Phần lớn tội phạm xâm hại trẻ em là người thân quen

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đến giữa tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã xảy ra trên 50 vụ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô đối với trẻ em, đa số trẻ em bị hiếp dâm chủ yếu là ở vùng dân tộc miền núi, chiếm từ 70 - 80% số vụ.
Lực lượng công an tăng cường tuyền truyền công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Lực lượng công an tăng cường tuyền truyền công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Những năm qua, các sở, ban, ngành; các cấp chính quyền của tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về tinh thần, thể xác của trẻ...

Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ năm 2018 đến giữa tháng 5/2021, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá đã xảy ra trên 50 vụ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô đối với trẻ em, đa số trẻ em bị hiếp dâm chủ yếu là ở vùng dân tộc miền núi, chiếm từ 70 - 80% số vụ. Trong đó 50% đối tượng phạm tội hiếp dâm là những người có mối quan hệ với gia đình nạn nhân.

Theo các ngành trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ của tỉnh Thanh Hóa thống kê, những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại chủ yếu là những người đã thành niên. Trong đó, chủ yếu là nam giới; đối tượng mua bán trẻ em chủ yếu là nữ giới.

Phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại như: bố dượng, bạn bè, hàng xóm, người có trách nhiệm chăm sóc, người quen của trẻ.

Phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ để tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ, nhất là các vụ xâm hại tình dục mua bán trẻ. Khi tiếp cận được, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dụ dỗ trẻ như cho tiền, cho sử dụng điện thoại, rủ đi chơi..., đe dọa trẻ để thực hiện hành vi xâm hại.

Cần bổ sung các quy định pháp luật về tội phạm đối với trẻ em

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được các cấp, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm và đã có những bước tiến đáng kể. Song, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện vẫn gặp phải những vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và giải quyết.

Cụ thể, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn xảy ra với tính chất vụ việc diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương trên địa bàn chưa thực sự quan tâm đúng mức, kịp thời đến công tác bảo vệ trẻ em cũng như chưa chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ.

Các đối tượng phạm tội hiếp dâm thường là những người có mối quan hệ với gia đình nạn nhân

Các đối tượng phạm tội hiếp dâm thường là những người có mối quan hệ với gia đình nạn nhân

Trong khi kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ còn hạn chế; môi trường sống chưa bảo đảm an toàn và thân thiện cho trẻ. Vẫn còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý kéo dài hoặc xử lý chưa nghiêm... làm tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ, đi ngược lại với luân thường đạo lý, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, gây bức xúc dư luận.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em; có kế hoạch quản lý chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về xâm hại tình dục trẻ em, thanh, thiếu niên hư hỏng, có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn có nguy cơ thực hiện hành vi xâm hại.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tin báo, kiến nghị, khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi. Phối hợp với lực lượng chức năng, các ngành, các cấp, nhất là ngành giáo dục, văn hóa, lao động tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh, thiếu niên, huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, để đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành pháp luật xuất phát từ tình hình thực tiễn để bổ sung các quy định pháp luật về loại tội phạm này cho phù hợp, kể cả tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, xem xét xử lý cả hành vi bao che không cung cấp, dung túng... gây cản trở công tác điều tra. Cùng với đó, cần xem xét toàn diện đến yếu tố nạn nhân trong các vụ việc để có giải pháp quản lý, xử lý giáo dục với các đối tượng liên quan hành vi này, vì thực tế cho thấy nhiều vụ việc chỉ xét đến yếu tố người bị hại là trẻ em nữ, trong khi chính đối tượng bị tố cáo (phía trẻ em nam) lại là nạn nhân.

Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh cũng đề nghị Luật Giám định tư pháp sớm bổ sung quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là việc cần phải được thực hiện nhanh, khẩn trương trong thời gian ngắn nhất có thể, tạo thuận lợi cho việc điều tra; quy định chặt chẽ hơn quyền và nghĩa vụ của người giám hộ cũng như chế tài đối với họ khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, không có mặt trong các buổi lấy lời khai, thẩm vấn hoặc từ chối giám hộ...

Ngoài ra, các cấp, các ngành cần phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trong trường học và nâng cao trách nhiệm trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em là điều hết sức cần thiết.

Đọc thêm