Phấn đấu hoàn thành lời cam kết với nhân dân

(PLO) - Theo báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015” còn khoảng 30.000 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, 2.020 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ; 1.496 trường hợp đề nghị xác nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 7.871 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh; 885 trường hợp đề nghị xác nhận bệnh binh; 16.295 trường hợp đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Đến nay các địa phương đã báo cáo  giải quyết được gần 11.000 trường hợp; đang tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết trên 11.000 trường hợp các địa phương. Nhiều trường hợp chưa có hồ sơ và không có căn cứ để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên).

Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục rà soát các hồ sơ tồn đọng và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ vào dịp Quốc khánh 2.9 và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12.

Có thể nói công tác xác nhận người có công còn tồn đọng là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Vì vậy, công tác giải quyết tồn đọng cơ chế phải mở, phải thông thoáng nhưng xác định mở đến mức nào, thông thoáng đến mức nào để đảm bảo xác nhận đúng với đối tượng, hạn chế hồ sơ giả là nhiệm vụ hết sức khó khăn phải thực hiện.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: “Hồ sơ tồn đọng của cả nước vẫn còn nhiều, từ kết quả của đợt trao xác nhận hồ sơ người có công vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH xác định vừa làm, vừa điều chỉnh để phấn đấu hoàn thành lời cam kết với nhân dân là năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh và lực lượng quân đội, công an.

Trước mắt, Bộ sẽ tập trung cao độ cho xét duyệt đợt 2/9 và 22/12/2017. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh”.

Đọc thêm