Trước khi bình luận về các đề xuất này liệu có phù hợp với pháp luật Việt Nam hay không thì rất cần biết về quy định luật hiện hành liên quan đến mức xử phạt cho hành vi lái xe uống rượu bia, gây tai nạn làm chết người.
Theo quy định của pháp luật, tài xế tham gia giao thông có uống rượu bia, xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền cao nhất từ 16 -18 triệu đồng, tước bằng lái 4 - 6 tháng. Hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn có thể bị truy cứu về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Theo đó, tài xế gây tai nạn làm chết 1 người bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 5 năm; làm chết 2 người thì bị phạt tù đến 10 năm; còn làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù cao nhất 15 năm. Trên thực tế đã có không ít tài xế bị xử lý hình sự với tội danh này, ví dụ như năm 2012, TAND TP HCM đã tuyên án 11 năm tù và bồi thường dân sự gần 1 tỷ đồng khi xét xử tài xế Nguyễn Vũ Thông 38 tuổi vì uống bia và ngủ gật khi lái chiếc Toyota Fortuner tông chết 4 người cùng một gia đình ở TP HCM; tháng 11/2016, TAND huyện Tam Bình, Vĩnh Long xét xử bị cáo Hồ Thanh Dũng có hành vi uống rượu trong đám giỗ sau đó cầm lái đâm chết 2 người đàn ông, với hành vi gây ra, Hồ Thanh Dũng lĩnh án 3 năm tù...
Khi những bản án này được tuyên, dư luận xã hội cũng đã rất bức xúc vì cho rằng mức xử phạt của pháp luật như vậy là quá nhẹ với hành động được coi là cố ý giết người này bởi những người tài xế dù biết mình say rượu, bia nhưng vẫn bất chấp để cầm lái điều khiển phương tiện tham gia giao thông và đâm chết người. Tuy nhiên, ở góc độ pháp luật, nhiều chuyên gia phân tích, hậu quả chết người do tai nạn giao thông là sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Nếu không phải cố ý giết người do có dự mưu từ trước, thì hành vi của tài xế gây tai nạn là lỗi vô ý và không thể quy kết tài xế làm chết người khi tham gia giao thông là phạm tội cố ý hay vô ý giết người, hậu quả nghiêm trọng gây ra chỉ được coi là một tình tiết tăng nặng để lượng hình. Do đó, Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định các mức án tối đa 10 hay 15 năm tù đối với lỗi vô ý làm chết người là đã rất nghiêm khắc.
Có nên phạt tù tài xế uống rượu bia ngay cả khi chưa gây tai nạn?
Lái xe là một công việc đặc thù, ảnh hưởng đến chính tài xế và nhiều người xung quanh. Vì thế, bên cạnh việc nâng cao ý thức của tài xế khi tham gia giao thông thì việc có một chế tài đủ sức răn đe là việc rất nên làm, để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố rủi ro khi tham gia giao thông. Có như thế, những câu chuyện đau lòng như thời gian qua mới không tái diễn trong tương lai.
Vì thế, trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cho rằng việc phạt nặng, thậm chí là phạt tù tài xế khi sử dụng rượu bia, chất kích thích… dù chưa gây hậu quả là cần thiết. Luật pháp đã quy định rõ ràng những điều này và cần phải xác định rõ, ở đây là “chưa gây tai nạn” chứ không phải là “không gây tai nạn”. Vì thế, xử nghiêm các trường hợp trên không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà còn là biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn.
“Lái xe là cấm uống rượu bia mà đã uống tức là coi thường pháp luật. Đó là chưa gây tai nạn chứ không phải là không gây tai nạn, nguyên nhân gây tai nạn vẫn tồn tại ở đó, có điều chưa xảy ra chứ say xỉn như thế thì biết lúc nào sẽ tới. Đã cấm là phải cấm tuyệt đối nhưng lâu nay mình chưa nghiêm nên bị coi thường” - PGS – TS Nguyễn Lê Ninh phân tích.
Sao phải chờ có hậu quả mới hình sự hóa?
Là câu hỏi mà ông Lê Nguyễn Duy Hậu, một luật sư tại TP HCM đặt ra trong một bài viết của mình sau một loạt các vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn gây ra. Theo Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chỉ ra rằng ở Việt Nam trung bình trong 10 vụ tai nạn giao thông thì 4 vụ có nguyên nhân từ hành vi lái xe sau khi đã sử dụng bia rượu, chất kích thích (driving under the influence – DUI). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ tử vong từ DUI ở Việt Nam là 26,4 trên 100.000 người. Nếu so sánh với các quốc gia khác thì Việt Nam đang đứng hàng top trên thế giới về số vụ tai nạn có nguyên nhân từ DUI, chỉ thấp hơn Vanuatu và Lesotho vào năm 2018.
Từ năm 2001, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa DUI trở thành hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông đường bộ (Luật GTĐB). Thế nhưng, bản thân hành vi DUI vẫn chưa bị xử lý một cách thoả đáng khi chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính từ 2 triệu đến tối đa 18 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe trong 6 tháng. Tuy được xem là một tình tiết định khung tăng nặng của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bản thân hành vi DUI không bị coi là một tội phạm hình sự. Cách xử lý này là rất mềm mỏng nếu so sánh với các quốc gia khác.
Ở Anh, người lái xe thậm chí còn chưa kịp điều khiển phương tiện đã bị phạt nếu cảnh sát phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép. Tài xế sẽ bị phạt ngay nếu sau khi uống rượu bia mà có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nói cách khác, chỉ cần ngồi trong ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là phải đối diện với án phạt. DUI bị coi là một tội hình sự ở Anh, bất chấp việc hành vi này có gây ra thiệt hại hay không.
Ở Malaysia, khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, không chỉ tài xế phải chịu trách nhiệm mà những người đi cùng (vợ, bạn bè) cũng có thể bị phạt tù. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc - những nước có thói quen uống bia rượu sau giờ làm như Việt Nam - chỉ cần vượt giới hạn nồng độ cồn cho phép, tài xế phải đối diện với mức phạt tù. Khi nồng độ cồn vượt mức 0,05mg/lít khí thở ở Hàn Quốc, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm cộng thêm mức phạt lên tới 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng). Còn tại Nhật, tài xế có nồng độ cồn vượt quá quy định, dù không gây tai nạn chết người cũng sẽ phải đối mặt với ít nhất 15 năm tù. Còn nếu có thiệt hại về người, mức án thấp nhất là 20 năm. Từ năm 2010, Trung Quốc đã sửa đổi bộ luật hình sự, áp dụng mức phạt tù và cấm lái xe vĩnh viễn đối với tài xế có hành vi DUI tuỳ theo mức độ…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hình sự hoá DUI cũng nên được cân nhắc kỹ lưỡng vì việc đảm bảo thực thi là rất khó khăn vì DUI chỉ có thể bị phát hiện khi cảnh sát dừng xe kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. Việc này có thể khiến một số cảnh sát lạm quyền và gây phiền hà cho tài xế không say rượu. Vì thế, theo Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, nếu không thể hình sự hoá DUI một cách triệt để thì rất cần phải có những biện pháp nghiêm khắc hơn, bởi một đạo luật nghiêm khắc không những để xử phạt hành vi lỗi mà còn là phao cứu sinh cho rất nhiều tài xế trước sức ép, chèo kéo của bia, rượu và cả bạn nhậu.