Phải tư vấn tâm lý trong cho, nhận con nuôi

 Trong 2 ngày 14-15/4, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NCN (gọi tắt là Nghị định số 19).
Trong 2 ngày 14-15/4, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị tập huấn triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NCN (gọi tắt là Nghị định số 19).

Nữ diễn viên người Mỹ Angelina Jolie và cậu con nuôi người Việt Pax Thiên
Động viên cha, mẹ đẻ còn điều kiện nuôi dưỡng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn có không ít trẻ em Việt Nam không may mắn được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình ruột thịt của mình.

Việc Quốc hội thông qua Luật NCN thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: để những quy định về nuôi con nuôi thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống của nhân dân, giúp cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất trong môi trường gia đình, kể cả ở trong nước và nước ngoài thì không thể thiếu vai trò của đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp.

Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình dẫn chứng: thi hành nguyên tắc “tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc” được khẳng định trong Luật, đối với trường hợp trẻ em còn cha, mẹ đẻ hoặc người thân thích thì trước khi lấy ý kiến, công chức tư pháp – hộ tịch sẽ là người phải tư vấn, động viên cha, mẹ đẻ trong việc tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của họ. Đồng thời, khuyên họ phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đồng ý cho trẻ em làm con nuôi.

Đây là quy định hoàn toàn mới và vô cùng quan trọng bởi qua đó có thể giúp cho cha, mẹ đẻ nhận thức được rõ ràng trách nhiệm của cha, mẹ đối với con, giúp họ yên tâm và vững tin hơn trong cuộc sống, đặc biệt giúp tránh được tâm lý vôi vã, nôn nóng hoặc không tỉnh táo trong quyết định cho con đi làm con nuôi khi mà điều kiện và khả năng thực tế của họ vẫn còn tự chăm sóc, nuôi dưỡng được con mình.

Trường hợp cha, mẹ đẻ do chưa nhận thức đầy đủ, chưa hiểu rõ những vấn đề liên quan đến việc cho trẻ em làm con nuôi hoặc do bị ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố tâm lý, sức khỏe mà dẫn đến việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi, nhưng sau lại muốn thay đổi ý kiến thì theo khoản 3 Điều 9 Nghị định số 19, họ có quyền rút lại ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi trong thời hạn 15 ngày đối với việc NCN trong nước hoặc trong thời hạn 30 ngày đối với việc NCN có yếu tố nước ngoài, kể từ ngày được lấy ý kiến. “Đây là quy định hoàn toàn mới so với pháp luật hiện hành, nhằm bảo đảm tối đa cơ hội trẻ em được sống trong gia đình gốc của mình”, ông Bình nói.

Phải phát triển dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội

Với quy định tại khoản 3 Điều 21 và khoản 3 Điều 36, Luật NCN cũng đề cao tinh thần tự nguyện trong việc NCN. Có thể khẳng định, sự tự nguyện trong việc NCN là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thân phận của người con nuôi. Về mặt lý thuyết, nếu thiếu đi sự tự nguyện của một trong ba chủ thể (người nhận con nuôi, người cho con nuôi và người được nhận làm con nuôi), việc NCN sẽ là “vỏ bọc” cho những hành vi phi pháp khác như bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, trục lợi bất chính, buôn bán trẻ em…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, sự thiếu tự nguyện vẫn có thể xảy ra, nhất là đối với những người mẹ cho con làm con nuôi trong tình cảnh khó khăn, túng quẫn về kinh tế hoặc do không chịu được áp lực của dư luận, tai tiếng từ phía gia đình, xã hội mà phần lớn rơi vào trường hợp phụ nữ có con ngoài giá thú. Hiện nay, ở nước ta chưa phát triển mạng lưới công tác xã hội liên quan đến vấn đề NCN nói chung và vấn đề tư vấn tâm lý trước khi cho con nuôi nói riêng. Việc thực hiện Luật NCN trong giai đoạn tới sẽ dựa chủ yếu vào mạng lưới công chức tư pháp – hộ tịch ở cấp xã và cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.

Đây sẽ là một thách thức không nhỏ trước yêu cầu của việc bảo đảm nguyên tắc tự nguyện trong việc NCN. Vì vậy, quan điểm của lãnh đạo Cục Con nuôi là cần có kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ xã hội chuyên sâu về tư vấn tâm lý xã hội cho cha, mẹ đẻ, nhất là phụ nữ đơn thân sinh con ngoài giá thú, trước khi họ quyết định cho con làm con nuôi để bảo đảm họ không bị đẩy vào tình thế “bắt buộc phải tự nguyện”.

Song Thu

Đọc thêm