Phận đời mưu sinh nơi cảng cá

(PLO) - Âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), còn gọi cảng cá Thọ Quang, lâu nay đã trở thành điểm tập kết tàu thuyền, giao thương kinh doanh hải sản của cả khu vực miền Trung. Cũng chính vì thế, nơi đây luôn tấp nập người ra vào mưu sinh. Trong số đó có nhiều phụ nữ với những phận đời khác nhau và lăn lộn ở cảng đã trở thành một phần trong cuộc sống của các bà, các chị…
Phụ nữ khiêng dù thuê tại cảng cá lăn lộn, ăn ngủ với hải sản, một phần của cuộc sống nhiều chị em
Phụ nữ khiêng dù thuê tại cảng cá lăn lộn, ăn ngủ với hải sản, một phần của cuộc sống nhiều chị em

3 tiếng nghỉ ngơi mỗi ngày…

12h trưa, cảng cá Âu thuyền Thọ Quang bắt đầu hoạt động ca chiều. Mùi cống rãnh, mùi cá lưu cữu đặc quánh, nồng nặc dưới cái nắng gắt. Ai đó, thi thoảng mới tạt qua cũng có thể cảm thấy “xây xẩm” bởi hỗn tạp thứ mùi và âm thanh. Thế nhưng, như bà Nguyễn Thị Hường (55 tuổi, ngụ Thanh Khê, Đà Nẵng) lại xem như cuộc sống thường nhật. Còn với công việc, bà chỉ đúc kết một câu: “Lắm khi mệt tưởng chết đi sống lại”.

Bà Hường cho biết, bà có hàng chục năm lao động trong cảng cá mỗi ngày. Những phụ nữ như bà phải thức giấc từ 1 giờ sáng để mua, bán, chế biến cá và các loại hải sản đến tận 18 giờ tối. Về tới nhà, lại còn phải lao vào đánh vật với mớ công việc: giặt giũ, cơm nước, chồng con. Tính ra mỗi ngày, các bà, các chị làm việc ở cảng cá, chỉ ngủ vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ. Bà Hường chua chát ví von “Nhiều khi đồng hồ đổ chuông mới biết mình ngủ chứ không phải…chết. Mệt quá, lăn xuống giường đã không biết gì nữa hết”.

Ngồi bên bà Hường, cô gái trẻ tên Phương (ngụ phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) nói thêm vào: “Mẹ tôi cũng cỡ tuổi bác ni đây, làm nghề bán hải sản mấy chục năm ở cảng cá. Cuộc sống tạm ổn nhưng quá trình làm việc của mẹ cực nhọc quá. Phức tạp. Ồn ào. Chưa kể những tranh giành lời qua tiếng lại”. 

Tắm vội, ăn nhanh, tranh thủ ngủ là hình ảnh mà Phương biết về mẹ mình từ tấm bé. Tuổi đã ngoài 50, đều đặn 1 giờ sáng mỗi ngày, mẹ Phương trở dậy tranh thủ chuẩn bị thúng, ki (thùng nhựa đựng cá) và lo mua nước đá để ướp hải sản. Sau đó, bà lặng lẽ đi ra cảng, lúc cả nhà đang yên giấc. Phương giải thích thêm, dụng cụ, thời gian với người làm nghề như mẹ đều luôn trong tư thế sẵn sàng, bởi khi tàu vừa cập cảng, phải lo chạy đi cân ngay và đưa về chế biến gấp cho bạn hàng tới lấy. Nhiều khi chỉ bỏ công kiếm đồng lời. Mấy hôm nay vì đua thời gian cộng gắng sức, mẹ bị đau lưng nên Phương mới ra phụ phân lọai cá và tính sổ sách, bê giúp mẹ những ki cá nặng hàng mấy chục ký.

Dẫu vậy, những người như bà Loan, như mẹ chị Phương vẫn “sướng” hơn nhiều người không có “cơ ngơi” (một sạp cá hoặc một kiốt nhỏ được thuê chứa cá và đồ dùng). Để mưu sinh, nhóm người này (đa phần ngụ ngay cảng cá Âu thyền Thọ Quang) rủ nhau dậy thật sớm, tranh thủ cân cá rồi chở lên “chợ chạy” trên đường Nguyễn Tất Thành cách đó không xa ngồi bán. Gọi “chợ chạy” bởi vỉa hè không được phép kinh doanh. Thế nhưng, người bán, người mua cứ tìm về, khiến lực lượng quy tắc đô thị phải có mặt, thường xuyên dẹp, đuổi.

