Pháp luật 'dẫn đường' nền điện ảnh lành mạnh, bền vững

(PLVN) - Điện ảnh Việt bao lâu nay vẫn đứng trước nhiều vấn đề cố hữu như thiếu kịch bản hay, thị trường phim chủ yếu là các phim giải trí đơn thuần, hài nhảm, còn thiếu các bộ phim có giá trị nghệ thuật cao, thiếu khả năng cạnh tranh với phim ngoại… Trong bối cảnh đó, những cơ hội từ khởi sắc của doanh thu và hành lang pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục các “khoảng trống” trong xây dựng thị trường phim lành mạnh, hấp dẫn, để nền điện ảnh nước nhà phát triển bền vững.
Phim điện ảnh Việt. (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Điện ảnh cần những chính sách có giá trị thực tiễn

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, điện ảnh các nước trên cả thế giới đều bị đình trệ. Nhiều dự án phim bị hoãn, hủy hoặc lùi ngày phát hành; rạp chiếu phim đóng cửa kéo dài; hầu hết các liên hoan phim phải tổ chức online. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và khống chế, điện ảnh Việt cũng đã từng bước phục hồi và đạt nhiều thành tích. Đáng nói, khi Luật Điện ảnh sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2022, các nhà nghiên cứu, phê bình và người làm điện ảnh đều đánh giá Luật Điện ảnh có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động điện ảnh, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển.

Việc thay đổi chính sách để “bắt kịp” với bối cảnh thực tế đã cho thấy mối quan tâm sâu sắc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội đối với điện ảnh Việt - một trong những công nghiệp văn hoá “mũi nhọn”. Như Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng từng nhận định: Điện ảnh ngày nay được xác định rõ ràng là một ngành công nghiệp văn hóa. Nếu có chính sách thúc đẩy thì chắc chắn sẽ tạo nên sự phát triển, tạo sức mạnh mềm đóng góp cho sự phát triển chung. Khi đi vào thực tiễn, Luật Điện ảnh sẽ trở thành động lực khuyến khích sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc như chúng ta mong muốn, kỳ vọng. Để thực hiện mong ước, khát vọng thúc đẩy sự phát triển điện ảnh nói riêng, nền văn hóa Việt Nam nói chung, cần sự đồng hành của nhiều nguồn lực trong xã hội.

Luật Điện ảnh mới được Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Điểm đặc biệt của luật hiện hành là xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế, chứ không chỉ là một ngành nghệ thuật. Theo đó, để thực thi được tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam bắt buộc tại rạp, còn phụ thuộc vào quy luật thị trường và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu khán giả, thu hút đông người xem, phim Việt mới có vị trí, suất chiếu nhiều để trụ rạp như mong muốn. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để cải thiện hệ thống rạp chiếu nội địa với các giải pháp như: khơi thông hợp tác công - tư, nguồn lực xã hội, chính sách thuế, đất đai để xây dựng cụm rạp “của người Việt, cho người Việt”... cùng với các chính sách khuyến khích phát hành phim Việt Nam tại nước ngoài.

Cụ thể, Nghị định 131/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh về tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc mang lại cơ hội đột phá cho điện ảnh trong nước. Theo đó, từ năm 2023, phim Việt được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ hằng ngày, với tỉ suất được bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm. Không chỉ chú trọng phát hành phim theo phương thức truyền thống, việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến, phát triển điện ảnh được Nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nền Điện ảnh Việt Nam.

Trong thời đại công nghệ 4.0, xây dựng nền điện ảnh mang tính hiện đại có ý nghĩa thiết thực và cập nhật đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Nhìn ra thế giới để thấy mỗi nền điện ảnh đều cần những chính sách bảo hộ gắn với thực tiễn để phát triển và đứng vững, với nhiều ưu đãi đặc biệt cho loại hình này, nhất là ưu tiên phát triển nội địa. Điển hình là tại Hàn Quốc, Chính phủ quy định tỷ lệ suất chiếu phim nội phải nhiều hơn phim nhập tại các rạp chiếu phim, giám sát chặt chẽ việc nhập phim, giảm thuế và các chi phí hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn kinh tế đầu tư kinh phí sản xuất cho phim nội địa. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất phim Hàn Quốc luôn xác định mục tiêu chính là sản xuất phim phục vụ khán giả trong nước. Đây cũng là cách khiến Hàn Quốc là một trong số vài quốc gia trên thế giới ít bị ảnh hưởng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với những bộ phim “bom tấn” Hollywood.

