"Phận" đào sau tết

Sáng mùng 9 Tết, bà lao công đầy vẻ tiếc rẻ nhẹ nhàng đặt 1 cành đào đang còn những cánh hoa tươi thắm nằm vật vưởng dưới đất lên thùng rác. Than ôi, trước Tết, để có 1 cành đào, gia đình bà đã phải “bớt xén” vài cặp bánh chưng. Bây giờ, khắp nơi là đào, đào ở trên đường, đào trong thùng rác. Thương thay phận đào.

Sáng mùng 9 Tết, bà lao công đầy vẻ tiếc rẻ nhẹ nhàng đặt 1 cành đào đang còn những cánh hoa tươi thắm nằm vật vưởng dưới đất lên thùng rác. Than ôi, trước Tết, để có 1 cành đào, gia đình bà đã phải “bớt xén” vài cặp bánh chưng. Bây giờ, khắp nơi là đào, đào ở trên đường, đào trong thùng rác. Thương thay phận đào.

Nhộn nhịp trước Tết, chuyện đào quất trở nên nóng rẫy, tràn lên mặt báo, tràn ra những quán trà đá. Thôi thì chuyện giá cả, nghe đâu có những cây đào bằng cả tấn thóc. Rồi chuyện thế, dáng long chầu, hổ phục….. Người người đi mua đào, nhà nhà đi mua đào. Ai tìm được cành đào vừa ý thì hồ hởi. Ai chưa mua được 1 cành đào thì hớt ha hớt hải, sợ Tết mất vui. Đào mua về rồi đều được trưng lên vị trí trang trọng nhất trong nhà. Nhưng chỉ 1 tuần sau, cây nào đẹp thì được đưa đi trồng, chăm sóc cẩn thận. Còn những cây thuộc dạng “rẻ”, những cành đào kéo nhau ra mặt đường, thùng rác để cùng làm bạn với rác rưởi.

Những cành đào sau khi phục vụ Tết lại phải vào thùng rác...
Những cành đào sau khi phục vụ Tết lại phải vào thùng rác...

Số phận những cành đào bây giờ là thế. Tự dưng nhìn lại thấy chạnh lòng. Năm ngoái, 29 Tết, trời rét cắt da cắt thịt, tôi không thể phóng xe qua một thằng bé gầy khẳng khiu, mặc trên mình chiếc áo bong mỏng, đẩy chiếc xe đạp cà tàng buộc đằng sau 2 cành đào to, chi chít hoa. Thằng bé nói bằng thứ giọng đặc khản, rất bé, và có khi chỉ là mấp máy môi: “Mua đào cho con với chú ơi”.

Tôi mua cho cậu bé 1 cành, hỏi chuyện mới biết bố mẹ cậu đều là nông dân nghèo, đang chạy đua để bán những mớ rau, con gà cuối cùng cho kịp Tết. 2 cành đào vốn nằm trong 3 cành duy nhất “ra tấm, ra món”. Bố mẹ phải dỗ dành mãi mới thuyết phục được anh chị em cậu đồng ý đem bán. Đã 2 hôm rồi, dưới trời lạnh cậu chỉ bán được 1 cành. Dù năm đó nhà cậu không có đào để “diện” Tết nhưng bù lại vài hộp mứt, vài đòn bánh chưng.

Hoặc nằm vất vưởng bên vệ đường
Hoặc nằm vất vưởng bên vệ đường

Nhắc lại chuyện xưa, tôi chẳng nhớ gia đình mình có cành đào từ bao giờ. Chỉ nhớ ngày ấy, tôi còn bé lắm. Nhà nghèo. Những ngày Tết, không khí đáng giá nhất chỉ là hình ảnh mẹ ngồi rang hạt hướng dương đêm giao thừa. Rồi từ đâu ba đem về 1 cây đào nhỏ, chăm sóc cẩn thận. Ít năm sau, cây đào lớn dần lên, ra hoa, đậu quả. Cứ mỗi năm Tết đến, ba tôi lại chặt 1 cành đẹp nhất, nhiều hoa nhất cắm trên bàn thờ. Hồi ấy, nhà thuộc diện bình dân có cành đào cắm Tết thuộc dạng hiếm. Nhà nào lắm tiền, nhiều của thì có cành đào gửi mua từ trên tỉnh rồi thuê xe chở về nhà để vui xuân. Trước Tết, ba chăm sóc cây đào từng li từng tí. Sau khi chặt cành đào vào nhà cũng chăm chút để nhiều hoa, nhiều lộc. Ra Tết, dù chỉ là cành đào nhưng vẫn được ba mang ra vườn cắm xuống đất để rồi lụi tàn, héo úa theo thời gian.

Lại nói về những cành đào, hồi ấy 29 Tết tôi lặn lội gần 1 ngày trời để lên trên 1 đồn biên phòng ở 1 huyện xa tít tắp ở biên giới. Năm đó, đồng chí đồn trưởng hồ hởi khoe với tôi các chiến sỹ Tết năm nay sẽ ấm áp hơn nhiều vì có 1 cành đào đã được huy động bằng xe u – oát từ dưới xuôi chuyển lên rồi anh em thay nhau khiêng mấy km đường núi nữa để đưa được vào đồn. Cành đào xơ xác, chỉ còn một vài đóa hoa đỏ thắm sau chặng đường dài, nhưng đó là biết bao công sức của các chiến sỹ xa quê ngày Tết canh giữ biên giới.

Tết bây giờ đào, mai, quất dễ kiếm, cứ ra đường, bỏ tiền là có thể rước về. Nhưng mấy ai biết, nhiều nơi, để có được cành đào là cả 1 công lao không nhỏ. Nói chuyện chú bé bán đào dạo nọ, các chiến sỹ biên giới và cả ba tôi nữa. Nếu họ thấy những cành đào bây giờ, khi vẫn còn tràn sức xuân đã nằm vất vưởng khắp nơi chắc chẳng ai cầm được lòng. Chỉ biết lắc đầu tiếc nuối. Thương thay phận đào, sớm thành phế thải khi những cánh hoa vẫn đang còn tươi thắm.

Thiên Ân

Đọc thêm