Ăn nhanh, ngủ vùi bên sàn…cá!

Đặc biệt, “cấp độ” cực nhất vẫn phải kể đến những người chỉ hoàn toàn dựa vào sức lao động cơ thể để kiếm sống ở cảng cá. Công việc của họ tạm gọi “kêu đâu, chạy đó”. Từ bưng dù (ô che nắng loại có chân), gánh mướn đến rửa cá, việc gì cũng gật đầu, miễn có thêm thu nhập.

Bà Lê Thị Hường (35 tuổi), quê Thăng Bình (Quảng Nam) có “thâm niên” 5 năm bưng, bê dù thuê ở cảng cá. Mỗi ngày, chị nhận được 2.000 đồng tiền công khi người thuê muốn di chuyển chổ ngồi. Rảnh tay, chị lại chạy đi tìm “mối” rửa cá hay ai sai làm thêm mấy thứ lặt vặt. Trung bình 1 ngày “vô mánh”, chị Hường thu được 100.000đồng, nếu ít hơn tầm 20 hoặc 30.000 đồng. 

Trong cảng cá Âu thuyền Thọ Quang, mỗi ngày có tới hàng trăm phụ nữ như chị Hường ra vào buôn bán, làm thuê, ăn uống, sinh hoạt tại chỗ. Ghé qua cảng vào trước giờ hoạt động ca chiều, không khó bắt gặp hình ảnh các chị ngủ vùi, có khi bên thùng cá làm dỡ, có khi bên cây dù núp tạm bóng râm, có khi lăn đại xuống sàn ẩm ướt, mặc tiếng bước chân, tiếng xe cộ, tiếng người qua lại… 

Chị Hường vốn là nông dân “thứ thiệt”, sau mùa lúa, mùa đậu, khoai…,chị lại cùng hàng xóm kéo ra Đà Nẵng tìm tới cảng cá làm thêm. Mấy chị em góp lại, mỗi người 100.000/tháng, trả chi phí tiền thuê nhà trọ chung. Ăn uống tạm bợ, hộp cơm bình dân rẻ cho người lao động, mấy chị chắt chiu từng đồng gom gửi về cho gia đình, nuôi con ăn học. Hết năm này qua năm khác, những phụ nữ này phải lao động  quần quật và thực sự chỉ được biết đến nghỉ ngơi đúng …3 ngày Tết.

Chị Lê Thị Hạnh (40 tuổi, quê Quế Sơn, Quảng Nam), người cùng ở với chị Hường tâm sự, thuê trọ để khuya về có chỗ ngã lưng thôi, chứ ở nhà trọ chậc chội mà lại mất công. Chị Hạnh tính, nếu trưa mà về đó phải cuốc bộ gần 2km, tắm xong, nằm nghỉ chỉ được một lát rồi quay lại làm, như thế mất hết thời gian. Nếu lỡ ai gọi việc, các chị không có mặt sẽ “mất mối”, lại “tiếc hùi hụi” vì không biết lấy tiền đâu mà dành dụm. Chưa kể, khi về nhà trọ, các chị phải tốn thêm khoản bật máy quạt, dùng vài xô nước máy rửa ráy. Các chị tinh giảm đến mức tối thiểu mọi sinh hoạt cá nhân. Ăn nhanh hộp cơm, nếu không có việc gì, các chị  ngủ vùi ngay tại sàn cá sống, tranh thủ “lấy lại sức”.  

Chị Hạnh cho biết thêm, với người ở nhà thuê như chị, mỗi ngày phải ăn cơm bụi bên sàn cá sống đã đành. Nhưng hầu hết các chị có chồng, con, có nhà cửa hẳn hoi ở Đà Nẵng vẫn cứ phải nghỉ ngơi tại chỗ và ăn uống rất tạm bợ. Họ lúc nào cũng luôn tay luôn chân, tàu cập cảng phải có mặt, còn khách đến lấy cá thì không giờ giấc nhất định. Thành ra các chị, các bà có nhà cửa, cũng không thể bỏ công việc mà về nhà ăn bữa cơm đàng hoàng. Lúc có tiệc, có đám, các chị cũng không thể tô son điểm phấn đến dự như bao người mà phải tranh thủ đi vào đêm hôm trước. Một chị đang làm cá thở dài: “Biết răng được, cả ngày ngoài ni ai làm cho mà bỏ đi. Mua được bộ quần áo đẹp, họa may 3 ngày Tết mới mân mê thử”. 

Đọc thêm