Thượng tôn pháp luật, hiện thực hóa tiềm năng

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào ngày 15/06/2022. (Nguồn: quochoi.vn).

Điện ảnh Việt Nam hiện đang hướng đến mục tiêu làm sao có được một thị trường điện ảnh tăng trưởng nhanh; gỡ vướng về cơ chế, chính sách để khuyến khích, tiếp sức và tạo động lực cho những người làm điện ảnh thực hiện những đam mê, trách nhiệm với công việc của mình; thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó tạo ra sự thành công bền vững cho điện ảnh Việt Nam. Để có nền điện ảnh chuyên nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, phải có sự phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành, đơn vị liên quan; phải cần đến định hướng chiến lược và sự đầu tư có bài bản của Nhà nước cho hoạt động điện ảnh hướng tới tính dân tộc, hiện đại, đại chúng ở tất cả các khâu sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, lưu trữ phim, đào tạo…

“Điểm sáng” đáng kể là doanh thu của điện ảnh Việt sau thời gian đại dịch. Nếu như sản xuất phim Việt Nam trong năm 2021 chỉ đạt 20 phim (giảm hơn một nửa so 40 - 50 phim/năm trước đại dịch), năm 2022 đã lên hơn 30 phim. Rạp chiếu phim đã đông vui trở lại. Một số hoạt động của điện ảnh Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế bắt đầu sôi động, đáng kể là phim truyện “Tro tàn rực rỡ” được chọn dự thi tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo và gần đây được trao giải cao tại Liên hoan phim Ba châu lục Nantes (Pháp); phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” lọt vào danh sách 15 phim đề cử giải Oscar 2022 sau khi được trao hàng loạt giải quan trọng tại các liên hoan phim quốc tế và được phát hành tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…

Việt Nam có thị trường khán giả rộng lớn, tuy nhiên để tận dụng hết thị trường cả trong nước và nước ngoài còn rất nhiều việc phải làm và hiện nay cũng đang rất “chật vật” để triển khai. Trong khi nhiều bộ phim nội địa vẫn “loay hoay” giữa ranh giới phim giải trí hay phim nghệ thuật, phim Việt xuất khẩu ra nước ngoài cũng còn rất hạn chế. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều “khoảng trống” trong cách xây dựng thị trường phim đa dạng. Đơn cử, đối với điện ảnh nội địa cần có những dòng phim khác nhau, phim chính thống phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim nghệ thuật, phim tác giả, dòng phim dành cho khán giả…

Đối với xuất khẩu điện ảnh ra nước ngoài, bên cạnh những sản phẩm phim chất lượng, cũng cần có chiến lược quảng bá, tiếp thị hiệu quả. Hiện nay, phần lớn các công ty tư nhân chủ động đưa phim ra nước ngoài, đến các chợ phim hay có mối liên hệ với các bạn hàng để bán phim, hoặc bán cho truyền hình, cho các nền tảng; các nhà sản xuất phim cũng tự mày mò. Điều đó cho thấy, các giải pháp để đưa phim ra nước ngoài của các cơ quan quản lý chưa phát huy được hiệu quả.

Một yếu tố quan trọng khác là sự tôn trọng văn hoá, tuân thủ pháp luật trong toàn bộ quá trình sản xuất, quảng bá và phát hành phim. Nhiều nhà sản xuất, nhà làm phim, các công ty kinh doanh về điện ảnh chưa tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định pháp luật nên gặp nhiều vướng mắc, khó khăn ở một trong những giai đoạn làm phim, khiến bộ phim khó phát hành đúng hạn, ảnh hưởng đến doanh thu kinh tế. Mặt khác, các đoàn làm phim nước ngoài cũng gặp vấn đề này. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt là cần giải quyết vấn đề của cả ba dòng phim: Phim nhà nước đặt hàng với các tác phẩm xứng tầm và có khả năng ra rạp phục vụ khán giả; phim giải trí do tư nhân sản xuất khuyến khích với những phim lành mạnh, mang thông điệp tích cực về cuộc sống; phim nghệ thuật được ghi nhận tại các Liên hoan phim quốc tế do Quỹ điện ảnh hỗ trợ sản xuất. Bên cạnh đó là thực hiện các chiến lược quảng bá, thu hút các hãng phim nước ngoài đầu tư, hợp tác sản xuất phim với Việt Nam.

Đọc thêm