đáng sợ hơn với sự đe dọa, dọa dẫm tinh thần không khác gì "xã hội đen". Mục đích của các "đầu nậu" này cũng chỉ là tiền: Kiếm lời thông qua việc giới thiệu lao động cho các chủ trang trại, các cơ sở cần nhân công thời vụ ở địa phương, nhưng tính chất bóc lột lao động của "đầu nậu" lại thể hiện triệt để.
Đầu nậu không phải là trung tâm môi giới lao động hợp pháp nhưng lại thu “tiền dịch vụ” cao ngất ngưởng. Đã vậy, "đầu nậu" còn “giam lỏng” người lao động tại khu vực riêng, mỗi khi cho họ đi mua đồ ăn thì cử người theo trông coi, không cho người lao động về nhà, bỏ trốn thì bị bắt lại.
Nếu dừng ở đây thì các hành vi này đã cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, mức án cao nhất là 5 năm tù (do phạm tội đối với nhiều nạn nhân).
Một thanh niên được “chuộc mạng” thất thểu xách đồ về quê. |
Thực tế, các "đầu nậu" còn mạnh tay hơn, những lao động không thể làm được việc nặng nhọc để trả “tiền dịch vụ” mà muốn về nhà thì bị buộc phải thông báo cho gia đình chuyển “tiền dịch vụ” mới được thả ra. Ngay từ đầu, người lao động không hề thỏa thuận gì về khoản tiền này với "đầu nậu".
Nếu "đầu nậu" cho rằng mình đã bỏ tiền chi phí xe cộ, nuôi cơm…, người lao động thì có quyền kiện người lao động ra tòa theo luật dân sự, tòa sẽ xem xét việc đòi lại chi phí là hợp pháp hay không.
Thế nhưng "đầu nậu" vừa giữ người vừa đòi chuyển tiền mới thả ra thì đã chuyển sang tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tù 5 - 12 năm.
Không được phép “xài thử” người lao động
Trong đường dây lừa đảo trên, chủ thuê là khâu cuối và có vẻ vô can, nhưng lại vi phạm rất nhiều hành vi bị cấm, hoặc không cho làm trong luật lao động. Đối với việc làm tạm thời dưới 3 tháng, chủ thuê và người lao động có thể giao kết hợp đồng bằng miệng, nhưng phải đầy đủ các nội dung về mức lương, phụ cấp nặng nhọc (như khuân vác 10 tấn cà phê/ngày), phụ cấp độc hại (đối với việc phun thuốc trừ sâu chẳng hạn).
Các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế chủ thuê phải đóng, nếu không thuộc diện bắt buộc đóng thì chủ thuê phải chi trả bằng tiền cho người lao động. Còn hợp đồng trên 3 tháng thì bắt buộc phải làm bằng văn bản, chủ thuê giữ một bản, người lao động giữ một bản.
Bên ngoài một cơ sở giam cầm người lao động. |
Hơn nữa, đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ (dưới 12 tháng), luật quy định người lao động không phải thử việc, giao kết hợp đồng xong là làm luôn, không có chuyện “xài thử” người lao động trong bảy ngày, nếu không ưng ý thì trả lại như đầu nậu nói được. Nếu tự ý trả lại, chủ thuê phải bồi thường thiệt hại cho người lao động vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Về tiền lương, Điều 101 BLLĐ chỉ cho phép khấu trừ tối đa 30% tiền lương hàng tháng bồi thường thiệt hại khi người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của chủ thuê. Chủ thuê không được thoải mái khấu trừ “tiền dịch vụ” như đầu nậu bảo. Đối với lao động từ 15 đến dưới 18 tuổi, hợp đồng phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ ban hành vào tháng 12-2012, đối với công việc tại Bảo Lộc, Đà Lạt, mức lương tối thiểu vùng là 2,1 triệu đồng/tháng; các huyện Đức Trọng, Di Linh: 1,8 triệu đồng/tháng; các huyện còn lại là 1,65 triệu đồng/tháng.
Chủ thuê nào trả giá nhân công dưới các mức trên là phạm luật. Các vi phạm của chủ thuê có thể bị xử lý hành chính với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Theo Xa lộ pháp luật