Qua thống kê, đợt mưa lũ từ ngày từ ngày 1 đến ngày 4/8 gây thiệt hại nặng nề tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Trong đó, 2 huyện Quan Sơn và Mường Lát bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản. Lũ lụt đã làm 16 người chết và mất tích, 5 người bị thương; hơn 1.698 ngôi nhà bị ngập, lũ cuốn trôi, thiệt hại; có 1 trường học bị sập hoàn toàn, 35 điểm trường bị hư hỏng, 25 phòng học, phòng chức năng công vụ bị thiệt hại và 10 nhà văn hoá bị sập, hư hỏng.
Bên cạnh đó, hơn 2.953ha lúa, cây trồng hàng năm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, bị ngập trong nước lũ và thiệt hại một phần; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, một số công trình thuỷ lợi, thông tin viễn thông, điện lực bị hư hỏng nặng nề. Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính 734 tỷ đồng.
Chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp đồng bộ để sớm ổn định đời sống người dân, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến yêu cầu các đơn vị trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc; phải tìm kiếm cho đến khi thấy đủ người mất tích.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá đồng thời yêu cầu cần bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng lũ, tuyệt đối không để người dân bị đói. Tất cả lương thực, nhu yếu phẩm do các nhà hảo tâm hỗ trợ, 2 huyện Mường Lát phải có phương án phân chia, bảo quản phù hợp.
Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng và cấp bách là tìm địa điểm tái định cư, làm nhà ở cho người dân. Chính quyền tỉnh Thanh Hoá đề nghị các sở, ngành, các địa phương tập trung cao, huy động lực lượng, quyết tâm đến ngày 30-11 phải có nhà mới cho người dân, với tinh thần “nhà làm xong phải tốt hơn nhà bị lũ cuốn trôi”. Trong đó, việc tìm địa điểm tái định cư đến ngày 12/9 phải xong, địa điểm tái định cư phải bảo đảm an toàn cho người dân về lâu dài và hạn chế san lấp, dựa vào điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ thưỡng.
Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến việc làm nhà, việc quy hoạch chi tiết phải xong vào ngày 18/8, thiết kế nhà phải xong vào ngày 25/8. Nhà ở tái định cư của người dân cần có thiết kế phù hợp với đặc điểm về truyền thống văn hóa của từng dân tộc.
Đối với công tác khôi phục hạ tầng giao thông, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục đánh giá chính xác và đưa ra phương án xử lý phù hợp với từng đoạn, tuyến đường bị hỏng, nhanh chóng trả lại hiện trạng như trước khi xảy ra thiên tai. Theo đó, đến ngày 30/9 phải hoàn thành cơ bản bước 1 gồm: Dọn dẹp, lu phẳng nền đường các điểm xảy ra hư hỏng, sạt lở. Về đê điều, kè cống và nước sinh hoạt. UBND tỉnh Thanh Hoá cho thành lập các tổ công tác phối hợp với 2 huyện Quan Sơn, Mường Lát lên thực địa rà soát, tổng hợp, tính toán kinh phí. Trong đó, cần đề xuất xử lý ngay đối với những công trình khẩn.
Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính thăm hỏi động viên người dân vùng lũ |
Các huyện cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân cùng chung tay khắc phục những công trình hạ tầng nông thôn bị hư hỏng. UBND tỉnh sẽ khảo sát, tính toán các công trình xây dựng mới tại các điểm tái định cư. Trong đó, có việc nghiên cứu làm cầu qua sông Luồng vào bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn). Về chính sách hỗ trợ cho người dân, các huyện phải có phương án bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân, đặc biệt là bản Sa Ná.